Nguồn sống của các tổ chức nghiên cứu "độc lập"

Thứ ba, 28/02/2012 18:05

Các tổ chức nghiên cứu độc lập có vai trò khá quan trọng trên chính trường Mỹ. Vì gắn mác là ‘‘độc lập’’, nên chúng được tin tưởng sẽ phục vụ tối đa lợi ích của cộng đồng trong việc tư vấn chính sách cho chính quyền. Thế nhưng, thực sự các tổ chức này có ‘‘độc lập’’ hay có ai đó đứng đằng sau giật dây?

Một thông tin mới bị rò rỉ đang gây chấn động dư luận Mỹ: Viện Heartland, một tổ chức nghiên cứu độc lập từng được biết đến như ‘‘ngọn cờ đầu’’ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở Mỹ, lại sống nhờ nguồn tài trợ từ các công ty thuốc lá và các tập đoàn dầu mỏ, những đối tượng bị chỉ trích mạnh mẽ nhất vì gây ô nhiễm môi trường. Các nhà tài phiệt Mỹ luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi để chèo lái chính trường theo hướng có lợi cho mình.

Một áp phích quảng cáo tạo sự tranh luận về hiện tượng ấm lên toàn cầu của Viện Heartland. Nguồn: climateconference.heartland.org

Phranh Lăn-dơ (Frank Luntz), một cố vấn của đảng Cộng hòa (Mỹ) đã từng viết rằng: “Nếu như công chúng tin rằng vấn đề dưới góc độ khoa học đã được chứng minh, thì họ chắc chắn cho rằng sự ấm lên toàn cầu là sự thật. Do vậy phải để các nhà khoa học tiếp tục tranh luận về vấn đề này”.

Các công ty thuốc lá và dầu mỏ dường như đi tiên phong trong việc sử dụng phương pháp của Phranh Lăn-dơ: Tạo ra vấn đề gây tranh cãi. Nói cách khác là khẳng định: Liệu hút thuốc lá có gây ung thư, hay việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch có là nguyên nhân của biến đổi khí hậu hiện vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp xác đáng. Sự tranh cãi này âm thầm được đưa vào giảng dạy trong hệ thống nhà trường và được tung ra bàn luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo các nguồn tài liệu bị rò rỉ, Viện Heartland, cơ quan được ủy nhiệm xây dựng chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu cho các trường học ở Mỹ đã đưa vào giáo trình quan điểm: “Liệu con người có phải là tác nhân gây biến đổi khí hậu và CO2 có phải là chất gây ô nhiễm hay không? vẫn còn là một vấn đề khoa học gây tranh cãi lớn”. Thế mà, tổ chức này từng khẳng định: “Viện Heartland tiến hành nghiên cứu và đưa ra bình luận hoàn toàn độc lập cũng như chúng tôi không chủ trương nhượng bộ hay sợ mếch lòng các cá nhân tài trợ”. Một số nhà khoa học đầu ngành về biến đổi khí hậu cũng từng tuyên bố về tính độc lập trong nghiên cứu của mình. Năm ngoái, giáo sư Phrét Xinh-gơ (Fred Singer) đã nói trên một trang web của Pháp: “Đương nhiên, tôi không được tài trợ bởi các tay vận động hành lang của các tập đoàn dầu mỏ. Việc đó (nhận tài trợ) thật nực cười”.

Thế nhưng, người ta đã phát hiện ra rằng, mỗi tháng Giáo sư Phrét Xinh-gơ nhận 5000USD từ Viện Heartland, tổ chức được tài trợ bởi cả công ty than Murray Energy, công ty dầu mỏ Marathon và của Ren-đi Ren-đôn (Randy Randol), người từng là nhà vận động hành lang cho tập đoàn Exxon.

Rõ ràng có một khoảng cách giữa lời nói và bản chất của các tổ chức kiểu như Viện Heartland. Theo ông Đây-vít Phrum (David Frum), nguyên là thành viên của tổ chức nghiên cứu độc lập Viện Doanh nghiệp Mỹ thì thực ra các cơ quan dạng này “có chức năng hoạt động ngày càng giống như các tổ chức tuyên truyền”. Ông nói rằng, thông điệp mà họ chuyển đến các thành viên của mình là: “Chúng tôi trả lương không phải để các bạn phải tư duy mà để tuyên truyền quan điểm của chúng tôi”.

Lợi nhuận của các công ty sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các tập đoàn đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng cũng như khối tài sản cá nhân kếch xù của các nhà tài phiệt phụ thuộc phần lớn vào các luật lệ của chính quyền Mỹ. Nếu như các quy định bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của công chúng đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ giảm và ngược lại. Do vậy, các nhà tài phiệt và các doanh nghiệp lớn dùng tiền để mua ảnh hưởng, giúp bản thân nằm ngoài sự kiểm soát của các luật lệ.

Từ việc được đầu tư không hạn chế vào các Siêu Ủy ban vận động chính trị (PAC) tới việc “nuôi sống” các tổ chức nghiên cứu độc lập, dường như các nhà tài phiệt đã kiểm soát nền chính trị Mỹ.

Nhà báo Gioóc Môn-bi-ốt (George Monbiot) đã viết trên tờ Người bảo vệ (Anh) rằng: “Ông chủ Nhà Trắng có thể nói gì với các ngân hàng? Chẳng nhẽ lại nói: "Hãy làm theo tôi, nếu không tôi sẽ không nhận tiền của các vị nữa"? Làm sao Tổng thống có thể đánh thuế các tỷ phú trong khi chính ông đang bị những người này kề dao vào cổ? Tài sản ở đâu thì trái tim cũng sẽ nằm ở đó mà thôi’’.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực