Nhật báo Phố Uôn ngày 20-9 đưa tin, trước nguy cơ liên tục có sự hiểu lầm, suýt dẫn tới đụng độ vũ trang ở vùng Vịnh, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đang thảo luận các phương án nhằm tiếp cận gần hơn với Chính phủ I-ran, trong đó có khả năng đề nghị hai bên thiết lập một đường dây nóng trực tiếp giữa hải quân hai nước.
Mỹ đang rất lo ngại xung đột do các tàu tuần tra cao tốc của I-ran gây ra. Trong những tháng gần đây, tàu chiến của Mỹ và Anh đã không ít lần bắn cảnh cáo khi các tàu tuần tra tốc độ cao, có trang bị tên lửa của I-ran tiến sát về phía họ trên vùng Vịnh. Các máy bay chiến đấu của I-ran cũng thường xuyên có những hoạt động trên vùng biển này. Trước mối lo ngại từ sự hiểu lầm có thể dẫn tới các vụ xung đột lớn hơn, Văn phòng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem xét các phương án tiếp xúc với I-ran, trong đó có thể chính thức đề xuất thiết lập một đường dây thông tin khẩn cấp giữa hải quân I-ran với Bộ chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ đóng căn cứ tại Ba-ranh, thay vì mới chỉ ở cấp trung đoàn như hiện nay. Tuy nhiên, theo các quan chức Nhà Trắng, tới nay vẫn chưa có một đề xuất chính thức nào về việc lập đường dây thông tin khẩn cấp cấp cao hơn với I-ran được trình lên Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton), Bộ trưởng Quốc phòng Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) hoặc Tổng thống Ô-ba-ma. Nếu phương án này được lựa chọn, phía Mỹ có thể sẽ nhờ qua khâu trung gian là các nhà lãnh đạo I-rắc có quan hệ gần gũi với Chính phủ I-ran. Đường dây nóng này nếu được thiết lập và hoạt động hiệu quả thì phương án tiếp theo của Nhà Trắng có thể mở rộng thành một đường dây nóng đầy đủ hơn nhằm tháo gỡ các ngòi nổ xuất hiện trong quan hệ giữa hai nước.
Tình trạng căng thẳng dẫn tới xung đột giữa Mỹ và I-ran tại vùng Vịnh từng xảy ra trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Trong cuộc chiến I-ran – I-rắc 1980-1988, Hải quân I-ran từng đánh chìm một số tàu của phương Tây mà họ tình nghi là cung cấp vũ khí cho chế độ Xát-đam Hút-xen (Saddam Husein). Năm 1988, tuần dương hạm trang bị tên lửa có điều khiển USS Vincennes của Mỹ đã bắn cháy một máy bay dân dụng của I-ran, làm thiệt mạng toàn bộ 290 hành khách, vì nhầm đó là máy bay chiến đấu F-14. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, căng thẳng giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran ngày càng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của I-ran.
Theo các nhà phân tích, hơn ai hết, những người Mỹ đang nắm quyền lực hiện nay tin rằng, chính I-ran đang đứng đằng sau những khó khăn của họ ở cả hai mặt trận Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. I-ran cũng gây khó cho người Mỹ trong vấn đề I-xra-en - Pa-le-xtin. Và người Mỹ coi I-ran hiện nay là chướng ngại cho toàn bộ chiến lược kiểm soát Trung Đông và tiến đến toàn bộ lục địa Á-Âu của Mỹ.
Trước đây, giới chức quốc phòng Mỹ thường xuyên tăng cường các cuộc tiếp xúc hải quân với I-ran nhằm ngăn ngừa các tình huống dẫn tới hiểu lầm giữa hai nước. Trên thực tế, các nhà phân tích cho rằng, lựa chọn của Mỹ tránh một cuộc xung đột trên biển với I-ran là khôn ngoan. I-ran nắm giữ eo biển Hoóc-mút, tuyến trung chuyển dầu duy nhất ở vùng Vịnh, mỏ dầu của thế giới. Nếu xung đột xảy ra, I-ran rất có thể sẽ đóng cửa eo biển Hoóc-mút, nơi luân chuyển hơn 25% lượng dầu mỏ của thế giới, và điều đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng khai thác dầu mỏ của Mỹ ở vùng Vịnh và biến cuộc chiến tranh tại I-rắc thành vô nghĩa.