Nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu và những giải pháp

Thứ năm, 11/08/2011 10:53

(ĐCSVN) - Những biến đổi khó lường của khí hậu, các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế, giá nhiên liệu tăng đột biến…đã đặt ra nhiều vấn đề về sản xuất lương thực - thực phẩm và đảm bảo nguồn cung cho toàn cầu. Liên hợp quốc (LHQ) và lãnh đạo nhiều quốc gia đã không ít lần lên tiếng cảnh báo về sự khan hiếm cũng như giá cả lương thực - thực phẩm sẽ leo thang sẽ đẩy hàng triệu người dân ở các quốc gia chậm phát triển tới cảnh thiếu đói nghiêm trọng.

Tình hình thiếu lương thực ở châu Phi là điển hình do tác động của biến đổi khí hậu và sâu bệnh phá hoại mùa màng từ Ê-ti-ô-pi-a, Xô-ma-li, Di-bu-ti, Kê-ni-a đến Ni-giê-ri-a. LHQ vừa nối lại các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Xô-ma-li, kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ lương thực cho khu vực Đông Phi do tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua tại vùng Sừng châu Phi.

Ở châu Á, nạn hạn hán kéo dài tại Trung Quốc đang đe dọa tới sản lượng lúa mì của nước này và có thể sẽ ảnh hưởng tới giá lương thực toàn cầu. Sản lượng sụt giảm sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm ngũ cốc, làm cho giá cả trên thị trường thế giới gia tăng, khiến tình trạng giá lương thực leo thang ở nhiều nơi trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, nhiều vùng đất trên các châu lục sẽ chìm ngập dưới 2 mét nước biển, khu vực châu thổ sông Mê Công, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, bị bao phủ bởi hơn 1 mét nước mặn, sản lượng gạo có nguy cơ giảm 1/2 hoặc hơn. Một nguyên nhân khác là việc sử đụng số lượng lớn bắp, sắn (khoai mì) và những loại ngũ cốc hay nông sản khác để chế biến ethanol thay thế xăng dầu đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm, đẩy giá lương thực lên cao, gây bất ổn kinh tế toàn cầu.

Quốc hội Mỹ đã đề ra mức sử dụng nhiên liệu sinh học năm 2022 là 36 tỷ gallons/năm. Các quốc gia EU đưa ra chỉ tiêu là đến 2020, 10% nhiên liệu sử dụng cho xe hơi phải là nhiên liệu sinh học, hoặc từ năng lượng gió. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Thái lan cũng đã đưa ra các kế hoạch sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ngoài lượng sắn nhập từ Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia, Trung Quốc còn nhập một lượng lớn sắn từ Châu Phi với giá cao. Đây là cái lợi trước mắt cho nông dân ở châu Phi, nhưng là cái hại cho ngành nông nghiệp khu vực này. Nông dân sẽ chuyển sang trồng sắn để bán lấy tiền, thay vì trồng lúa hay những loại ngũ cốc khác. Theo các chuyên viên lương nông LHQ, xu hướng này cũng nguy hiểm như tình trạng mất mùa.

Nhiều nhà khoa học đã đề xuất một số biện pháp giải quyết tình trạng trên nhằm hạ giá lương thực. Biện pháp đầu tiên và cấp bách nhất là giảm sử dụng ngô để chế biến ethanol bởi việc này không có lợi về kinh tế cũng như an toàn thực phẩm. Thứ hai, là bảo vệ nguồn nước và diện tích canh tác khi gần 1/2 dân số thế giới bị đe dọa bởi nạn thiếu nước và hạn hán. Biện pháp thứ ba là giảm bớt tiến trình đô thị hóa.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực