Nhân tố quan trọng thúc đẩy kết nối thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương

Thứ ba, 16/08/2011 17:26

Giới quan sát ở Đông Á cho rằng các Hiệp định về Khu vực Thương mại Tự do (FTA) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho dòng chảy của những sản phẩm hoặc cấu kiện qua biên giới, và mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường trong cũng như ngoài khu vực.

Nhờ áp dụng biểu thuế quan ưu đãi, các nước có thể nhập nguyên vật liệu để sản xuất một cách dễ dàng hơn. Nhà kinh tế Vincent Tsui thuộc Standard Chartered được dẫn lời nói: “Với việc ký kết các FTA, các biểu thuế quan được cắt giảm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế châu Á được tăng lên và nhiều dây chuyền sản xuất vươn tỏa sang các nước khác.”

Theo một bài viết trên tờ China Daily (Nhật báo Trung Quốc), chi phí sản xuất thấp đã tạo đà cho các nước châu Á bước “hai chân lên đoàn tàu thương mại tự do,” và sau đó họ hiểu rằng cần phải hình thành khối (buôn bán) khu vực để có thể cạnh tranh trên bình diện toàn cầu.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các nước khu vực đã tích cực đi đầu trong ký kết FTA.

Năm 2000 mới chỉ có 3 FTA trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Hiệp định về Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) mang nhiều ý nghĩa nhất. Đến năm 2010, con số đó đã tăng lên 45 cộng với 84 FTA khác đang trong quá trình thương thảo.

Trong báo cáo hàng năm về thương mại và đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương nói hiện châu Á chiếm khoảng một nửa số FTA được ký mỗi năm.

Tính đến năm 2010, Nhật Bản đã ký 13 FTA với các nước, trong đó có Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ.

Hiệp hội ASEAN đã bắt đầu đàm phán về FTA với Trung Quốc từ tháng 11/2001, chỉ mấy tháng sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và FTA đó bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Ngoài ra ASEAN còn ký FTA với Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tháng 8/2010, Trung Quốc ký FTA với Costa Rica và đó là thỏa thuận thứ bảy của nước này. Nhưng trong số các FTA đó, hiệp định đạt được với Hiệp hội ASEAN là mang ý nghĩa to lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc trong khu vực.

Bốn năm sau khi ký FTA vào năm 2007 với ASEAN, thương mại giữa Hàn Quốc và Hiệp hội ASEAN đã tăng lên 61%. Tin tức cho hay nước này đang tiến tới ký các FTA song phương với Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Australia và Mỹ. Thỏa thuận mà Hàn Quốc ký với Liên minh châu Âu năm ngoái đã có hiệu lực từ tháng Bảy vừa qua.

Singapore đang là bên ký nhiều FTA nhất với 14 thỏa thuận, trong khi Việt Nam cũng tiến khá nhanh trong hoạt động này. Từ chỗ gần như chưa có trong tay hiệp định nào, đến nay Việt Nam đã đạt được 15 FTA, trong đó có sáu thỏa thuận thông qua Hiệp hội ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Tin tức cho hay giá trị xuất khẩu của 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ toàn cầu giai đoạn 2007-2009. Còn quan hệ thương mại của Hiệp hội với 6 nước này chiếm 31,9% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN năm 2010. 

Số liệu chính thức từ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 tại Manado (Indonesia) cho hay tổng kim ngạch thương mại của ASEAN với 6 nước thành viên Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) - gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand - tăng 29,6% trong năm 2010 và đạt 650,9 tỷ USD, cao hơn mức 598,8 tỷ USD trước khủng hoảng. Xuất khẩu từ các nước ASEAN tới 6 quốc gia đó ước đạt 337,3 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 25,7%, đạt 313,6 tỷ USD.

Tuy vậy, bài viết kể trên nhận xét rằng mặc dù nhiều hiệp định được ký kết, song Đông Nam Á vẫn là một trong những khu vực ít hội nhập nhất về mặt kinh tế và người ta đang chất vấn về khả năng các nước thành viên có thể hưởng lợi thực sự từ FTA. Các nước dường như tiếp tục có xu hướng dựa khá nhiều vào những luật lệ buôn bán truyền thống hơn là vận dụng các ưu đãi về thuế quan được nêu trong các FTA.

Tính phức tạp của mạng lưới các thỏa thuận đang được coi như là rào cản về mặt thủ tục hành chính đối với mậu dịch trong vùng, với các luật lệ quy định về xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận là thách thức. Điều đáng lưu ý là trong lúc biểu thuế quan giảm khá mạnh thì hàng rào phi thuế quan vẫn tồn tại, trong khi chi phí thương mại giữa các nước trong khu vực có vẻ lại cao hơn so với các nền kinh tế phát triển cách rất xa nhau./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực