Hạn chế nhập cư đang là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất mà các ứng cử viên Tổng thống Pháp lần lượt đưa ra các đề xuất.
|
Tổng thống Sarkozy tiếp tục đưa thêm ý tưởng cho vấn đề nhập cư |
Từ lời đe dọa gây nhiều tranh cãi của đương kim Tổng thống Sarkozy rằng nước Pháp có thể rút khỏi khu vực Schengen, cho đến ý tưởng mới của ứng cử viên Francois Hollande về hạn chế nhập cư kinh tế… về cơ bản nước Pháp ít nhiều sẽ đi theo hướng hạn chế người nhập cư để bảo vệ lợi ích của người Pháp.
Tình hình khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, an ninh bất ổn và những rắc rối liên quan đến dòng người nhập cư từ Bắc Phi vẫn tràn vào châu Âu qua đường Lampedusa, Italy … tất cả khiến người dân châu Âu nói chung, người Pháp nói riêng nghiêng về hướng hạn chế người nhập cư. Do đó, các ứng cử viên Pháp cũng phải “chiều lòng” cử tri và đưa ra những ý tưởng, kế hoạch theo hướng này trong vận động tranh cử.
Tổng thống Nicolas Sarkozy – người từng thực hiện chiến lược hạn chế nhập cư trong 5 năm nhiệm kỳ nay tiếp tục đưa thêm ý tưởng cho vấn đề này. Theo đó, ông Sarkozy tuyên bố sẽ giảm nửa số người nhập cư mỗi năm vào Pháp, hiện là khoảng 100.000 người, thông qua áp dụng các điều kiện chẽ cho việc đoàn tụ gia đình và cho các đám cưới giữa người Pháp và người nước ngoài.
Điều kiện mới theo ông Sarkozy đề xuất là các đối tượng muốn kết hôn thì phải có việc làm, chỗ ở ổn định và phải trải qua một cuộc kiểm tra tiếng Pháp. Đi xa hơn, Tổng thống Pháp yêu cầu phải có những tiến triển trong việc thắt chặt nhập cư vào khu vực Schengen nếu không nước Pháp sẽ rút khỏi khu vực.
Ông Sarkozy nói: “Hiệp ước Schengen không còn đáp ứng được với tình hình nghiêm trọng hiện nay. Chúng ta cần cải tổ hiệp ước này về mặt cơ cấu tương tự như việc châu Âu đang làm với khu vực đồng Euro. Chúng ta không thể chỉ để việc kiểm soát dòng người nhập cư trong tay các nhà kỹ trị và các tòa án”.
Trong khi đó, ứng cử viên François Hollande chú trọng vào việc giảm số “nhập cư kinh tế”. Ông François Hollande nói: “Trong bối cảnh tăng trưởng sụt giảm thì nhập cư kinh tế sẽ phải hạn chế. Cần có một cuộc thảo luận tại Quốc hội mỗi năm để biết rõ số lượng nhập cư. Hiện nay, chỉ còn một số lĩnh vực kinh tế cần người nhập cư. Nếu lĩnh vực nào không có nhu cầu cụ thể và có nhiều việc làm thì không nên nhận người lao động nhập cư trong lĩnh vực đó”.
Trên thực tế, đề xuất mới của ông Hollande tương tự như khái niệm “quota trần” nhập cư mà Tổng thống Sarkozy đưa ra trong lần vận động tranh cử trước nhưng chưa được triển khai.
Hiện nay, tại Pháp vẫn đang áp dụng điều kiện chặt chẽ phải có bằng thạc sỹ đối với người nước ngoài lao động trong một số lĩnh vực mà nước Pháp muốn hạn chế, trong đó điển hình là lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều kiện này gây không ít khó khăn cho người lao động nước ngoài, kể cả khi họ được công ty đánh giá cao về năng lực làm việc.
Về phần các ứng cử viên khác, quan điểm của phe hữu hiện rất căng thẳng. Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen nêu ra 16 biện pháp để thắt chặt nhập cư, đặt mục tiêu giảm số người nhập cư trong 5 năm tới xuống còn 10.000 người/năm. Một số biện pháp như xóa bỏ chương trình đoàn tụ gia đình, giảm số người xin tị nạn, trục xuất những người nước ngoài từng bị phạt hình sự.
Ứng cử viên Nicolas Dupont-Aignan thuộc đảng “Phong trào thức tỉnh nền cộng hòa” (DLR) thì tuyên bố thiết lập lại kiểm soát tại khu vực biên giới và phủ nhận Hiệp ước Schengen.
Về phía cánh tả, một số ứng cử viên có quan điểm có phần cởi mở hơn. Ứng cử viên Eva Joly của đảng Xanh, đề xuất dành quyền tham gia bầu cử địa phương cho những người nước ngoài đã định cư ở Pháp từ 5 năm qua. Ứng cử viên Francois Bayrou thì khá mập mờ khi tuyên bố không nên áp dụng “chính sách các con số” trong vấn đề nhập cư.
Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon thì khẳng định “nhập cư không phải một vấn đề” và cần mở ra cơ hội có quốc tịch Pháp cho tất cả những người nước ngoài đã sống tại Pháp từ 5 năm qua.
Nhìn chung, vấn đề nhập cư đang là tâm điểm chú ý của cử tri Pháp cùng với tăng trưởng kinh tế và tình hình an ninh bất ổn gia tăng. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho người nhập cư gây lộn xộn và làm mất hình ảnh cũng như đẩy lùi tăng trưởng của nước Pháp. Do đó, ít nhiều các ứng cử viên tham gia cuộc đua giành chức Tổng thống Pháp sẽ “chiều lòng” số đông cử tri và “lái” chính sách theo hướng thắt chặt nhập cư đối với người nước ngoài vào quốc gia này./.