Nhật Bản: Chuyển giao “ghế nóng”

Thứ năm, 01/09/2011 09:48

Kế thừa “chiếc ghế nóng” từ ông Naoto Kan - người vừa từ chức Thủ tướng hôm 26/8 vừa qua, ông Yoshihiko Noda sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cũ và mới nảy sinh.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Yoshihiko Noda đã được bầu vào vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản kế nhiệm ông Naoto Kan, người vừa từ chức. Theo dư luận, sự thay đổi này nhằm giảm áp lực lên đảng DPJ cầm quyền chứ không giải quyết được mọi vấn đề khó khăn mà Nhật Bản đang phải đối mặt.

Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản ngày 29/8 phải trải qua 2 vòng. Tại vòng bỏ phiếu thứ nhất, không có ai trong số 5 ứng cử viên nhận đủ đa số 200 phiếu cần thiết để giành chiến thắng, trong đó ông Banri Kaieda - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, người được cho là ứng cử viên sáng giá nhất cũng chỉ giành được 143 phiếu ủng hộ, còn ứng cử viên Yoshihiko Noda giành được 102 phiếu.

Sang vòng thứ hai, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda, 54 tuổi, đã giành chiến thắng với 215 phiếu ủng hộ trên tổng số 392 phiếu hợp lệ. Kết quả này của ông Yoshihiko Noda cho thấy sự đấu tranh quyết liệt trong nội bộ đảng DPJ cầm quyền. Như vậy, gần như chắc chắn ông Yoshihiko Noda sẽ được chỉ định làm tân Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 30/8 và sẽ là thủ tướng thứ sáu tại đất nước “Mặt Trời mọc” trong vòng 5 năm qua.

Kế thừa “chiếc ghế nóng” từ ông Naoto Kan - người vừa từ chức Thủ tướng hôm 26/8 vừa qua, ông Yoshihiko Noda sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cũ và mới nảy sinh. Thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc điều hành công tác tái thiết vùng Đông Bắc bị thiệt hại nặng nề do động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, và việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima.

Một việc tuy mang tính chiến lược và lâu dài song cũng cần phải có quyết định ngay, đó là chính sách năng lượng mới hậu thảm hoạ hạt nhân Fukushima trong bối cảnh không ít nước lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang “giã từ” điện hạt nhân. Kinh tế cũng là thách thức lớn nữa đối với Đảng Dân chủ Nhật Bản khi mà vài ngày trước cuộc bầu chủ tịch DPJ, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức tín nhiệm trái phiếu chính phủ Nhật Bản từ hạng AA xuống AAA, do khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và khoản nợ công ngày một gia tăng của Nhật Bản (hiện ở mức 5.000 tỷ USD - đạt gần 200% tổng sản phẩm quốc nội).

Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, đồng yên lại tăng giá quá mạnh, việc chi một khoản khổng lồ cho công cuộc tái thiết sắp tới là một việc vô cùng khó khăn đối với tân chính phủ. Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang nỗ lực phục hồi nền tài chính, trong đó có kế hoạch tăng gấp đôi mức thuế tiêu dùng lên 10% vào năm 2015 và giúp bảo đảm nguồn dự trữ để “bù đắp” cho chi phí phúc lợi đang phình to ở nước này (chính sách này được tân Chủ tịch DPJ Yoshihiko Noda ủng hộ), song kế hoạch này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài các vấn đề về tài chính, kinh tế, hạt nhân, những thách thức về ngoại giao cũng đang chờ đợi chính phủ mới, trong đó phải kể đến tiến trình tái bố trí căn cứ quân sự Futenma của Mỹ trên đất Nhật Bản - một yếu tố trong quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ - đang phải tạm gác lại, và quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ. Về nội bộ, tình trạng chia rẽ, bè phái ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền cũng đang gây khó khăn cho hoạt động của tân chính phủ, đó là chưa kể đến sự bất hợp tác thường trực của phe đối lập sẽ là rào cản cho những quyết sách trong tương lai.

Tuy vậy, DPJ hiện nay cũng được hưởng những lợi thế nhất định do cựu Thủ tướng Naoto Kan mang lại. Đó là ba dự luật do chính phủ đệ trình gồm dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ 2 trong tài khóa 2011, dự luật phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, dự luật về thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, đã được quốc hội thông qua mới đây nhằm đáp ứng điều kiện từ chức của Thủ tướng Naoto Kan. Ba dự luật này sẽ giúp giảm áp lực và cho phép chính phủ do DPJ kiểm soát có thể tập trung vào những ưu tiên trước mắt cũng như lâu dài.

Ông Yoshihiko Noda lên cầm quyền trong bối cảnh Nhật Bản phải giải quyết rất nhiều khó khăn sau hai thập niên kinh tế trì trệ và càng khó khăn hơn sau thảm họa động đất - sóng thần tháng 3 vừa qua. Chỉ có thành công trong việc đưa đất nước ra khỏi tình trạng này mới giúp tăng uy tín của DPJ và giảm nhiệt “chiếc ghế nóng”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực