(ĐCSVN) – Sau nhiều nỗ lực đàm phán, việc xuất khẩu dầu mỏ từ Nam Sudan qua Sudan đã được tái khởi động. Đây được coi là một bước tiến đáng kể trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề tranh cãi giữa hai nước cần tiếp tục được giải quyết thông qua đàm phán hoà bình.
Thêm một bước tiến...
Kể từ khi tách ra là một quốc gia độc lập, quan hệ giữa Nam Sudan với người láng giềng Sudan liên tục gặp “trục trặc”. Từ chuyện liên quan đến quyền lợi kinh tế đến những tranh chấp về lãnh thổ đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Xung đột nổ ra và hàng trăm nghìn người dân của hai nước phải đi lánh nạn để đảm bảo an toàn.
Vấn đề đàm phán đã được đưa ra nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cả hai nước. Sau nhiều lần thất bại thì lần này, các thỏa thuận về tăng cường thương mại, ngăn chặn các hoạt động quân sự thù địch đã được Sudan và Nam Sudan nhất trí thông qua hôm 27/9. Theo đó, một vùng đệm phi quân sự sẽ được thành lập với kỳ vọng sẽ ngăn chặn các cuộc chiến đấu và bạo lực bùng phát dọc khu vực biên giới; đồng thời góp phần đảm bảo hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ.
Được biết, vùng đệm biên giới phi quân sự là nơi binh lính phải rút cách xa 10 km từ các điểm ranh giới kiểm soát trên thực tế dọc theo đường biên giới không phân chia giữa hai nước. Vùng đệm này cũng có thể sẽ cắt đứt nguồn hậu thuẫn của các nhóm phiến quân tại những khu vực Nam Kordofan và Blue Nile của Sudan.
Bên cạnh thỏa thuận về vùng đệm, thỏa thuận về kinh tế cũng giúp hai nước có thể tái khởi động việc sản xuất dầu mỏ đã bị đình hoãn do xung đột gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế cả hai bên. Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, trước đó, vào đầu tháng 8 vừa qua, một thỏa thuận đã được hai bên ký kết (hai ngày sau khi thời hạn chót của Liên hợp quốc kết thúc vào 2/8). Các chi tiết của thỏa thuận không được cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, nhà trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi công bố. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Chính phủ Juba, Nam Sudan sẽ phải trả cho Khartoum 9,48 USD cho mỗi thùng dầu xuất qua Sudan trong vòng 3,5 năm tới. Ngoài ra, nước này sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Sudan 3,2 tỷ USD. Thỏa thuận được hai nước cho là “hợp lý”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh các thỏa thuận đạt được mới nhất của Sudan và Nam Sudan. Ông nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh các thỏa thuận về an ninh, về quan hệ kinh tế và đường biên giới chung được kí kết tại Addis Ababa lần này. Những thỏa thuận này đã tạo nền tảng quan trọng cho một tương lai ổn định và thịnh vượng cho cả hai nước”.
Ethiopia – với tư cách là một nhà trung gian, nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa hai nước cũng hoan nghênh nỗ lực của Sudan và Nam Sudan. Thủ tướng nước này bày tỏ tin tưởng rằng, hai nước sẽ tiếp tục duy trì đà này để hướng tới nền hòa bình lâu dài. Đó sẽ là cơ sở để đảm bảo sự bền vững của cả hai nước.
... nhưng vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Mặc dù có thêm được bước tiến mới nhưng nhiều vấn đề được coi là mấu chốt giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết. Đó là vấn đề an ninh và tranh chấp lãnh thổ tại khu vực giàu dầu mỏ Heglig ở Abyei.
|
Việc lập ra một bản đồ - nơi có khu vực phi quân sự hóa chung giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: The Wall Stress Jounal) |
Trong thời gian qua, cuộc xung đột giữa hai nước bùng nổ khi Nam Sudan ngừng xuất khẩu dầu thô thông qua tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Sudan sau khi nước láng giềng phía Bắc này tăng thuế quá cảnh. Vụ việc này, cộng thêm những tranh chấp lãnh thổ, nhất là tại khu vực giàu dầu mỏ Heglig ở Abyei, đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh cục bộ. Thỏa thuận nhằm tái khởi động việc xuất khẩu dầu mỏ, góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lan rộng ở cả hai nước, nhất là ở miền Nam. Việc dừng hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ khiến quốc gia non trẻ này mất tới 98% nguồn thu và kéo theo lạm phát gia tăng. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thường biến thành khủng hoảng chính trị. Đối với một chính phủ non trẻ như ở Nam Sudan, nơi đang chứng kiến bất ổn chính trị và xã hội kéo dài, thì đây sẽ thành một cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Đến nay, vấn đề về chi phí vận chuyển và xuất khẩu dầu mỏ đã tạm thời được giải quyết, nhưng khu vực giàu tài nguyên và ranh giới lãnh thổ vẫn là một bài toán chưa dễ tìm lời giải giữa hai quốc gia này.
Xung đột đã nổ ra giữa hai nước láng giềng, khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại về tình hình an ninh ở đây. Ngày 2/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 2046 yêu cầu Sudan và Nam Sudan chấm dứt xung đột, nếu không sẽ phải đối diện với các biện pháp trừng phạt. Nghị quyết này yêu cầu hai nước láng giềng phải "ngừng ngay lập tức các hành động thù địch, "rút quân khỏi khu vực chiến sự, đồng thời gửi cho Liên minh châu Phi (AU) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc văn bản cam kết chấm dứt giao tranh trong vòng 48 giờ. Nghị quyết này ra đời sau khi cộng đồng quốc tế quan ngại các bên đối địch có thể quay lại một cuộc chiến tổng lực.
Thời gian trước đây, trước các vòng đàm phán, hai bên đều tiếp tục cáo buộc lẫn nhau thực hiện các vụ tấn công lẻ tẻ và hỗ trợ các phe nhóm khủng bố đòi ly khai trên lãnh thổ của mỗi nước. Các hành động bạo lực cục bộ này làm cho tình hình an ninh giữa hai nước xấu đi.
Hai bên đã nhiều lần ngồi vào bàn đàm phán để tìm ranh giới khu vực phi quân sự hóa an toàn. Song cho đến nay, câu chuyện về “khu vực phi quân sự hóa” này vẫn chưa ngã ngũ.
Trong khi đó, hàng trăm nghìn người dân hai nước Sudan phải rời bỏ nhà cửa và đi lánh nạn nơi khác hoặc tới các nước láng giềng. Cuộc sống của họ dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Hơn ai hết, họ mong sẽ sớm trở lại cuộc sống yên bình tại chính nơi quê hương của họ.
Thời gian đàm phán càng lâu, những nút thắt càng lâu được tháo gỡ thì dòng người Sudan và Nam Sudan đi tị nạn sẽ còn tiếp tục tăng. Bởi vậy, mong muốn chung của những người dân phải đi tị nạn cũng như của nhân dân hai nước Sudan là hai nước sẽ sớm tìm được tiếng nói chung trong mọi vấn đề, để những nút thắt sẽ sớm được tháo gỡ./.