Nền kinh tế Cuba đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, với những kết quả ban đầu đáng khích lệ cho dù lộ trình cập nhật mô hình kinh tế-xã hội nhằm đưa đất nước phát triển một cách bền vững, vẫn còn rất dài và vô cùng phức tạp.
Đó là đánh giá của Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Cuba khóa 8 diễn ra cuối tuần qua.
Quả vậy, bất chấp những khó khăn do hậu quả bao vây cấm vận của Mỹ, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những hạn chế của chính nền kinh tế trong nước, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Cuba đạt mức tăng 2,3%, trong đó phần lớn các lĩnh vực chủ chốt đều đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý là lĩnh vực thu ngân sách đã tăng 4% nhờ chính sách thuế mới được đưa vào áp dụng từ đầu năm. Đây cũng là lĩnh vực được dự báo sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh từng bước được mở rộng, nhận thức của người dân về nghĩa vụ đóng góp cho đất nước đang có nhiều chuyển biến tích cực sau nhiều thập kỷ được bao cấp hoàn toàn.
Nếu chỉ nhìn vào những số liệu trên, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về sự thay đổi tích cực tại Cuba sau một thời gian triển khai các biện pháp cập nhật mô hình kinh tế. Trên thực tế, số lượng người tham gia các hoạt động kinh tế tư doanh tiếp tục tăng và đã lên tới gần 500.000 người. Các quán hàng ăn cũng như cửa hàng bán quần áo của tư nhân xuất hiện trên khắp các đường phố. Tiệm cắt tóc, xưởng sửa chữa do người dân tự đầu tư để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, cũng không còn khan hiếm như cách đây vài năm.
Với việc liên tục đưa vào áp dụng những chính sách mới mang tính cởi mở hơn, lộ trình cập nhật mô hình kinh tế tại Cuba đã và đang từng bước loại bỏ những rào cản không cần thiết, tạo thêm động lực cho người dân đóng góp cho nền kinh tế. Chính sách tín dụng tiếp tục được nới lỏng, qua đó tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp cận các khoản vay tín dụng ngân hàng, đồng thời mở ra cơ hội cho các thành phần tư nhân trong một số lĩnh vực được trả tiền công bằng đồng peso (pê-xô) chuyển đổi, tức đồng CUC. Trước đây, để được phép vay tín dụng, các đối tượng có nhu cầu phải có sự đảm bảo tài chính thông qua việc chứng minh được nguồn thu nhập trong tương lai đủ khả năng để trả khoản vay, song với quyết định mới, họ có thể thế chấp bằng nhiều loại tài sản khác nhau (từ vàng bạc, đồ trang sức quí, các hiện vật có giá trị văn hóa, ôtô, tài sản nông nghiệp cho tới bất động sản), trong đó giá trị tài sản sẽ được đánh giá đúng theo giá thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ Cuba cũng đã cho phép các doanh nghiệp và cá nhân có tư cách pháp nhân khác được trả tiền công cho những dịch vụ mà họ nhận được từ người làm việc tự do bằng đồng CUC. Đồng thời, các công ty nhà nước cũng được phép lập quỹ riêng từ nguồn lợi nhuận của mình để triển khai các kế hoạch đầu tư, đào tạo và nghiên cứu, cũng như khuyến khích người lao động bằng việc trả tiền thưởng do kết quả làm việc hiệu quả. Theo Bộ trưởng Tài chính và Vật giá Cuba, bà Lina Pedraza (Li-na Pê-đra-xa), sau khi trả các khoản thuế và hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, các công ty được quyền giữ lại 50% lợi nhuận để mở quỹ phục vụ phát triển nội bộ.
Mới đây, Chính phủ Cuba cũng đã chính thức cho phép hơn 100 hợp tác xã mới thành lập đi vào hoạt động, trong đó có 12 đơn vị tư nhân thuộc các lĩnh vực xây dựng, vận tải, chợ nông sản và thu gom phế liệu, nhằm thử nghiệm mô hình quản lý kinh tế mà từ trước đến nay mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc thành lập mô hình hợp tác xã phi nông nghiệp sẽ cho phép Cuba đánh giá thiết thực các hoạt động kinh tế của nhà nước mà lâu nay không đem lại hiệu quả. Giá các sản phẩm và dịch vụ của các đơn vị trên sẽ được áp dụng theo quy luật cung cầu, trừ một số trường hợp như vận chuyển hành khách và một số sản phẩm nông nghiệp có sức tiêu thụ cao như khoai tây và gạo. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Cuba, mô hình hợp tác xã phi nông nghiệp nếu được phát triển một cách đúng đắn sẽ là một nhân tố quan trọng, cùng với doanh nghiệp nhà nước và thành phần kinh tế tư doanh, đóng góp vào thành công của quá trình cập nhật mô hình kinh tế.
Lĩnh vực nông nghiệp -một trong những trọng tâm mà Chính phủ Cuba tiếp tục theo đuổi trong quá trình cải cách hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang tiêu tốn gần 2 tỷ USD mỗi năm- cũng sẽ tiếp tục có một số điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới để cải thiện việc kinh doanh sản phẩm và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguyên vật liệu. Các biện pháp mới tập trung chủ yếu vào điều chỉnh hoạt động của các cơ sở sản xuất nông nghiệp thực phẩm, cây giống, cây trồng đặc biệt, các nông trại chăn nuôi gia súc… Sau khi hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng ký với nhà nước, tất cả các cơ sở sản xuất đều được phép tự do bán các sản phẩm cho mọi đối tượng và tùy thuộc vào nhu cầu thực tế. Ngoài ra, chính sách mới sẽ chú trọng tới việc mở rộng kinh doanh vật tư, thiết bị và dịch vụ chuyên dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khắc phục những yếu kém của phương thức phân phối nguồn nguyên vật liệu đang được áp dụng cho đến thời điểm hiện nay. Các biện pháp này nhằm tạo sự bình đẳng cho tất cả những người sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức sản xuất và nâng cao tính hiệu quả.
Có lẽ vẫn cần phải có thêm thời gian để những thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội của Cuba mang lại kết quả thiết thực rõ rệt hơn, nhưng như lời khẳng định của Phó Chủ tịch thứ nhất Cuba, ông Miguel Díaz-Canel (Mi-ghên Đi-át Ca-nên), kế hoạch cập nhật mô hình kinh tế đã đạt được những bước tiến bộ bước đầu như: xóa bỏ những trở ngại đối với lực lượng sản xuất, tạo cơ hội phát triển cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Tới đây, chính phủ "Hòn đảo Tự do" sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp cập nhất mô hình kinh tế vào những thời điểm thích hợp để mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển đất nước và mang lại cuộc sống ấm no cho dân chúng./.