Sự nghiêm minh của cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực ở Trung Quốc còn dành cho cả những người mắc lỗi “đặt niềm tin nhầm.
Ngày 15/3, đúng 1 ngày sau khi kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 11 của Trung Quốc kết thúc, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Đức Giang làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, thay ông Bạc Hy Lai, người cũng nhận được quyết định thôi chức Bí thư và cả chức Ủy viên thường vụ Thành ủy Trùng Khánh ngay trong ngày hôm đó.
Quyết định này cho thấy Trung Quốc đang kiên quyết đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn, xây dựng đảng vốn đã được tiến hành trong nhiều năm nay.
Điều gây chấn động trong dư luận chung không phải ở việc một vị quan chức cấp cao của Trung Quốc bị cách chức mà ở chỗ, Ông Bạc Hy Lai lại cũng chính là người đã nổi danh ở Trung Quốc với chiến dịch chống tham nhũng, khiến nhiều quan chức cấp cao ở Trùng Khánh phải vào tù. Ông lại là con trai của lãnh tụ cách mạng Trung Quốc, Bạc Nhất Ba. Và điều cũng gây sốc không kém là nguyên nhân khiến ông bị cách chức không phải do vi phạm pháp luật, tham nhũng, mà bởi hành vi của thuộc hạ đang bị coi là phạm pháp.
|
Ông Bạc Hy Lai "đã đặt niềm tin nhầm người" |
Ông Vương Lực Quân, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh, người cũng từng dẫn đầu các chiến dịch chống tham nhũng của ông Bạc Hy Lai gần đây đã đến thăm lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và có tin ông tìm cách tị nạn. Mặc dù tiến trình điều tra vụ việc vẫn đang được tiến hành, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiên quyết xử lý nghiêm khắc vụ việc và hình thức xử lý là cách chức Bí thư Trùng Khánh.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cấp cao bị xử lý cách chức ở Trung Quốc. Tham nhũng được coi là một vấn nạn ở Trung Quốc và nước này đang nỗ lực ngăn chặn bằng một loạt chiến dịch lớn trong nhiều năm gần đây. Tháng trước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường nỗ lực nhằm chống tham nhũng.
Xin đơn cử một số trường hợp để thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước Trung quốc trong hành động chống tham nhũng: Gần đây nhất, tháng 11/2011, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã quyết định cách chức 10 quan chức nhà thầu chính của Cục đường sắt Thẩm Dương, Tập đoàn đường sắt số 9 và Công ty Giám sát xây dựng Thẩm Dương với cáo buộc gian lận. Xa hơn, hồi đầu năm, vào tháng 2/2011, ông Lưu Chí Quân, Bộ trưởng Đường sắt của Trung Quốc, người chịu trách nhiệm về mạng lưới tàu cao tốc của Trung Quốc cũng đã bị cách chức, ngay khi ông bị tố cáo và đang bị điều tra tham nhũng.
Trước đó, vào tháng 8/2010, ông Hứa Tống Hoành, 55 tuổi, cũng bị cách chức thị Trưởng thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đồng thời bị khai trừ khỏi Đảng vì tội nhận hối lộ.
Ở chức vụ Đảng, cũng từng có cán bộ cấp rất cao bị cách chức, đó là ông Trần Lương Vũ, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thượng Hải, một thành phố rất lớn của Trung Quốc. Ông Trần Lương Vũ bị cách chức năm 2006 và sau đó còn bị kết án 18 tháng tù vì tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền….
Nghiêm khắc hơn, đã có khá nhiều quan chức phạm pháp bị kết án tử hình. Tiêu biểu là vụ hai quan chức chính phủ địa phương bị xử tử hình, vì tội nhận hàng chục triệu USD tiền hối lộ theo phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao vào tháng 7/2011. Đó là hai ông Hứa Mai Ung, cựu Phó Thị trưởng thành phố Hàng Châu và Giang Nhân Kiệt, cũng từng là Phó Thị trưởng thành phố Tô Châu.
Trong một bài phát biểu kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2011) Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng nói, cuộc chiến chống tham nhũng là chìa khóa để “chiến thắng hay đánh mất sự ủng hộ của nhân dân, là dấu hiệu của sự sống hay khai tử của Đảng”. Chính bởi thế, những vụ án, những động thái xử lý các quan chức tham nhũng, tiêu cực ở Trung Quốc như vừa nêu không phải là tất cả.
Còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang tiếp tục thực thi trong chiến dịch phòng và chống tham nhũng. Trong chính sách làm trong sạch đội ngũ của đảng, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân.
Trở lại với sự việc mới nhất là cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, trả lời chất vấn của báo chí tại một cuộc họp bên lề Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 11 mới đây, ông Bạc Hy Lai cho rằng, bản thân ông không tưởng tượng được là ông Vương Lực Quân sẽ chạy trốn và chuyện này, theo ông, đến rất bất ngờ. Ông nói: “Tôi cảm thấy như mình đã đặt niềm tin nhầm người”.
Và như thế, có thể thấy, sự nghiêm minh của cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực ở Trung Quốc còn dành cho cả những người mắc lỗi “đặt niềm tin nhầm”./.