|
Năm 2030, Nhu cầu các nguồn năng lượng sẽ tăng 35% so với năm 2005 (nguồn:AFP) |
(ĐCSVN) - Theo giới phân tích, kinh tế thế giới đang dần vượt qua những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về các nguồn năng lượng. Chủ tịch Tập đoàn ExxonMobil (chi nhánh tại Nga) Glen Rô-lơ đã đưa ra dự đoán về sự phát triển của ngành năng lượng thế giới tới năm 2030. Theo các tính toán của Tập đoàn này, tới năm 2030, nhu cầu về các nguồn năng lượng trên thế giới sẽ tăng 35% so với năm 2005.
Đến năm 2030, ngành công nghiệp thế giới sẽ tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tăng lên ở các ngành không giống nhau. Chẳng hạn, nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm bớt đốt nhiên liệu, việc sử dụng năng lượng trong ngành điện năng là không thay đổi. Khu vực tiêu thụ năng lượng chủ yếu là châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đang phát triển với tốc độ rất cao. Dự báo, GDP của các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng với tốc độ trung bình 5%/năm, còn GDP của các nước thành viên OECD sẽ tăng khoảng 2%/năm. Nhu cầu về các nguồn năng lượng tại các nước không thuộc OECD cao hơn nhu cầu của các nước phát triển tới 75%. Nguyên nhân chủ yếu ở đây không chỉ do tốc độ phát triển của các nền kinh tế, mà còn do các nước phát triển áp dụng ngày càng nhiều những công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu quả, bù đắp một phần đáng kể nhu cầu đang tăng lên về năng lượng.
Trên thực tế, xu hướng này sẽ diễn ra ở mọi lĩnh vực. Chẳng hạn, sự gia tăng thu nhập ở các hộ kinh tế gia đình có thể sẽ dẫn tới sự gia tăng 50% nhu cầu về năng lượng trong lĩnh vực dịch vụ nhà ở. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng ở các nước phát triển sẽ kiềm chế nhu cầu này. Tập đoàn ExxonMobil (chi nhánh tại Nga) dự đoán sự gia tăng nhu cầu trên thế giới về năng lượng từ phía ngành dịch vụ nhà ở chỉ tới 20%.
Ngành điện được dự báo sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Tới năm 2030, trung bình trên thế giới, ngành điện gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng khoảng 2,4%/năm. Tỷ trọng các loại nguyên nhiên liệu được sử dụng trong sản xuất điện sẽ dần thay đổi. Thực hiện chế độ phải trả tiền khí thải CO2 sẽ khiến việc sử dụng than sẽ đắt lên đáng kể. Hiện nay, loại nhiên liệu này bảo đảm 2/3 nhu cầu về điện của Mỹ và gần 60% nhu cầu về năng lượng điện trên thế giới. Tuy nhiên, theo mức phí khí thải CO2 than bắt đầu mất đi khả năng cạnh tranh, nhường phần thị trường ngày càng lớn cho khí đốt, năng lượng nguyên tử và các nguồn năng lượng tái sinh. Theo dự đoán, tới năm 2030, năng lượng nguyên tử và các nguồn năng lượng tái sinh sẽ chiếm 40% thị trường năng lượng điện của thế giới.
Theo các chuyên gia ExxonMobil, việc các nước phát triển dần dần chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch hơn, sẽ làm giảm lượng khí thải CO2 ở các nước OECD, tuy sản xuất phát triển và dân cư tăng lên, nhưng lượng khí thải CO2 sẽ trở lại mức của năm 1980. Ông Via-đi-mia, Phó Chủ tịch Tập đoàn BP tại Nga, nhà kinh tế hàng đầu của BP phụ trách khu vực Nga và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đồng ý với dự báo các xu hướng chủ yếu kể trên.
Tập đoàn BP dự báo, trong 20 năm tới, việc sử dụng năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 39% với điều kiện nhịp độ tăng trưởng trung bình là 1,7%/năm. Theo số liệu của ông Vla-đi-mia, năm 2030, các nước thành viên OECD sẽ tiêu dùng năng lượng nhiều hơn hiện nay 6%. Trong khi đó, ông Rô-lơ nhận định, thời gian tới, Mỹ sẽ không còn là một trong số những nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất vì ngành khai thác khí đốt từ phiến thạch nước này đang phát triển rất nhanh. Trong 10 năm nữa, Mỹ hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu khí đốt./.