Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ngày 23/6 là 6,8102 NDT đổi 1 USD, giảm 0,18% so với mức 6,7980 NDT/1 USD một ngày trước đó.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 19/6 tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ chế tỉ giá hối đoái của đồng NDT nhằm tăng tính linh hoạt về tỉ giá đồng tiền này. Tuy nhiên, ngân hàng loại trừ khả năng có những dao động đột ngột hoặc điều chỉnh mạnh về tỉ giá.
Trong phiên giao dịch ngày 21/6, tỷ giá đồng NDT là 6,7969 NDT đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc định giá lại đồng NDT vào tháng 7/2005, song vẫn trong phạm vi biên độ giao dịch mà nước này đã ấn định. Ngày 22/6, tỷ giá đồng NDT ở mức 6,7980 NDT, tăng 0,43% so với mức 6,8275 NDT ngày trước đó.
Trước những diễn biến trên, mạng tin “Dự báo Thị trường” (Anh) nmới đây có bài phân tích về lý do và những ảnh hưởng đối với các đồng tiền và nền kinh tế khác của việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT. Mạng tin cho rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ chế ấn định tỷ giá chỉ vì sức ép bên ngoài, chẳng hạn sức ép từ Mỹ, mà chỉ làm việc này khi các nhà hoạch định chính sách trong nước tin rằng điều đó mang lại lợi ích quốc gia. Mặc dù nhận định này không hoàn toàn chắc chắn, nhưng sức ép lạm phát sẽ buộc Trung Quốc phải làm vậy. Đồng nội tệ lên giá sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát trong nước, thay vì phải áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng như trong thời gian qua.
Nếu đồng nội tệ được được phép dao động với biên độ lớn hơn, Trung Quốc sẽ hạn chế mua vào đồng USD, giảm nhu cầu chung đối với đồng USD, thì thị trường sẽ chỉ còn lại các động lực cung cầu bình thường và kết quả là đồng USD có thể sẽ giảm giá so với đồng NDT. Nói cách khác, đồng NDT sẽ lên giá tương đối so với đồng USD. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng GDP cao như hiện nay, đồng NDT sẽ có khả năng tăng giá mạnh nếu nó được phép giao dịch tự do.
Tác động đối với các đồng tiền châu Á
Về lý thuyết, khi đồng NDT mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Được lợi sẽ là các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng vững chắc. Những đồng tiền sẽ được lợi khi Trung Quốc nới lỏng biên độ giao dịch NDT sẽ là đồng tiền của Ôxtrâylia, Niu Dilân, Đài Loan, Malaixia, Hàn Quốc, Xinhgapo và Nhật Bản.
Tác động đối với hàng hóa
Mức cầu hàng hóa ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng theo thời gian, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này có giảm trong từng giai đoạn nhất định. Chẳng hạn, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, mức cầu về quặng sắt của Trung Quốc vẫn tăng ở mức hai con số. Nếu Trung Quốc cho phép đồng NDT lên giá, giá hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn khi định giá bằng đồng tiền này, làm tăng sức mua của Trung Quốc. Như vậy, khả năng mức cầu về hàng hóa nói chung sẽ tăng lên. Khi sức mua của Trung Quốc tăng, giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.
Tác động đối với kinh tế Mỹ
Trong khi giá hàng hóa sẽ rẻ hơn khi được mua bán bằng đồng NDT, thì các mặt hàng này lại đắt hơn khi định giá bằng đồng USD. Các quan chức Mỹ dường như không quan ngại lắm về tình trạng lạm phát hàng hóa, bởi họ cho rằng kinh tế Mỹ hiện không còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như trước nữa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa sẽ vẫn có những tác động đối với kinh tế Mỹ. Cụ thể: Khi đồng NDT lên giá, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể lựa chọn hoặc là giảm giá hàng nhập khẩu, hoặc trút gánh nặng chi phí kinh doanh tăng trên thị trường toàn cầu cho nước khác.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng đồng NDT khi được nâng giá một cách từ từ và ổn định, sẽ tốt cho cả Trung Quốc lẫn nền kinh tế toàn cầu. Nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị nhấn chìm vào một cuộc suy thoái lớn hơn.
Ông Giôn Gruétdơ (John Gruetzer), Phó Chủ tịch Tập đoàn tư vấn kinh doanh Intercedent có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT một cách chậm rãi sẽ nhận được sự hoan nghênh từ các quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc về nhân công giá rẻ. Ông nhận định 5% hoặc tối đa 10% là mức giới hạn trần, và đồng NDT sẽ không được điều chỉnh một cách đột ngột. Tuy nhiên, xét trên quan điểm kỹ thuật, điều này sẽ khiến một số lĩnh vực xuất khẩu giảm khả năng cạnh tranh và do vậy, việc làm cũng như các hợp đồng kinh tế sẽ chuyển dịch sang các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Nam Á như Inđônêxia, Việt Nam, Lào, Campuchia. Chính sách điều chỉnh linh hoạt đồng NDT sẽ giúp các nước này giảm bớt sức ép về giá hàng hóa xuất khẩu.
“Nhật báo Phố Uôn” ngày 21/6 thì cho rằng một trong những tác động của việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ là dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn vào châu Á, buộc các nước khu vực này phải có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát luồng vốn./.