(ĐCSVN) – Bất ổn và những cuộc biểu tình kéo dài từ năm 2013 đã tạm khép lại vào tháng 5/2014 bằng một cuộc đảo chính quân sự. Sự bình yên đã trở lại trên những con phố ở thủ đô Bangkok. Thái Lan đang trên lộ trình xây dựng đất nước hướng tới nền hòa bình và ổn định lâu dài...
Tổng tuyển cử thất bại
Bước vào những tháng đầu tiên của năm 2014, làn sóng biểu tình vẫn rầm rộ tại Thái Lan với chiến dịch đóng cửa Bangkok bắt đầu từ ngày 13/1. Người biểu tình vẫn tiếp tục bày tỏ sự phản đối đối với Dự luật ân xá và Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
|
Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014 (Ảnh: AFP) |
Người biểu tình cho rằng, mục đích chính của Dự luật ân xá là nhằm "xóa tội" cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của bà Yingluck thông qua điều khoản xóa tội cho các cá nhân có hành vi sai trái như: sát hại người biểu tình không có vũ trang. Ông Thaksin bị tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù. Hiện ông đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Trong một nỗ lực hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ gây ra, bà Yingluck trước đó đã ra lệnh giải tán Quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử vào ngày 2/2/2014. Tuy nhiên, người biểu tình tuyên bố, họ không muốn tiến hành bầu cử vì họ biết rõ rằng, đảng Vì nước Thái (Puea Thai) của bà Yingluck gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giành phần thắng nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân khu vực nông thôn ở đất nước 66 triệu dân này. Họ cho biết, sẽ ngăn cản bầu cử. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho cuộc tổng tuyển cử tháng 2 tại đất nước chùa Vàng này thất bại.
Người biểu tình đã ngăn cản các hoạt động đăng ký bầu cử ở nhiều điểm bầu cử tại các tỉnh, thành phía Nam. Một ngày trước bầu cử, bạo lực đã bùng phát ở thủ đô Bangkok với những vụ nổ và tiếng súng vang lên trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ. Trong ngày 2/2, người biểu tình đã ngăn cản hoạt động bầu cử tại thủ đô Bangkok và khu vực phía Nam, khiến gần 20% điểm bầu cử phải hủy bỏ việc bầu cử. Ngày 3/2, phong trào biểu tình chống chính phủ đã quyết định đóng cửa một số điểm biểu tình để tập trung lực lượng vào những điểm chính.
Ủy ban bầu cử Thái Lan tuyên bố, cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 đã được tổ chức với tỷ lệ cử tri đi bầu vào khoảng gần 46%. Ủy ban này phải tuyển bố đóng cửa 10.283 phòng phiếu trong 69 khu vực bầu cử. Các cuộc bỏ phiếu lại sẽ được tổ chức cho khoảng 8,75 triệu người chưa thực hiện được quyền công dân.
Tuy nhiên, đến ngày 21/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết hủy bỏ kết quả tổng tuyển cử hôm 2/2 vì nó không hợp lệ.
Một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu
Trước bối cảnh khủng hoảng do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ gây ra, ngày 20/5, quân đội Thái Lan đã ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước. Sau đó, trong một thông điệp phát đi trên toàn quốc ngày 22/5, Tư lệnh Lục quân Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, các lực lượng vũ trang đã tiến hành đảo chính để nắm giữ quyền lực sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng gây bất ổn tại nước này khiến hàng chục người thiệt mạng.
|
Quân đội Thái Lan đề nghị người biểu tình quay trở về nhà sau khi tiến hành đảo chính (Ảnh: Bangkok Post) |
Theo đó, một Ủy ban gìn giữ hoà bình quốc gia gồm: Quân đội, các lực lượng vũ trang Thái Lan, Không lực Hoàng gia và lực lượng cảnh sát sẽ nắm quyền lực đất nước bắt đầu từ 16h30 phút (giờ địa phương) ngày 22/5. Người đứng đầu quân đội Thái Lan cho rằng, việc tiếp quản này sẽ không làm ảnh hưởng tới các quan hệ quốc tế.
Quân đội Thái Lan sau đó đã tuyên bố giải thể chính phủ tạm quyền, đình chỉ hiến pháp và đề nghị người biểu tình trở về nhà trong một cuộc đảo chính không có đổ máu. Quân đội cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Các chương trình phát thanh và truyền hình cũng được lệnh ngừng phát sóng các chương trình bình thường, chỉ phát sóng những chương trình do quân đội chỉ định.
Theo Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha, quân đội Thái Lan đã buộc phải hành động như vậy vì không có sự lựa chọn nào khác. Đây sẽ là cách tốt nhất để khôi phục nền hòa bình của đất nước sau nhiều tháng diễn ra biểu tình và xảy ra thương vong. Ông cho rằng, bạo lực trong nước đã leo thang tới mức độ có thể làm suy yếu an ninh quốc gia và sự an toàn công cộng. Tướng Prayuth Chan-ocha cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và vẫn tiếp tục cuộc sống thường ngày của họ. Tất cả các cơ quan chính phủ và bộ, ngành vẫn hoạt động như bình thường.
Được biết, trước khi có cuộc đảo chính này, nền dân chủ Thái Lan từng chứng kiến 18 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính của quân đội từ năm 1932, gần đây nhất là cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Thaksin Shinawatra năm 2006.
Lộ trình xây dựng đất nước
Sau đảo chính, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha, ngày 30/5, đã công bố lộ trình hướng tới một cuộc tổng tuyển cử mới nhằm xây dựng và ổn định đất nước.
|
Người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan - tướng Prayuth Chan-ocha (Ảnh: AFP) |
Theo lộ trình mà Tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra, chính phủ lâm thời sẽ được thành lập trước khi năm tài khóa 2015 bắt đầu (vào ngày 1/10/2014). Do vậy, chính phủ có thể quản lý ngân sách tài khóa mới.
Theo đó, các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính cũng đưa ra một khung thời gian dự kiến để thực hiện lộ trình gồm 3 giai đoạn cho việc xây dựng chính quyền quốc gia. Tướng Prayuth cho biết, giai đoạn đầu tiên sẽ được dành riêng cho việc xây dựng lại nền hòa bình và đoàn kết quốc gia. Ông ước tính, giai đoạn này sẽ mất khoảng 4 tháng. Giai đoạn này cũng bao gồm việc thiết lập các trung tâm hòa giải tại Bangkok, tại cấp huyện và các thôn, làng. Nền tảng của hòa giải sẽ mở đường cho việc thành lập Thủ tướng và nội các trước khi năm tài khóa tới bắt đầu. Luật pháp tạm thời cũng sẽ được thiết lập trong giai đoạn thứ hai này. Tướng Prayuth cho biết, giai đoạn này có thể mất đến một năm. Bầu cử sẽ là diễn biến tiếp theo trong giai đoạn thứ ba.
Theo như lộ trình đã vạch ra, chính quyền quân sự Thái Lan ngày 23/7, đã công bố chi tiết bản Hiến pháp tạm thời, theo đó, cho phép Tướng Prayuth Chan O-cha trở thành Thủ tướng lâm thời của nước này. Điều này có nghĩa, chính quyền quân sự Thái Lan khẳng định, sẽ vẫn nắm giữ quyền kiểm soát đất nước cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức vào thời gian tới theo Hiến pháp mới.
Mới đây, ngày 17/10, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) dự báo rằng, cuộc tổng tuyển cử tới của nước này có khả năng diễn ra vào tháng 1/2016, tức là chậm lại vài tháng so với lộ trình mà chính quyền quân sự đặt ra. Theo lộ trình mà Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đưa ra, một hiến pháp lâu dài được dự kiến ban hành vào tháng 7/2015. Sau đó, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 10/2015 và một chính phủ sẽ được thành lập vào cuối năm tới.
Tuyên bố mới nhất này của Thủ tướng Prayuth là sự khẳng định công khai của người đứng đầu chính quyền Thái Lan hiện nay cho thấy, lộ trình cải cách Thái Lan gồm 3 giai đoạn, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2015 sẽ bị kéo dài sang năm 2016. Hiện Thái Lan đang trong giai đoạn 2 của cuộc cải cách với nội dung trọng tâm là cải cách toàn diện đất nước và xây dựng một bản Hiến pháp chính thức; giai đoạn cuối cùng là tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để thành lập một chính phủ dân cử.
Con đường xây dựng đất nước mà chính quyền quân sự Thái Lan thực hiện mới chỉ đang ở chặng thứ hai, mọi kết quả vẫn còn đang ở phía trước. Tuy nhiên, người dân xứ sở chùa Vàng có quyền hy vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp đang chờ đón họ...