(ĐCSVN) - Định hướng xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, chỉ rõ: "Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn những nét đặc sắc của nông thôn Việt Nam". Những cách làm của một số địa phương dưới đây, phần nào đã cụ thể hoá quan điểm trên đây của Đảng.
|
Phong trào xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi diện mạo làng quê Việt Nam (Ảnh: IT) |
Xây dựng nông thôn mới phải gắn với dạy nghề, truyền nghề cho nông dân để đến năm 2020, nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở nước ta đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội. Mục tiêu này đã được Đại hội XI của Đảng thông qua. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới gắn liền với công tác dạy nghề cho nông dân đang là cách làm hay, được nhiều địa phương áp dụng thành công. Bạc Liêu là một trong những địa phương tổ chức thực hiện tốt vấn đề này.
Từ đầu năm đến nay, các xã được chọn xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu đã tổ chức hơn 40 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút gần 1.330 lao động tham gia học nghề. Riêng xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã chuyển dịch hơn 1.130 lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác và đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh. Qua đó, làm giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất nông nghiệp từ 75% xuống 60%.
Mục tiêu phấn đấu trong năm 2012 của Bạc Liêu là các xã xây dựng nông thôn mới tiếp tục giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất nông nghiệp còn 50%, tương đương 4.450 lao động. Đồng thời, gắn kết công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm để không xảy ra tình trạng lao động qua đào tạo và trong độ tuổi lao động không có việc làm.
Theo ông Đặng Tiến Út, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội: “Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu và tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, từ nay, ngành Lao động-Thương binh xã hội tỉnh chỉ tập trung và ưu tiên cho các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Còn các lớp dạy nghề, tập huấn sản xuất nông nghiệp thì do ngành Nông nghiệp &PTNT tỉnh quản lý, tổ chức đào tạo”. Do đó, để việc chuyển dịch lao động nông thôn sang ngành nghề mới phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng cần được cơ quan đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn điều chỉnh lại kế hoạch cho sát thực tiễn tiêu chí đề ra. Vì kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2012, số lao động tham gia học nghề ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm nhiều hơn so với các ngành nghề phi nông nghiệp. Điển hình như huyện Vĩnh Lợi - một trong những địa phương được tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm nay cũng tập trung chủ yếu ở các lớp phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật, dự kiến sẽ thu hút hơn 1.860 nông dân tham gia. Hay ở huyện Hồng Dân, trong tổng số 1.830 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp nghề trong năm nay, cũng chỉ mở 4 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho khoảng 120 lao động, gồm 3 nghề: đan lát, may dân dụng và xây dựng dân dụng; còn lại hơn 1.700 lao động sẽ học nghề từ 57 lớp sản xuất nông nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi tôm, cá, ba ba, gà, vịt…
Nhiều năm qua, hầu hết lao động nông thôn được đào tạo, dạy nghề ở Bạc Liêu thường thông qua hình thức "chuyển giao mô hình". Cụ thể, qua 2 năm ( 2010-2011) đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có hơn 28.850 nguời được học nghề từ các lớp chuyển giao công nghệ,nhưng mô hình sản xuất dạy nghề dưới 3 tháng với hơn 15.410 lao động,trong khi đó, lao động nông thôn tham gia học các lớp cao đẳng nghề chưa đến 50 người, hay trung cấp nghề cũng chỉ dừng ở mức khoảng 2.320 lao động; còn lại là các lớp sơ cấp. Vì vậy, khó có thể đào tạo những lao động lành nghề, có tay nghề cao, góp phần tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Thực tế cho thấy, việc chưa thực hiện hiệu quả đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và chưa tập trung phát triển các nghề phi nông nghiệp đã gây nhiều lãng phí cho công tác đào tạo nghề. Đơn cử như nghề sửa chữa nông, ngư cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay còn rất thiếu. Nhiều hộ ở vùng nông thôn khi máy móc bị hư hỏng phải thuê xe, thuê ghe vận chuyển máy đi nơi khác để sữa chữa, vì địa phương không có thợ máy. Thậm chí, đôi khi chỉ hư một bộ phận nhỏ, nhưng phải vất vả chuyển cả xe cuốc, máy gặt đập nặng hàng tấn sang các tỉnh khác để sửa. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nông dân chưa mạnh dạn đầu tư và chưa tích cực tham gia các tổ hợp tác sản xuất bằng cơ giới hóa.
Một trong 19 tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Do vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có một ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thu nhập, xây dựng nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Mô hình Hợp tác xã môi trường
Bảo vệ môi trường ở nông thôn ngày càng trở lên cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng với hoạt động của con người đã và đang làm môi trường sống ngày càng suy giảm. Huy động các nguồn lực, tạo ra những mô hình năng động để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả đang là cách làm hay được nhiều địa phương triển khai. Mô hình Hợp tác xã môi trường do thanh niên đảm nhiệm ở Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.
Với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu từ Trung ương Đoàn 100 triệu đồng, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh xây dựng mô hình thí điểm ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên và Phù Việt, huyện Thạch Hà. 16 xe đẩy rác và 41 thùng rác được đặt tại các điểm trong xã và đội ngũ xã viên Hợp tác xã là lực lượng thanh niên, đoàn viên thường xuyên đi thu gom rác thải. Nhờ đó, tình trạng ứ đọng rác tại địa phương đã được dọn sạch sẽ, ý thức người dân từng bước được nâng cao. Chị Phạm Thị Loan (xóm Ba Giang, Phù Việt, Thạch Hà) cho biết: Từ khi có đội thu gom rác thanh niên, đường làng ngõ xóm sạch hơn hẳn, không còn cảnh rác ứ đọng lâu ngày trong thôn. Người dân cũng tự bảo nhau không vứt rác ra đường.
Từ hoạt động hiệu quả của 2 mô hình thí điểm này, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường nhân rộng ở các địa phương khác. Tại các huyện Vũ Quang và Hương Khê, nhiều Hợp tác xã môi trường thanh niên cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, ở huyện Cẩm Xuyên vừa thành lập mới 12 Hợp tác xã môi trường thanh niên. Mỗi Hợp tác xã được trang bị 1 ô tô chở rác, xe chở rác chuyên dụng các loại, thùng đựng rác, xe đẩy tay và máy đầm phục vụ công tác thu gom rác thải. Các xã viên của Hợp tác xã còn trực tiếp hướng dẫn cho người dân cách ủ phân vi sinh bằng men sinh học từ chính rác thải hằng ngày.
Anh Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Tỉnh Đoàn đang tiếp tục nhân rộng mô hình Hợp tác xã môi trường thanh niên. Với các xã chưa thành lập Hợp tác xã, Tỉnh đoàn thành lập đội xung kích thanh niên bảo vệ môi trường. Các đội xung kích này không chỉ ra quân mỗi tháng một lần mà đang có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường diễn ra sôi nổi như: Ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, hưởng ứng ngày môi trường thế giới... Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục vận động các nguồn hỗ trợ để thành lập thêm nhiều Hợp tác xã môi trường thanh niên.
Đoàn kết dân tộc – yếu tố quan trong làm nên thành công lớn
Hơn 70% dân số nước ta hiện đang sống ở nông thôn. Do đặc điểm địa lý và dân cư, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên một địa bàn với những nét văn hoá, tập tục sinh hoạt riêng. Vì vậy, để sự nghiệp xây dựng nông thôn mới đi đúng mục tiêu là đem lại hạnh phúc, bình đẳng cho nhân dân, vấn đề quan trọng là phãi xây dựng cho được khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tế ở làng RBai - làng dân tộc của người J'rai - thuộc xã Ia Pia (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), sẽ cho chúng ta thấy sức mạnh đại đoàn kết trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm đổi mới, nhất là những năm gần đây khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương được được triển khai, lang Rbai đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống và sinh hoạt và nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhìn những ngôi nhà sàn rộng và thoáng mát đang mọc lên ngày càng nhiều, những con đường làng được bê tông hoá đến 85%, nhà nhà đều có ti vi, xe máy, 100% số con em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường..., đã khẳng định sức sống mới của một làng dân tộc ở vùng sâu vùng xa.
Làng RBai có 309 hộ với gần 900 nhân khẩu, được bố trí định canh định cư từ sau ngày giải phóng. Cuộc sống của dân làng chủ yếu là dựa vào việc trồng lúa nước 2 vụ và một số loại cây ngắn ngày khác như ngô lai, đậu đỗ các loại. Bình quân mỗi hộ ở đây có khoảng 1ha lúa nước, nhiều hộ có đến vài hécta và năng suất ngày càng cao nhờ có công trình thuỷ lợi Ayunhạ và sử dụng các loại giống lúa mới trong việc gieo trồng. Trước đây, năng suất lúa của bà con chỉ đạt mức bình quân khoảng 3 tấn/vụ và nay tăng lên đến hơn 5 tấn/vụ, những chân ruộng tốt đạt đến 8 - 9 tấn trong vụ sản xuất đông xuân. Hạt lúa ở làng RBai bây giờ không những chỉ đủ giải quyết cho cái ăn hàng ngày mà còn là hạt lúa thương phẩm bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho cuộc sống của mỗi gia đình. Nhẩm tính, mỗi ha lúa cho năng suất 9 tấn/2 vụ/năm, trong đó dành lại 5 tấn để ăn và đầu tư cho chi phí sản xuất, còn lại 4 tấn lúa thương phẩm bán với giá hiện tại thì có mức dôi dư gần 30 triệu đồng. Có nhiều hộ trong làng trồng nhiều diện tích lúa kết hợp với chăn nuôi heo, bò và hàng năm có mức thu nhập trên 100 triệu đồng. Hộ ông Nay Piu được coi là hộ giàu có nhất nhì trong làng, nhà ông sở hữu đến 5 ha lúa nước, 1 ha mía; mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng, đó là chưa kể đến đàn bò 20 con trong chuồng và cả đàn gà, vịt.
Ông Ngô Minh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Ia Pia cho biết: Làng RBai đang tiến gần hơn với hình mẫu nông thôn mới, nhiều tiêu chí về nông thôn mới đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra như mức thu nhập của người dân, giao thông, trường lớp học... Với kết quả này, xuất phát từ mối đoàn kết dân tộc của dân làng, bà con đã biết giúp đỡ nhau trong sản xuất, biết chủ động mức đóng góp của mình không tính thiệt hơn để xây dựng các công trình dân sinh phục vụ đời sống và sinh hoạt.
Năm 2010 - năm đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong khi nhà nước chưa có điều kiện đầu tư thì dân làng RBai đã bàn nhau và tự nguyện đóng góp tiền của, công sức theo khả năng của từng hộ để làm con đường nội đồng dài 800m, thể hiện tinh thần đoàn kết của bà con trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Có con đường này, bà con không còn phải vất vả mỗi khi vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch từ đồng ruộng về nhà như trước, từ xe trâu bò kéo cho đến xe công nông đều đi lại thuận lợi cả 2 mùa mưa nắng. Những con đường nội làng xây dựng trước đây cũng do công sức đóng góp của dân làng là chủ lực, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần về nguyên vật liệu. Trong sản xuất, bà con giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau từ ngày công lao động cho đến đồng vốn; hộ giàu thì giúp đỡ hộ nghèo trên tinh thần tự nguyện và không để một người dân nào trong làng phải đói ăn, thiếu mặc. Trong sinh hoạt cộng đồng, bà con biết tôn trọng nhau và cùng nhau xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, biết giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của người J'rai, không để bị mai một dần theo năm tháng. Đặc biệt, văn hoá cồng chiêng đã được lưu giữ vững bền, trong làng các thế hệ nối tiếp nhau biết sử dụng cồng chiêng trong những ngày lễ hội của dân tộc.
Hiện tại làng RBai còn đến 30% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), song ông Trưởng làng Nay Trơ khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau của dân làng, chỉ trong một vài năm tới sẽ không còn hộ nghèo, tất cả vươn lên khá và giàu.
Xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn
Với mục tiêu tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã ra đời. Tính ưu việt của cánh đồng mẫu lớn đã dần được khẳng định. Bắt đầu từ “dồn điền, đổi thửa”, cánh đồng mẫu lớn đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Huyện Tân Kỳ, huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu và triển khai mô hình này với kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.
Từ đầu năm đến nay, Tân Kỳ đã xây dựng thành công 2 cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 60 ha tại 2 xã Nghĩa Hoàn và Nghĩa Dũng. Thông qua xây dựng mô hình đã tập hợp nhiều hộ nông dân có diện tích canh tác nhỏ lẻ liền kề để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, sử dụng đồng nhất 1 loại giống cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tạo ra khối lượng nông sản lớn, chất lượng đảm bảo, thuận lợi trong khâu tiêu thụ.
Tại xã Nghĩa Hoàn, mô hình được xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại 2 xóm Lâm Xuân và Xuân Sơn với tổng diện tích hơn 30 ha, được cơ cấu bằng giống lúa thuần mới Vật tư - NA2 (VT - NA2), là giống lúa thuần, gạo chất lượng cao do Tổng Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An chọn tạo thành công, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công nhận đặc cách tại Quyết định số 609/QĐ-TT-CLT ngày 25/10/2011. Giống lúa này có ưu điểm: chịu rét và kháng sâu bệnh khá, đẻ nhánh khỏe, thân cây cứng, gọn khóm, bộ lá xanh đậm, bông dài, hạt xếp sít, hạt gạo trắng trong không bạc bụng, cơm thơm ngon, đậm, độ dẻo vừa. Sau hơn 3 tháng gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, lúa đã bắt đầu chín sáp, vụ xuân 2012 năng suất đạt trên 64 tạ/ha. Mô hình cánh đồng kiểu mẫu đã khẳng định được lợi ích của việc liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Để giúp nông dân xây dựng mô hình phát triển bền vững, nhà nước hỗ trợ 30% chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An cho vay giống, phân bón không tính lãi suất và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, bà con còn được hướng dẫn quy trình xuống giống, mật độ gieo cấy, lượng phân bón thích hợp cho từng thời kỳ nên đã giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện nay, Tân Kỳ đang nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ra một số xã, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất, chất lượng cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Cần điều chỉnh sớm tiêu chí 12
Tiêu chí 12 quy định “tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt từ 35% trở xuống”. Hiện nay, nhiều địa phương đang “loay hoay” với việc thực hiện tiêu chí này bởi điều kiện kinh tế, xã hội và đặc biệt là đặc thù nghề nghiệp và thế mạnh nông, lâm, ngư nghiệp của nhiều địa phương chưa cho phép thực hiện tiêu chí này một cách phù hợp. Chúng ta hãy nhìn vào thực tế của Thừa Thiên – Huế để cùng suy ngẫm.
Để đạt được "tiêu chí 12" trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phải có tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 35%; đồng nghĩa với việc có 65% số lao động còn lại sẽ làm việc ở những lĩnh vực phi nông nghiệp. Điều đó, đã khiến cho nhiều địa phương có thế mạnh về nông, lâm, ngư nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế "lúng túng" khi đi vào thực hiện "tiêu chí 12".
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 92 xã đang tiến hành xây dựng nông thôn mới; trong đó, chỉ mới có 1 xã ở vùng ven đô thị đạt "tiêu chí 12" do địa phương này có nghề truyền thống và làm dịch vụ. Ông Trần Dực - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế cho rằng: "Có cần thiết phải chuyển đổi nghề khi ở nhiều địa phương đã phát triển được vùng chuyên canh nông sản có giá trị cao như cao su, cà phê... đang thiếu lao động và phải thuê người từ tỉnh khác đến để thu hoạch, chăm bón. Thực tế thì chỉ một số ít xã vùng ven đô thị mới có những nghề khác để chuyển đổi, còn nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa thì có nghề gì cho thu nhập cao hơn để chuyển đổi. Vì vậy, chúng ta không nên đạt tỷ lệ lao động trong nông nghiệp là bao nhiêu, mà chỉ cần đạt ra mức thu nhập." Theo khảo sát, số lao động trong khu vực nông thôn chiếm gần 70% số dân toàn tỉnh; trong đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đang làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là gần 54%, tương đương với gần 400.000 người.
Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền có 1.300ha cao su; trong đó, hơn 910ha đang cho khai thác mủ. Mỗi ha cao su cho khai thác mủ cần 1 lao động làm việc thường xuyên. Riêng việc khai thác mủ cao su đã giải quyết việc làm cho hơn 900 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/ tháng. Phong Mỹ cũng có khoảng 3.000ha rừng; 50 trang trại tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Một xã miền núi như Phong Mỹ, có gần 100% số người trong độ tuổi lao động làm việc ở lĩnh vực lâm nghiệp cho thấy "thế mạnh" của địa phương này. Nếu giảm tỷ lệ lao động trong lâm nghiệp xuống còn 35% thì xã Phong Mỹ sẽ mất cân đối cơ cấu lao động. Hơn nữa, cũng không có nghề nào cho thu nhập cao hơn là làm lâm nghiệp để chuyển đổi. Phong Mỹ cũng giống như những địa phương khác ở vùng bán sơn của tỉnh là lao động làm trong lâm nghiệp chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Người lao động và chính quyền địa phương cũng có rất ít "nhu cầu" chuyển đổi nghề. Nhất là ở những địa phương đã phát triển được vùng chuyên canh cây cao su, cà phê và rừng kinh tế. Cây cao su ở Thừa Thiên - Huế, được trồng từ năm 1993 và đã phát triển nhanh chóng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 8.800ha cao su phân bố chủ yếu ở vùng bán sơn địa các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà. Trong đó, có gần 5.000ha cao su đang cho khai thác mủ, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương. Cây cà phê được trồng tại các xã Nhâm, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Bắc và Hồng Quảng của huyện A Lưới với khoảng hơn 1.000ha. Ước tính, mỗi ha cà phê giải quyết việc làm cho từ 2 đến 3 lao động. Bên cạnh đó, mỗi năm, tỉnh cũng đưa vào khai thác khoảng 3.000ha rừng kinh tế... Thời gian tới, diện tích cây cao su, cà phê, rừng kinh tế... sẽ còn tăng lên và phải cần thêm lực lượng lao động để tiến hành khai thác, chăm sóc. Nên việc giảm tỷ lệ lao động trong lâm nghiệp xuống còn 35% ở những địa phương này để đạt được "tiêu chí 12" là không khả thi.
Nhiều địa phương có thế mạnh về ngư nghiệp cũng "tiến thoái, lưỡng nan" với "tiêu chí 12". Thừa Thiên - Huế có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản như bờ biển dài 127km, đầm phá Tam Giang rộng gần 22.000ha; hệ thống sông ngòi, hồ chứa có diện tích mặt nước khá lớn. Khai thác, nuôi trồng thủy sản vốn là nghề "chủ đạo" tạo công ăn việc làm cho người dân thuộc 42 xã vùng biển, ven đầm phá. Xã Phú Hải, huyện Phú Vang là một điển hình. Ông Phan Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: "Địa phương có 39 tàu công suất lớn và hàng trăm tàu công suất vừa và nhỏ làm nghề đi biển. Chỉ tính riêng số lao động trong độ tuổi lao động làm nghề đánh bắt hải sản trên biển đã có hơn 1.500 người, chiếm khoảng 70% tổng số lao động của xã. Mỗi năm, Phú Hải đánh bắt được khoảng gần 4.600 tấn hải sản. Trừ chi phí, mỗi lao động có thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm". Nghề nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, tỉnh đã có hơn 2.000 lồng cá ở ven sông Bồ, Ô Lâu; đầm Cầu Hai, Lập An... Nghề nuôi tôm trên cát cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Như, ở xã Phong Hải, nuôi tôm trên cát đã giải quyết việc làm cho 600 lao động, doanh thu đạt 170 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm ngư nghiệp ở Phong Hải chiếm trên 80% với mức thu nhập bình quân lên đến 35 triệu đồng/người/năm.
Ở những địa phương chỉ độc canh cây lúa thì sự chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra nhanh hơn. Nhưng chủ yếu diễn ra ở trong chính ngành nông nghiệp khi người lao động không làm lúa nữa mà chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả... để tăng thu nhập. Đây là xu hướng đang diễn ra ở nhiều địa phương vùng đồng bằng chỉ độc canh cây lúa và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Như, ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền người dân đã chuyển đổi 35ha đất trồng lúa sang trồng rau má. Ông Hoàng Công Phong - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Quảng Thọ cho biết: "Mỗi ha lúa chỉ cho lãi khoảng 10 triệu đồng; còn rau má cho lãi từ 100 đến 120 triệu đồng/ha". Ở các xã Quảng Thành, Quảng Phú... huyện Quảng Điền chuyển đổi đất lúa sang trồng rau an toàn; một số xã ở huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy thì chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa, cây ăn quả... Điều đó cũng cho thấy, tỷ lệ lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ hoán đổi chứ không thay đổi.
Nhiều địa phương cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn mỗi năm. Tuy nhiên, phần đông lao động nông thôn vẫn xem nghề được chuyển đổi là "nghề phụ" vì thu nhập không cao. Trong khi, thu nhập của người lao động làm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở nhiều địa phương cao hơn rất nhiều và ổn định. Nếu chuyển số lao động này sang làm các nghề phi nông nghiệp mà cho thu nhập thấp hơn chỉ để đạt "tiêu chí 12" thì sẽ góp phần làm... "tăng nghèo". Hơn nữa, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao chưa chắc đã phản ánh địa phương đó còn "nghèo" do nhiều nơi đã hình thành được vùng sản xuất nông sản có giá trị kinh tế cao. Tiến hành chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp là cần thiết nhưng cần có một quá trình. Và nhất là phải căn cứ vào đặc thù của từng địa phương để chuyển đổi nghề sao cho gắn với sinh kế của người dân. Vì, mục đích của việc chuyển dịch lao động là để tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân vùng nông thôn./.