Những điểm mới trong chiến lược Trung Đông - Bắc Phi của Mỹ

Thứ tư, 14/09/2011 15:18

(ĐCSVN) - Mỹ không chỉ theo đuổi các mục tiêu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi mà còn điều chỉnh các chính sách đối với khu vực này để bảo vệ một cách quyết liệt lợi ích của mình trong bối cảnh các cường quốc khác đang củng cố ảnh hưởng ở khu vực giàu tài nguyên này.

Lực lượng an ninh Syria bảo vệ nghiêm ngặt Đại sứ quán Mỹ tại Damacus (ảnh IT)


Trong bài phát biểu (19.05.2011) về tình hình Trung Đông-Bắc Phi và chính sách mới của Mỹ tại khu vực này, Tổng thống Mỹ B. Obama, khẳng định: “Mỹ đang rút quân khỏi Irắc và Afganistan, Taliban mất thế chủ động, Al Qaeda mất Bin Laden đang bị chấn động, thế giới Arập đứng trước cơ hội thay thế chủ nghĩa khủng bố bằng các cuộc biểu tình hòa bình. Vì thế, tương lai của Mỹ giờ đây phụ thuộc nhiều vào khu vực Trung Đông – Bắc Phi và nếu Mỹ không thay đổi thì sẽ làm cho sự chia rẽ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ngày càng sâu sắc hơn”.

Từ nay, Mỹ không chỉ kiên quyết theo đuổi các mục tiêu của mình, mà còn điều chỉnh các chính sách căn cứ vào nguyện vọng của người dân. Mỹ sẽ không đặt sự ổn định của chế độ ở một nước nào đó cao hơn những mong muốn chính đáng của công dân nước đó. Mỹ chống lại việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình hòa bình, ủng hộ quyền con người và cải cách.

Các biện pháp ủng hộ cải cách (theo hướng có lợi cho Mỹ và đồng minh) bằng việc cung cấp tín dụng, xóa nợ. Cấm vận và can thiệp là biện pháp thông dụng và hữu hiệu được sử dụng để chống lại các chính thể đi ngược lại lợi ích của Mỹ và đồng minh. Tổng thống Obama cho biết, Mỹ sẽ hoãn nợ 1 tỷ USD cho Ai cập và cho nước này vay thêm 1 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Mỹ dự định sẽ giúp các nước trong khu vực tiến hành các cải cách theo 4 hướng: Quản lý kinh tế; ổn định kinh tế; hiện đại hóa kinh tế và hội nhập thương mại, đầu tư. Ngoài ra, Mỹ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đệ trình một kế hoạch trong Hội nghị cấp cao G8 nhằm tìm cách “ổn định và hiện đại hóa” nền kinh tế của Tuynidi và Ai cập.

Lần đầu tiên, Tổng thống Obama công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine phi quân sự trên cơ sở đường biên giới với Israel tồn tại từ năm 1949 đến năm 1967. Điểm đáng chú ý là, đường biên giới mới này không nhất thiết phải là đường biên giới cũ đã có. Các bên có thể trao đổi lãnh thổ nhằm hình thành đường biên giới cố định an toàn và cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Tổng thống Obama cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực cần có những mạo hiểm chính trị cần thiết để kiến tạo hòa bình. Tổng thống Obama không ủng hộ việc Palestine đề nghị Liên hợp quốc công nhận là một quốc gia độc lập trước khi hai bên (Israel và Palestine) đạt được thoả thuận.

Đề cập đến Libya, Tổng thống Mỹ cho rằng, tình hình nước này chỉ có thể được giải quyết bằng sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và nhấn mạnh việc Đại tá Kaddafi phải rời bỏ quyền lực là điều không tránh khỏi (các cuộc không kích vẫn tiếp tục cho đến khi đạt được điều đó).

Đối với một số nước Trung Đông khác, Tổng thống Obama dùng những lời lẽ cứng rắn hơn khi nhắc đến các nhà lãnh đạo không thân thiện với Mỹ như Tổng thống Syria Bashir Assad. Tổng thống Mỹ cho rằng, người dân Syria "đã thể hiện sự dũng cảm trong việc yêu cầu một cuộc chuyển tiếp dân chủ". Do đó, Tổng thống Bashir Assad phải đối mặt với một sự lựa chọn là dẫn dắt tiến trình cải cách hoặc đứng ra bên lề.

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Obama Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ủng hộ những đề nghị của Mỹ. Nhóm “bộ tứ” về Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc) cũng ủng hộ đề nghị này và cho rằng: “giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và người Palestine là tiền đề cho việc giải quyết xung đột và đảm an ninh trong khu vực”. Nga còn đi xa hơn khi đề cập đến một nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netayahu ngay lập tức lên tiếng bác bỏ đề nghị của Tổng thống Mỹ và cho rằng như vậy, làm mất khả năng tự vệ của Israel và hủy diệt Israel bằng chính sách dân số. Thủ tướng Netayahu nhấn mạnh rằng, không thể thành lập một nhà nước Palestine độc lập nếu làm phương hại đến Israel.

Phản ứng của một số nước Arập là không hào hứng với chiến lược mới của Mỹ. Syria cũng có những phản ứng quyết liệt và cho rằng, đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và các nước trong nhu vực.

Dư luận Nga thì cho rằng, những sự kiện mới đây ở Trung Đông - Bắc Phi đã làm cho cả thế giới (trong đó có Mỹ) bất ngờ. Những nước lật đổ chế độ độc tài đã thực hiện một chính sách độc lập hơn. Mỹ không thể bằng lòng với những diễn biến trên đây và phải có những biện pháp để đối phó. Nói cách khác, cần phải có một công cụ mới để duy trì ảnh hưởng tại khu vực này thay thế cho những công cụ đã mất hiệu lực sau các sự kiện vừa qua, nhằm phổ biến những giá trị Mỹ và đạt các mục đích của Mỹ.

Theo các nhà phân tích quốc tế của Nga thì có 3 nguyên nhân: (1) Dầu mỏ (Mỹ không thể thiếu dầu mỏ của Arập Xeut); (2) Vũ khí (Arập Xeut là đối tác mua vũ khí lớn nhất của Mỹ). (3) Khủng bố (Mỹ coi Arập Xeut là một màng lọc các lực lượng khủng bố). Như vậy, dù tình hình thế giới Arập có như thế nào thì đối với Mỹ, Arập Xeut vẫn là đối tượng bất khả xâm phạm. Chính điều này cho thấy việc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép và làm suy giảm lòng tin của thế giới Arập đối với Mỹ.

Lực lượng chống lại Mỹ trong việc gây sức ép đối với Israel chính là các cuộc vận động hành lang của cộng đồng người Do Thái tại Mỹ. Thiếu sự ủng hộ của các lực lượng này, không một nhân vật nào ở Mỹ có thể trở thành Tổng thống.

Các chuyên gia Nga cũng cho rằng, Tổng thống Mỹ không đề cập tới các chính phủ ở Bahran và Arập Xeut vì các nước này là “bạn thân” của Mỹ, tại Bahran, Mỹ còn có căn cứ hải quân lớn.

Mỹ quyết tâm lật đổ các chính thể do Kaddafi và Asad lãnh đạo vì muốn loại trừ ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ra khỏi khu vực. Cả Kaddafi và Asad đều kiểm soát vùng lãnh thổ quan trọng ven Địa Trung Hải. Đây là trở ngại đối với Mỹ trên con đường bành trướng ở khu vực. Mỹ không muốn có sự hiện diện của căn cứ hải quân Nga tại đây cũng như không muốn Trung Quốc khai thác nguồn dầu mỏ từ khu vực này.

Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với các nước trong khu vực, tùy thuộc vào lợi ích của Mỹ. Tình hình Trung Đông - Bắc Phi sẽ không thay đổi nhanh theo kịch bản mà Mỹ mong muốn. Xung đột Israel với Palestine và thế giới Arập sẽ không sớm được giải quyết vì ảnh hưởng của cộng đồng Do Thái ở Mỹ đối với việc hoạch định chính sách liên quan đến Israel giữ một vai trò quyết định. Hơn nữa, vấn đề định cư cho gần 8 triệu người Palestine tị nạn ở một quốc gia Palestine độc lập (nếu có) cũng không dễ giải quyết, kể cả về mặt kỹ thuật.

Mặc dù phe Fatah và Hamas đã đạt được một số thỏa thuận, nhưng thái độ cứng rắn đối với Israel của Hamas và các nước ủng hộ lực lượng trên trong khu vực sẽ kìm hãm mọi nỗ lực giải quyết xung đột.

Mỹ và các nước đồng minh cũng khó có thể tiến hành một cuộc can thiệp quân sự mới vào Syria (mặc dù họ muốn) vì nước này có một tiềm lực quân sự mạnh hơn so với Libya, trong khi Mỹ và các nước đồng minh hiện nay không thể mạo hiểm để tiến hành một cuộc can thiệp quân sự mới, đặc biệt là trên bộ. Mỹ sẽ khuyến khích và ủng hộ các lực lượng đối lập Syria và các nước không thân Mỹ trong khu vực. Mỹ và các nước đồng minh sẽ dùng mọi cách để truy bắt buộc Tổng thống Kaddafi từ bỏ quyền lực.

Mỹ không còn giữ vai trò quyết định và thế chủ động trong hoạch định chính sách tại Trung Đông - Bắc Phi vì đây vẫn sẽ là khu vực cạnh tranh lợi ích của các cường quốc. Nga, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường ảnh hưởng và vai trò của mình.

Như vậy, những giải pháp chiến lược của Mỹ ở Trung Đông - Bắc Phi đã có sự điều chỉnh để thích hợp với tình hình mới. Tuy nhiên mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với khu vực này vẫn không thay đổi./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực