Những dự tính cho Libya thời hậu chiến

Thứ hai, 29/08/2011 17:05

Cho đến lúc này, số phận của Đại tá Muammar Gaddafi cũng là số phận của chính quyền Libya vẫn chưa rõ thực hư bởi các luồng thông tin đưa ra đều chưa thể kiểm chứng. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cùng nhiều quốc gia lớn đã “lên kế hoạch” cho công việc “tái thiết” cũng như chính sách quan hệ với Libya thời hậu Gaddafi.

 
Quân nổi dậy đánh chiếm được hàng loạt thành phố quan trọng trên đường tiến về thủ
đô Tripoli. (Ảnh: AFP)

Có thể nói, những thông tin đưa ra trong mấy ngày qua là hết sức “nhiễu loạn”: Khi thì lực lượng nổi dậy tuyên bố đã bắt được những người con của ông Gaddafi rồi sau đó lại là tin họ đã được thả, đã trốn thoát hoặc không hề bị bắt; Khi thì lực lượng nổi dậy tuyên bố đã chiếm được hoàn toàn thủ đô Tripoli, rồi thông tin sau đó lại là lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi vẫn ẩn nấp đây đó và vẫn đầy nguy cơ của những cuộc “phản đòn”… Rồi việc Tổng thống Gaddafi vẫn từ nơi ẩn náu chưa xác định được liên tục gửi đi những thông điệp “sẽ quay lại chiếm Thủ đô sau 3 ngày”, “thề sẽ bảo vệ Tripoli đến cùng” hoặc “tử thủ cùng Tripoli”. Thế nhưng điều mà dư luận chung và các nguồn thông tin đưa ra đều cho thấy rõ, cuộc chiến ở Libya đang đi đến hồi kết.

Và chính ở thời điểm này, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia liên quan đang buộc phải nghĩ đến những phương án mới để gây dựng lại đất nước Libya đã bị tổn thương nhiều sau cuộc chiến. Mỗi quốc gia và cả các tổ chức quốc tế cũng đang tính đến những lợi ích riêng, chung mà đưa ra những dự định của mình.

Với NATO, lực lượng đóng vai trò chính trong việc thực thi Nghị quyết của Liêp Hợp Quốc, tiến hành những cuộc không kích Libya nhiều tháng qua, đã đưa ra tuyên bố rằng, sự can dự của NATO trong tương lai sẽ tuân thủ ba nguyên tắc: Thứ nhất là, Liên Hợp Quốc và Nhóm Tiếp xúc quốc tế về Libya sẽ giữ vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ nhân dân Libya trong giai đoạn hậu Gaddafi, trong đó NATO sẽ chỉ giữ vai trò thứ yếu; Thứ hai là, NATO sẽ không có lực lượng đóng trên lãnh thổ Libya; Thứ ba là, bất kỳ vai trò nào của NATO tại Libya trong tương lai, ngoài vai trò hiện nay trong Chiến dịch Người bảo vệ Thống nhất (OUP), sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo Gaddafi phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức để tránh đổ máu thêm. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso nói trong một tuyên bố chung rằng “EU sẽ tiếp tục ủng hộ Libya trong quá trình chuyển giao dân chủ và tái thiết kinh tế dựa trên công lý xã hội, bao gồm mọi thành phần và toàn vẹn lãnh thổ cùng với cộng đồng quốc tế”.

Điện Elysee thì khá nhanh chóng đưa ra thông báo cho biết, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ cùng đăng cai cuộc họp của nhóm tiếp xúc về Libya sẽ diễn ra vào tuần tới tại Paris. Rồi Nga, Trung Quốc cũng đều đã lên tiếng khẳng định sẽ sớm thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Libya và cũng sẽ có những hỗ trợ cần thiết.

Cho đến nay, đã có hơn 30 quốc gia trên thế giới chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) là “người đại diện chân chính và duy nhất” của nhân dân Libya. Tuy nhiên, lại có những ý kiến phản đối mạnh mẽ, trong số đó có Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Ông đã tuyên bố chỉ công nhận Chính phủ Libya dưới sự lãnh đạo của đồng minh Gaddafi và lên tiếng cáo buộc Mỹ kích động cuộc nội chiến tại Libya.

Về phần mình, Mỹ-mặc dù không tham gia thực sự tích cực trong cuộc chiến của liên quân NATO chống Libya, nhưng nay, khi cuộc chiến đang đi đến hồi kết, Mỹ đã lên tiếng về kế hoạch “tái thiết” Libya. Mỹ cho biết, đang tìm cách giải ngân 1,5 tỷ USD trong số tài sản phong tỏa của Libya để giúp quân nổi dậy thành lập một Chính phủ bền vững và đáp ứng các nhu cầu nhân đạo.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Doha (Qatar), nhân vật số hai của NTC Mahmud Jibril cho biết quá trình chuyển tiếp tại Libya sẽ được “xúc tiến ngay lập tức”. Qatar cũng dự kiến tổ chức một hội nghị trong ngày 24/8 nhằm tìm kiếm khoảng 2,4 tỷ USD viện trợ cho nước này.

Thế nhưng, phân tích tình hình Libya, phải thừa nhận một điều, cho đến nay, chưa ai dám nghĩ rằng, chế độ mới ở Libya hậu Gaddafi sẽ sớm ổn định lại được tình hình. Bởi ngay từ khi nổ ra cuộc chiến người ta chưa thấy được một gương mặt “sáng sủa” nào có thể đủ “nặng ký” mà trấn áp được tình hình vốn đầy rẫy mâu thuẫn trong xã hội và ngay trong nội bộ NTC. Nhìn ra các quốc gia cùng trong khu vực như Ai Cập hay Tuynizi với những diễn biến thời gian qua càng khiến dư luận khó mà lạc quan mong đợi sớm ổn định lại tình hình Libya./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực