Những kỳ vọng tại Hội nghị G20

Thứ ba, 08/11/2011 16:31

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về thành phố Cannes của Pháp, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong 2 ngày 3-4/11/2011. Sự “đổ dồn” này không nằm ngoài hy vọng: lãnh đạo các nước G20 sẽ đạt được những thỏa thuận chung trong các vấn đề kinh tế, đặc biệt là tìm ra những “Mạnh thường quân” hay “kế sách” giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang hoảnh hành tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tìm được “Mạnh thường quân” cũng như “kế sách” lâu dài cho cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone vốn được xem là kỳ vọng lớn nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này. Điều này được khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần trước, khi các nền kinh tế đầu tàu châu Âu phải chật vật để cho ra một quyết định gấp rút về cứu trợ Hy Lạp cũng như củng cố Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu trước cơn bão khủng hoảng nợ.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 "Thế giới mới, ý tưởng mới" (Ảnh: Reuters)

Giải pháp trước mắt là “xoá 50% giá trị số nợ của Hy Lạp” thì đã có, song về lâu dài, làm thế nào để Athen “yếu ớt” có thể giải quyết được nốt số nợ còn tồn tại, lại là một vấn đề gây đau đầu không chỉ với lãnh đạo 17 nước thành viên của Eurozone mà thậm chí với cả những nền kinh tế hàng đầu của thế giới.

Đến với Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Cannes lần này, châu Âu cũng không giấu diếm hy vọng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các “Mạnh thường quân” kinh tế trên thế giới, nhất là từ các nền kinh tế mới nổi đang có sự tăng trưởng bền vững ngay cả trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay. Như vậy, trong 3 vấn đề “nóng” tại G20 lần này thì có tới 2 liên quan tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Vấn đề còn sót lại là vấn đề tồn tại từ các kỳ thượng đỉnh G20 gần đây, đó là cải cách giám sát tài chính.

Từ Hội nghị G20 diễn ra ở London (Anh) vào năm 2009, cải cách giám sát tài chính luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nội dung chủ yếu trong cải cách giám sát tài chính của G20 gồm việc nâng tỉ lệ vốn tối thiểu, lương thưởng của trong giới chức ngân hàng và việc quản lý các công cụ giao dịch tài chính phát sinh… Thế nhưng các nước đã không đạt được sự nhất trí về bước đi và tiêu chuẩn thực thi, khiến cho tiến trình cải cách không thể diễn ra thuận lợi.

Với những nội dung này thì có thể nói, Hội nghị G20 Cannes tiếp tục trở lại với những giải pháp đối phó và thoát khỏi cơn bão khủng hoảng nợ. 5 năm trở lại đây, các kỳ thượng đỉnh G20 liên tiếp bàn về nội dung này, chỉ có duy nhất Hội nghị G20 năm 2010, tại Seoul, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo mới có cơ hội đề cập tới những mô hình giúp kinh tế tăng trưởng bền vững sau trận ốm “thập tử nhất sinh” của kinh tế thế giới từ năm 2008.

Tuy nhiên, thật trớ trêu, chỉ một năm sau đó, tức là tại Hội nghị Cannes lần này, các nhà lãnh đạo G20 lại tiếp tục phải quay lại với giải pháp đối phó khủng hoảng nợ trong giai đoạn mới. Điều này cho gánh nặng của những đầu tàu kinh tế thế giới trong bối cảnh sự phục hồi khủng hoảng còn hết sức mong mạnh.

Ngoài 3 vấn đề “nóng”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này còn đề cập tới một số vấn đề khác quan trọng khác như tỷ giá của đồng Nhân dân tệ hiện vẫn ở mức quá thấp, gây nên sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ; rồi vấn đề kinh tế và chính trị của nước Mỹ sau khi dập tắt được phong trào “Chiếm lấy phố Wall”.

Như vậy, 12 năm sau ngày thành lập, G20 - nhóm quốc gia chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới - với sự tham gia của Nhóm G7, các nước mới nổi BRICs (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) và các nền kinh tế có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU đang thể hiện rõ vị thế trong điều phối nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, bất kỳ sự thành công nào của một hội nghị G20 đều cần có sự cân đối lợi ích giữa các thành viên. Trong khi đó, trên thực tế không phải lúc nào lợi ích quốc gia của các nước tham dự hội nghị này cũng trùng khớp.

Bởi thế, kỳ vọng của châu Âu cũng như các nước khác tại Cannes lần này cũng chính là thách thức vô cùng lớn bao trùm không khí Hội nghị, trong bối cảnh một phần của thế giới thì đang loay hoay trong cơn bão khủng hoảng nợ, còn phần khác thì lại kiếm tìm một cuộc bứt phá mới để thoát khỏi tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu hiện nay./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực