Những nét chính trong bức tranh toàn cảnh "Thế giới năm 2012"

Thứ hai, 07/01/2013 12:37

(ĐCSVN) – Năm 2012, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, tình hình bất ổn tiếp tục gia tăng tại một số khu vực; tại một số nước có tầm ảnh hưởng, những cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra dưới những sắc thái khác nhau... đã tạo ra những nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh về một thế giới đang chuyển động.

Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, khó khăn hơn năm 2011, không đồng đều giữa các khu vực và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn. Tăng trưởng giảm ở tất cả các đầu tàu và khu vực khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 dự kiến chỉ đạt 3,3%, (thấp hơn mức 3,6% năm 2011 là 5,1%)

Các nền kinh tế đang nổi tuy gặp khó khăn song vai trò vẫn gia tăng trong kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, tuy tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn là điểm tựa quan trọng của kinh tế thế giới.

Quá trình tái cấu trúc kinh tế đang diễn ra ở cả tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia, bước đầu hình thành các chuỗi cung mới. Nhiều nước chú trọng điều chỉnh mô hình tăng trưởng và chính sách phát triển theo hướng ưu tiên phát triển bền vững, kích thích nội nhu.

 

Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, khó khăn hơn năm 2011
 (Nguồn: tapchitaichinh.vn)
 


Trong bối cảnh Vòng Đô-ha bế tắc kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng liên kết kinh tế dưới hình thức các hiệp định mậu dịch tự do và khu vực (FTA/RTA) tiếp tục được thúc đẩy và dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể nhận thấy, trong năm 2012, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo dự báo của ngân hàng Thế giới, kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5,5% năm 2012 (cao hơn mức 4,5% năm 2011), trong đó các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng khoảng 6,6% (so với mức 8,6% năm 2011). Các nước ASEAN cũng đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong năm 2012.

Về tổng thể, năm 2012, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy nhiên, tình hình ở một số khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nhiều quốc gia.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định mạnh mẽ xu hướng trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của thế giới. Các nước lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ca-na-đa đều điều chỉnh theo hướng coi trọng Châu Á - Thái Bình Dương hơn trong chính sách đối ngoại của mình. Ở Đông Nam Á, tình hình nội bộ các nước về cơ bản ổn định. Mi-an-ma đang trong quá trình cải cách, mở cửa.

ASEAN đang đẩy nhanh việc triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, tạo cơ sở cho các bước phát triển tiếp theo và cao hơn của Hiệp hội. ASEAN nỗ lực duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác kết nối ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài, duy trì vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực, đồng thời tiếp tục đề cao việc tôn trọng các nguyên tắc căn bản của Hiệp hội như “đồng thuận”, “tham vấn” và “không can thiệp”, tích cực phối hợp xử lý các công việc của Hiệp hội. ASEAN tiếp tục quyết tâm và dành ưu tiên cao cho triển khai xây dựng Cộng đồng trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội, với thời hạn đặt ra cho việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra là 31/12/2015. Bên cạnh đó, ASEAN chú trọng nâng cao ý thức cộng đồng của người dân và quảng bá về ASEAN trong và ngoài khu vực nhằm huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của người dân cũng như của các đối tác hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế thể hiện lập trường kiên quyết hơn trong việc phản đối “đường lưỡi bò”. Đáng chú ý, trong năm 2012, ASEAN đã ra được Tuyên bố 6 điểm (20/7), thống nhất nội dung các thành tố cơ bản của COC và ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm ký DOC.

Tại Đông Bắc Á năm 2012 có nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc - Nhật Bản – Hàn Quốc ở biển Hoa Đông khiến quan hệ giữa các nước xuất hiện nhiều căng thẳng. Đáng chú ý, quan hệ Trung - Nhật căng thẳng nhất kể từ sau vụ va chạm tàu 9/2010. Chính phủ Nhật tuyên bố “quốc hữu hóa” 03 quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/9, làm Trung Quốc phản đối gay gắt, mạnh mẽ bằng nhiều hình thức: cử tàu hải giám ra vùng tranh chấp (11, 14/9), ra tuyên bố về Đường cơ sở lãnh hải quần đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận (10/9), diễn tập quân sự tại 4 quân khu lớn (11/9), và trên biển Hoa Đông; nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản với quy mô lớn nhất trong vòng 7 năm qua…

Quan hệ Nhật – Hàn xuống rất thấp sau việc Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Bác tới thăm đảo Đốc-đô/Takeshima và tỏ ra cứng rắn với Nhật Bản. Nhiều chuyến thăm ngoại giao và hội đàm song phương bị hủy bỏ, Nhật Bản triệu hồi Đại sứ Hàn Quốc lên phản đối; Nhật Bản triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc về nước, dừng mở rộng cơ chế hoán đổi tiền tệ thương mại Nhật – Hàn…

Quan hệ liên Triều vẫn căng thẳng. Năm 2012, Lãnh đạo Kim Châng Un được suy tôn làm bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, Nguyên soái, đồng thời tiến hành thay đổi nhân sự và chính sách phát triển kinh tế. Đáng chú ý, trong năm 2012, CHDCND Triều Tiên hai lần tiến hành phóng vệ tinh (13/4 và 12/12). Đàm phán 6 bên chưa được nối lại; vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiếp tục lâm vào bế tắc.

 

 Phe nổi dậy ở Si-ri (Nguồn: vnmedia.vn)


Khu vực Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục là khu vực bất ổn, căng thẳng nhất trên thế giới trong năm 2012, do những mâu thuẫn nội tại chính trị - xã hội, tôn giáo, sắc tộc bộc lộ ngày càng sâu sắc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn. Về cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập”, tiếp tục diễn biến phức tạp và có sự thay đổi về bản chất, khủng hoảng chính trị - xã hội đã lan ra 20/22 quốc gia trong khu vực và tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều lúc vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Khủng hoảng Si-ri tiếp tục diễn biến phức tạp việc tạo nên một cuộc xung đột địa chính trị, tại Si-ri, biến nội chiến Si-ri thành một cuộc xung đột khu vực mới và có xu hướng bị quốc tế hóa ở mức cao. Cuộc khủng hoảng Si-ri trong năm 2012 và sẽ tiếp tục trong năm 2013 đã thành điểm giao tranh của ảnh hưởng, lợi ích địa chính trị giữa các cường quốc phương Tây; giữa các nước lớn trong khu vực; giữa các nhánh Hồi giáo.

Căng thẳng giữa I-ran với Mỹ, I-xra-en và phương Tây vẫn tiếp diễn. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và các nước P5+1 không đạt kết quả. Mỹ phối hợp với EU tăng cường cấm vận đối với I-ran. Cả I-ran và Mỹ, I-xra-en đều chủ động tiến hành nhiều biện pháp răn đe lẫn nhau. Trong đó có việc Israel đe dọa tấn công quân sự Iran, đề nghị LHQ áp đặt “giới hạn đỏ” cho chương trình hạt nhân Iran; thất bại của 3 vòng đàm phán P5+1; các biện pháp cấm vận, trừng phạt cứng rắn nhất, toàn diện nhất, phối hợp chặt chẽ nhất chống Iran trừ trước đến nay của Mỹ, EU, tạo nên một trong những vấn đề nóng nhất tại Trung Đông trong năm 2012.

Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc mặc dù Pa-le-xtin đã được LHQ trao quy chế quan sát viên phi quốc gia. Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục ngưng trệ, đồng thời xuất hiện những động thái căng thẳng mới trong tam giác Do Thái - Ả Rập - Ba Tư. Năm 2012 các cuộc xung đột quân sự bùng nổ giữa Israel và Hamas tại Gaza; Palestine đệ đơn xin quy chế Nhà nước phi thành viên tại LHQ; Tổ chức “Anh em Hồi giáo” lên nắm quyền tại Ai Cập; Mặt trận thống nhất của Ả Rập suy yếu trong “Mùa xuân Ả Rập”; bất đồng giữa Mỹ và Israel…là những yếu tố căn bản khiến tiến trình hòa bình Trung Đông đã và sẽ “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm tới.

Trong năm 2012, các nước lớn ưu tiên xử lý các vấn đề nội bộ trong năm có chuyển giao lãnh đạo và bầu cử, đặc biệt về kinh tế; quan hệ giữa các nước lớn nhìn chung vẫn là vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội 18, tạo cơ sở quan trọng cho việc chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo thứ 5. Đại hội 18 đề ra nhiều định hướng phát triển quan trọng cho Trung Quốc đến năm 2020.

 

Cuộc đua giữa Tổng thống Ô-ba-ma và ứng cử viên đảng Cộng hòa M. Rom-ni
diễn ra rất quyết liệt (Nguồn: tienphong.vn)


Ở Mỹ, khó khăn kinh tế khiến cuộc chạy đua giữa Tổng thống Ô-ba-ma và ứng cử viên đảng Cộng hòa M. Rom-ni diễn ra rất quyết liệt, sít sao. Tổng thống Ô-ba-ma đã tái cử nhiệm kỳ 2; đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ. Về đối ngoại, Mỹ điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo hướng toàn diện hơn, ngày càng coi trọng ASEAN (Tổng thống Mỹ đã đi thăm Mi-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia ngay sau khi tái cử).

Tại LB Nga, sau khi Thủ tướng Pu-tin đắc cử Tổng thống, Nga đề ra chiến lược hiện đại hóa kinh tế, quốc phòng và củng cố quan hệ đối ngoại theo hướng ưu tiên các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và coi trọng hơn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Nhật Bản, khó khăn kinh tế và chính trị khiến Thủ tướng Nô-đa phải 3 lần cải tổ Nội các (tháng 1, 6 và 9/2012) và giải tán Hạ viện (16/11) để tổ chức bầu cử sớm. Tại cuộc bầu cử Hạ viện hôm 16/12 vừa qua đã đánh dấu sự quay lại nắm quyền của đảng Dân chủ tự do (LDP) đối lập sau hơn 3 năm chính quyền thuộc về đảng Dân chủ (DPJ).

Pháp có thay đổi lãnh đạo với việc ứng cử viên theo đường lối cánh tả F. Ô-lăng-đơ đắc cử Tổng thống, đề ra chủ trương kích thích tăng trưởng thay cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết những khó khăn kinh tế của Pháp và Eurozone.

EU tập trung khắc phục khủng hoảng Eurozone theo hướng thu hẹp bất đồng, dung hòa giữa chủ trương tăng cường kỷ luật tài chính của Đức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Pháp.

Quan hệ giữa các nước lớn vẫn tiếp tục khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh. Các nước lớn tiếp tục tăng cường hợp tác khắc phục khó khăn kinh tế và các thách thức an ninh chung. Quan hệ Mỹ - Trung một mặt được điều chỉnh theo hướng giảm căng thẳng, hướng tới việc xây dựng mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai bên. Mặt khác, đáng chú ý là cạnh tranh Trung - Mỹ; quan hệ Nga - Mỹ và Nga - NATO vẫn tồn tại căng thẳng do bất đồng trong vấn đề phòng thủ tên lửa, khác biệt quan điểm trong vấn đề Si-ri. Quan hệ Nga - Trung tiếp tục đi vào chiều sâu, phát triển về song phương cũng như trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Mỹ và các nước lớn khác đẩy mạnh hợp tác nhóm qua các cơ chế phối hợp tay ba như Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Ấn, Mỹ - Nhật - Úc, Ấn - Nhật - Hàn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực