Những thách thức đối với giải pháp kinh tế tài chính của Chính phủ Mỹ

Thứ năm, 08/09/2011 15:09

(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia kinh tế Mỹ, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từ năm 2007-2009, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm.

Đặc biệt, từ đầu năm 2011 đến nay, nó giảm xuống đáng kể, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải nghiên cứu thực hiện đường hướng chính sách tiền tệ rõ ràng hơn và những khó khăn bên ngoài (chiến tranh, thảm họa) đã khiến rủi ro kinh tế vĩ mô tăng cao. Mặt khác, chính sách tài khóa của Mỹ đang bị thắt chặt, cắt giảm chi tiêu công làm cho tăng trưởng kinh tế bắt đầu đi xuống. Cuộc chiến ngăn chặn khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa đã khiến ngân sách năm 2011 giảm tới 40 tỷ USD; động lực giảm ngân sách lớn hơn do Quốc hội và Chính phủ cân nhắc cải tổ hệ thống phúc lợi. Gần đây, Chính phủ Mỹ đã nâng trần nợ công, nâng hạn mức vay mượn thêm 2.400 tỷ USD và cắt giảm chi tiêu 2.100 tỷ USD trong 10 năm tới.

Với nhiều áp lực cắt giảm ngân sách buộc FED phải nới lỏng chính sách tiền tệ, lạm phát tăng đồng nghĩa với cú sốc giá xăng dầu tăng cao, trong khi thu nhập của người dân bị hạn chế buộc phải thắt chặt chi tiêu, đưa FED vào thế tiến thoái lưỡng nan. Dự báo, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ dưới 3%, đây là mức thấp và chưa đủ để các thành phần khác của nền kinh tế chuyển động, không đủ khả năng để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ngoài ra, những thiệt hại của nợ công làm cho viễn cảnh tương lai càng không chắc chắn, theo dự báo, viễn cảnh đó tiếp tục diễn ra trong năm 2012, cho dù ngân sách đã được cắt giảm theo thỏa thuận. Vấn đề này làm gia tăng khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách và FED cảm thấy bị trói chặt bởi tình trạng lạm phát cao. Nhiều khả năng nước Mỹ sẽ phải đương đầu với thời kỳ suy giảm kéo dài như thế kỷ XIX (từ tháng 10.1873 - 3.1879) .

Hiện nay, nền kinh tế Mỹ chưa được đưa vào quy trình tự phục hồi. Trước mắt, Chủ tịch FED đang có dự định đưa ra chương trình nới rộng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ lần 3 (QE3) nhằm bơm tiền cho nền kinh tế để đối phó với suy giảm và khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ làm cho các loại nguyên liệu cơ bản tăng mạnh, lúc đó nền sản xuất chung sẽ lâm vào khó khăn, giá cả hàng hóa tăng lên làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gia tăng áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu. Khi QE3 được thực hiện thì khả năng thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ biến động dữ dội hơn, một khi các mặt hàng tăng giá, đồng USD sẽ bị suy yếu và gây ra lạm phát tại nhiều nước trên thế giới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực