(ĐCSVN) – Cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài suốt gần 16 tháng qua tại Syria đã bước sang một ngã rẽ khác khi phe đối lập vừa đề xuất một kế hoạch chuyển giao quyền lực theo mô hình của Yemen tại Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc áp dụng “một mô hình Yemen” rất khó có thể trở thành hiện thực trước tình hình thực tế hiện nay tại Syria.
|
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh trong một buổi gặp gỡ tại Damascus hồi năm 2009 (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trên hãng thông tấn Anatolia, ngày 11/6, nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), ông Abdel Basset Sayda đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho phó Tổng thống Faruq al-Shara. Theo lập luận của ông Sayda, nhà lãnh đạo Syria đang mất dần đi quyền kiểm soát đất nước, hiện lực lượng chính phủ Syria chỉ đủ khả năng duy trì một số khu vực ít ỏi tại thủ đô Damascus và chính vì thế, ông al-Assad cần nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm theo như mô hình đã diễn ra tại Yemen hồi năm ngoái. Thậm chí ông Sayda còn cho biết thêm, phe đối lập tại Syria hiện đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-16/6 tới đây nhằm thảo luận về tình hình Syria thời kỳ “hậu al-Assad”. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, dù có một số điểm tương đồng, song tình hình thực tế tại Yemen và Syria lại mang nhiều khác biệt về bản chất và không thể áp dụng cùng một mô hình chuyển giao quyền lực.
Theo Tiến sỹ Hassan Abu-Taleb, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính trị Al-Ahram (Ai Cập), mô hình chuyển giao quyền lực tại Yemen hồi năm ngoái được thực hiện dựa trên một loạt những điều kiện mà Syria không hề có.
Thứ nhất, cho dù phe đối lập tại Yemen từ chối đối thoại với chính phủ, song họ vẫn duy trì quan hệ “ở một chừng mực nhất định” với đảng cầm quyền tại Yemen trong nhiều tháng trước khi cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi sau 33 năm cầm quyền.
Trong khi đó, tại Syria, phe đối lập lại tỏ ra đoạn tuyệt và luôn mạnh mẽ bác bỏ các cơ hội đối thoại cũng như liên hệ với phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Thứ hai, việc ông Hadi trở thành Tổng thống trong quá trình chuyển giao tại Yemen đã phản ánh đúng nguyện vọng của cả đảng cầm quyền, phe đối lập tại và đa phần người dân Yemen.
Trong khi đó, tình hình tại Syria lại hoàn toàn ngược lại khi nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống al-Assad thuộc tộc người Alawites lại ủng hộ mạnh mẽ vai trò của ông al-Assad và luôn lo ngại về nguy cơ “quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng” nếu như ông al-Assad từ chức. Alawites chỉ là một nhóm thiểu số người Hồi giáo Shiite, dù chỉ chiếm 12% dân số nhưng lại hình thành nên xương sống của chế độ Tổng thống Assad khi mà họ chính là đối tượng giữ các chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền Syria bao gồm các vị trí then chốt trong cơ cấu Chính phủ, quân sự và an ninh. Nếu chế độ Assad sụp đổ, người Alawites chắc chắn mất đi quyền lãnh đạo và chi phối toàn bộ đất nước. Chính vì thế, ông Hassan cho rằng, người Alawites sẽ sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ những lợi ích và quyền lợi của mình trong tương lai, dưới thời của Tổng thống Bashar al-Assad.
Thứ ba, là một trong số những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Yemen phụ thuộc nặng nề vào các khoản viện trợ tài chính từ nước láng giềng giàu tài nguyên dầu mỏ là Ả rập Xê út cùng một số quốc gia vùng Vịnh khác – vốn đóng vai trò trung gian quan trọng trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Yemen. Chính vì thế, cùng với sức ép mạnh mẽ của phương Tây, các nước này đã không gặp mấy khó khăn trong việc thuyết phục ông Taleb từ chức và chuyển giao quyền lực cho một nhân vật thân cận để đổi lấy đặc quyền miễn bị truy cứu nhiều tội danh.
Trong khi đó, ông Gregory Johnsen – một nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Princeton (Mỹ) cũng cho rằng, các nhà ngoại giao cần cân nhắc kỹ trước khi lên kế hoạch áp dụng mô hình Yemen tại Syria. Theo lập luận của ông Johnsen, mô hình này đã thành công trong việc loại bỏ ông Saleh khỏi chiến trường Yemen, song lại làm bộc lộ quá nhiều vấn đề tại quốc gia này và “không thực sự làm thỏa mãn kỳ vọng của người dân Yemen”. “Khả năng tái diễn bạo lực tại Yemen hiện vẫn còn rất cao. Chính vì thế, hiện cả người dân Yemen và các nhà quan sát từ phía bên ngoài đang đặc biệt lo ngại rằng mô hình Yemen thật sự không thể giải quyết mà chỉ phần nào xoa dịu được vấn đề của quốc gia này”, ông Johnsen nói./.