Nợ công châu Âu là cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ
Thứ ba, 27/12/2011 14:17 (GMT+7)
Bài viết đăng trên tờ Thời báo New York số ra mới đây cho biết do cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng ở châu Âu, các nhà quản lý châu lục này đang yêu cầu các ngân hàng phải nâng vốn và cắt giảm báo cáo tài chính, dẫn đến việc các ngân hàng châu Âu đang bán rẻ hàng loạt các tài sản cho các doanh nghiệp và công ty tài chính của Mỹ.
|
Tập đoàn Blackstone đã mua 300 triệu USD nợ bất động sản của tập đoàn tài chính Commerzbank (Đức). (Nguồn: businesstoday-eg.com) |
Trong tháng vừa qua, ba chuyên gia thuộc tập đoàn Kohlberg Kravis Roberts đã đến Hy Lạp để đánh giá một công ty tư nhân đầy triển vọng nhưng không thể kiếm được nguồn tín dụng từ các ngân hàng Hy Lạp để phát triển.
Trong khi đó, Tập đoàn Blackstone đã mua của tập đoàn tài chính Commerzbank (Đức) 300 triệu USD nợ bất động sản với tài sản thế chấp bao gồm 5 khách sạn ở Mỹ. Commerzbank đang chịu sức ép từ nay đến giữa năm 2012 phải huy động được 5,3 tỷ euro (6,9 tỷ USD) vốn mới.
Trước đó, Wells Fargo đã mua 3,3 tỷ USD nợ bất động sản được thế chấp bởi các bất động sản thương mại tại Mỹ vốn thuộc sở hữu của ngân hàng Anglo Ireland.
Wells Fargo cũng mua 2,4 tỷ USD nợ và các tài sản khác từ Ngân hàng Ireland, một ngân hàng tư nhân đang phải cố gắng huy động 10 tỷ euro (13 tỷ USD) sau khi nhận một khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tập đoàn tài chính Capital One cũng dự kiến mua lại ING Direct tại Mỹ với trị giá 9 tỷ USD - thương vụ mua bán ngân hàng lớn nhất trong năm. ING của Hà Lan bị ép bán ING Direct sau khi tập đoàn này nhận 14 tỷ USD cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tập đoàn Google cũng có cơ hội khi mua tòa nhà Montevetro tại Dublin từ Cơ quan quản lý tài sản quốc gia Ireland.
Theo các chuyên gia, việc bán các tài sản sẽ tăng mạnh khi các ngân hàng châu Âu đang phải chạy đua với thời hạn đến tháng 6/2012 phải huy động được 114 tỷ euro vốn mới do Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu đưa ra. Trong 18 tháng tới, các ngân hàng châu Âu sẽ bán khoảng 3.000 tỷ USD tài sản.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo việc đầu tư vào châu Âu là có rủi ro, như trường hợp của MF Global phá sản ngày 31/10/2011. Do đó, dù tham gia vào những thương vụ mới, các ngân hàng Mỹ vẫn phải giải quyết những khó khăn của chính mình, đặc biệt là những khó khăn xuất phát từ các khoản thế chấp xấu trong bong bóng và phá sản dưới chuẩn ở Mỹ./.