Nỗi lo khủng bố tiếp tục ám ảnh nước Mỹ

Thứ năm, 18/04/2013 10:18

(ĐCSVN)Vụ đánh bom liên hoàn tại giải chạy Marathon ở thành phố Boston (bang Massachusetts) ngày 15/4 khiến hàng trăm người thương vong đã một lần nữa “gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh” đối với người dân Mỹ về mối đe dọa hiện hữu của các “hành động tấn công khủng bố”.

 

 Cảnh tượng tan hoang còn lại sau vụ đánh bom kép tại Boston, ngày 15/4
(Ảnh: Bloomberg News)

Chiều 15/4 (tức sáng sớm ngày 16/4 theo giờ Việt Nam), nước Mỹ đã bị chấn động bởi vụ đánh bom kép xảy ra tại giải chạy marathon ở Boston, bang Massachusetts. Theo số liệu thống kê mới nhất, vụ tấn công trên đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và khoảng hơn 170 người khác bị thương.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kẻ thủ ác gây nên các vụ tấn công liên hoàn ở Boston ngày 15/4 không chỉ khiến người dân Mỹ hoang mang, các nhà chức trách đau đầu với nhiều giả thuyết mà còn khiến báo chí Mỹ “nhiễu thông tin” về số liệu thương vong sau vụ tấn công, cũng như liệu có nên gọi vụ việc ngày 15/4 là một hành động tấn công khủng bố, chủ nghĩa khủng bố hay chỉ là một vụ tấn công thông thường.
 
Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 15/4 ở Boston, Tổng thống Obama đã tỏ ra rất “thận trọng” và không đề cập tới từ “chủ nghĩa khủng bố” hay “các hành vi khủng bố”. Tuy nhiên, hầu hết các tờ báo của Mỹ đều đã giật tít xem đây là một cuộc đánh bom khủng bố. Ngay cả một quan chức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ cũng cho rằng, vụ đánh bom tại Boston mang hình thức của một vụ đánh bom khủng bố.

Tuy không phải là một sự lựa chọn dễ dàng, song vụ việc đẫm máu ngày 15/4 đã buộc giới chức Mỹ phải thừa nhận rằng “dù đã đổ nhiều tiền của và tốn không ít sức lực, song cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn chưa mang lại kết quả, có thể giúp người dân Mỹ có một cuộc sống thanh bình, thoát khỏi sự ám ảnh của bóng ma khủng bố”. Trong một chi tiết gây chú ý, tại cuộc họp báo ngày 16/4, ông Obama đã phải thừa nhận vụ việc ngày 15/4 là một “hành vi khủng bố”, bởi theo quan điểm của nhà lãnh đạo này, “việc tấn công bằng bom nhằm vào mục tiêu là các thường dân vô tội, cho dù diễn ra vào bất cứ thời điểm nào, đều được coi là các hành vi khủng bố”.

Gần 12 năm sau vụ tấn công ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ và sau rất nhiều chiến dịch hao người tốn của lên tới hàng nghìn tỷ USD nhằm tiễu trừ khủng bố, nước Mỹ vẫn phải sống trong nỗi lo sợ bị tấn công. Vụ việc ngày 15/4 được xem là vụ tấn công bằng bom với quy mô rộng lần đầu tiên xuất hiện tại nước Mỹ kể từ sau thời khắc kinh hoàng ngày 11/9 đã buộc các nhà chức trách Mỹ phải siết chặt các biện pháp an ninh – một quyết định vốn được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng tới hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống người dân Mỹ.

Bất chấp những chiến dịch quân sự khổng lồ, những khoản đầu tư nhằm tiêu diệt những mầm mống khủng bố với nước Mỹ trên khắp thế giới trong suốt nhiều năm qua, vụ việc ngày 15/4 xảy ra lại khiến người ta một lần nữa phải hoài nghi về mức độ an toàn của nước Mỹ. Việc hung thủ đã thực hiện “thành công” vụ tấn công liên hoàn tại giải marathon ở Boston – một biểu tượng quốc tế về niềm tự hào của thành phố vào đúng dịp kỷ niệm “Ngày Yêu nước” đã đặt ra một thách thức với các quan chức an ninh của Mỹ khi phải tìm ra một kẻ tấn công “chưa có manh mối nào về danh tính”.
 
Tính tới thời điểm hiện tại, các nhà chức trách vẫn chưa thể xác định được động cơ vụ đánh bom. Mặc dù những quả bom được đặt ở các địa điểm công cộng nhưng không một camera giám sát nào ghi lại được kẻ đặt bom. Hiện tại, các nhà chức trách đang kêu gọi người dân giúp đỡ bằng cách giao nộp những đoạn phim quay bằng điện thoại có thể hỗ trợ tìm ra thủ phạm. Thậm chí, Ủy viên hội đồng cảnh sát Boston, ông Ed Davis cho biết, vụ đánh bom liên hoàn nhằm vào cuộc đua marathon cỡ quốc tế diễn ra tại thành phố Boston là một trong những “hiện trường vụ án phức tạp nhất mà chúng tôi phải xử lý trong lịch sử điều tra, truy bắt tội phạm của thành phố”.

Trong bài viết đăng trên tờ Newsmax, ngày 17/4, ông Joseph E. Schmitz - nguyên Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2002-2005 nhấn mạnh, vụ tấn công ngày 15/4 là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân Mỹ về những nguy cơ tấn công khủng bố đang hiện hữu. “Chúng ta có những kẻ thù có thể tiếp tục tấn công chúng ta ngay tại chính lãnh thổ của chúng ta. Điều đó đã diễn ra tại Boston vào ngày 15/4. Điều tương tự cũng đã diễn ra tại Fort Hood vào ngày 5/11/2009 và đã xảy ra tại cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở Benghazi, Libya ngày 11/9/2012…Thậm chí, trong khi chúng ta đang tiếp tục cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng tại tấn thảm kịch ở giải marathon Boston cũng như đang cầu nguyện cho những người bị thương trong vụ tấn công này nhanh chóng bình phục thì chúng ta vẫn phải đối mặt với một thực tế hết sức rõ ràng rằng, kẻ thủ phạm gây nên tội ác này đúng hơn phải được xem là một kẻ thù chứ không chỉ đơn thuần là một tội phạm của nước Mỹ”.

Hiện các nhà phân tích đang đưa ra nhiều giả thuyết về vụ tấn công ngày 15/4 ở Boston, song chủ yếu tập trung vào 3 kịch bản rằng, đây có thể là hành vi của một tổ chức khủng bố quốc tế, một tổ chức trong nước hay từ một cá nhân bất ổn về tâm lý. Tuy nhiên, dư luận đều cho rằng, dù đối tượng có là ai và mang quốc tịch nào thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc vì đã gây nên vụ tấn công ngày 15/4 tại Boston.

Trong khi đó, FBI, lực lượng cảnh sát Mỹ và các cơ quan chức năng khác đang tiếp tục tìm kiếm manh mối liên quan tới vụ việc. Ủy viên hội đồng cảnh sát Boston Ed Davis nói: “Chúng tôi sẽ lật từng hòn đá để tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công… FBI đã kêu gọi người dân cung cấp các bức hình tại giải marathon ở Boston. Họ sẽ phân tích tất cả các vật liệu thu thập được ở hiện trường với hy vọng sẽ dẫn tới manh mối là một cá nhân cụ thể…”.

Loạt vụ đánh bom tại thành phố Boston ngày 15/4 sẽ mở ra một thách thức nữa với chính quyền Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 này bên cạnh một loạt những vấn đề nan giải khác mà Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt như: Vấn đề nhập cư, thâm hụt ngân sách, siết chặt lệnh kiểm soát súng đạn…. Nhiệm vụ này sẽ càng trở nên khó khăn hơn, nặng nề hơn trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới giờ đây đã có nhiều đổi khác so với cách đây hơn 11 năm khi xảy ra vụ tấn công ngày 11/9. Những nỗ lực trong quá khứ cho dù có tốn kém đến đâu song rõ ràng vẫn chưa đủ sức nặng để có thể biến mục tiêu của ông Obama về một “nước Mỹ yên bình hơn, thoát khỏi những mối đe dọa về khủng bố” thành hiện thực. Nhà lãnh đạo này vẫn còn một chặng đường dài và đầy chông gai phía trước phải vượt qua.

Trước mắt, người dân Mỹ và dư luận quốc tế vẫn đang chờ đợi những quyết sách của Tổng thống Obama để sớm tìm ra  vụ việc, cũng như buộc hung thủ “phải gánh chịu đầy đủ sức nặng của công lý” như ông đã từng tuyên bố./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực