Cuộc khủng hoảng năm 2007- 2008 vẫn chưa kết thúc, mà còn có khả năng chuyển hóa thành những dạng khủng hoảng mới.
|
Thế giới đối mặt “siêu bão” tài chính mới? (Ảnh minh hoạ) |
Tuần qua, bên cạnh những điểm nóng chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi hay những vụ bạo loạn trên đường phố London (Anh), thế giới cũng chia sẻ một nỗi lo khác. Đó là những bất ổn về kinh tế đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu - những động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, với cảnh báo rất nghiêm túc của Chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert Zoellick, dư luận có lý do để lo ngại về một viễn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tái phát. Thực tế này đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, và nếu không nhận biết sớm và có cách xử lý kịp thời, thì những hệ lụy của nó có thể không chỉ là kinh tế.
Bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới thực ra đã được cảnh báo từ những vụ vỡ nợ của một số thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu từ Irland, Hy Lạp, rồi Bồ Đào Nha…. Thế nhưng phải đến khi mối đe doạ vỡ nợ lan rộng ở châu Âu và đặc biệt là từ khi nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ cũng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thì rõ ràng là hệ thống kinh tế thế giới đang thực sự có vấn đề. Đúng như dự báo của nhiều nhà tài chính có tầm cỡ của thế giới, cuộc khủng hoảng năm 2007- 2008 vẫn chưa kết thúc, mà còn có khả năng chuyển hóa thành những dạng khủng hoảng mới.
Biểu hiện ra bên ngoài của tình trạng khủng hoảng hiện nay là sự nhảy múa của giá vàng, tỷ giá ngoại hối, sự trồi sụt liên tục của các thị trường chứng khoán quốc tế lớn. Đó là biểu hiện của tâm trạng bất an về kinh tế, người ta đổ xô vào trữ vàng, khiến giá vàng quốc tế tăng kỷ lục, chứng tỏ một sự mất niềm tin vào các đồng tiền chủ chốt là USD và EURO. Hay nói cách khác, đây là sự mất niềm tin vào sức khỏe của các nền kinh tế lớn. Và một khi các nền kinh tế như Mỹ, EU không có được sự ổn định, thì toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Và các nền kinh tế nhỏ, ở trình độ hội nhập còn thấp (trong đó có Việt Nam) sự ảnh hưởng có thể đến chậm nhưng mức độ có thể lại sâu sắc hơn. Tình trạng lạm phát cao, diễn ra ở hầu khắp các quốc gia, ngoài các khiếm khuyết nội tại, có nguyên nhân rất quan trọng là từ những tác động của kinh tế thế giới hiện nay.
Mới đây, trong một buổi nói chuyện về triển vọng kinh tế toàn cầu tại Sydney - Australlia, ông Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), đã lo ngại cảnh báo rằng có nhiều nền kinh tế đang mất dần niềm tin trong những tuần gần đây, đẩy nền kinh tế thị trường đến một thách thức mới và cảnh báo vấn đề này rất có thể còn nghiêm trọng hơn trước. Chủ tịch WB cũng cho rằng đã có sự thao túng của một số tổ chức của châu Âu và Hoa Kỳ, do vậy dẫn đến sự mất lòng tin của người dân vào các tổ chức lãnh đạo về kinh tế của một số nước chủ chốt.
Trước thực tế này, nhiều tổ chức nghiên cứu có uy tín đã cân nhắc hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đưa ra những dự báo ảm đạm về triển vọng kinh tế thế giới. Người ta đã đưa ra dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua sẽ chỉ tăng 3,6% trong năm nay và 3,5% trong năm 2012 chứ không thể trên 4% trong cả 2 năm như trước đó từng đưa ra. Kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm lại trong quý 2 năm nay cũng thổi bùng lo ngại trì trệ kéo dài có thể làm tiêu tan những nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công của khối này.
Đứng trước những thách thức có thực ấy, mỗi quốc gia, mỗi khu vực… bằng những cách riêng của mình đang phải đưa ra những giải pháp cụ thể. Đó có thể là những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu, “cắt giảm ngân sách” trong một số hoạt động (mà nhiều khi là cả những hoạt động phúc lợi xã hội), rồi ngừng hoặc giảm đầu tư công… Hay như các quốc gia EU đã nghĩ tới việc phát hành “trái phiếu chung châu Âu” hoặc thành lập một chính phủ kinh tế cho khu vực đồng euro..
Mục tiêu trước mắt được các nền kinh tế đặt ra vẫn là kìm chế lạm phát, giải quyết các vấn đề về nợ nần và xa hơn là vực dậy những nền kinh tế sau khủng hoảng. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều biện pháp, đôi khi lại dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng khác. Những vụ biểu tình dẫn đến bạo động ở một số quốc gia châu Âu có thể coi là một trong những ví dụ điển hình về sự sụt giảm kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội. Một nguy cơ khác có thể xảy đến từ chính những biện pháp cứu vãn các nền kinh tế lớn, nhỏ trên toàn cầu, đó là “nguy cơ giảm phát”. Tuy ít xảy ra, song giảm phát lại khó “chữa” hơn lạm phát. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu xảy ra giảm phát sâu rộng toàn cầu sẽ tai hại như một cuộc đại suy thoái, ngành công nghiệp nhiều nước sẽ bị đình trệ và tình trạng phá sản sẽ diễn ra nghiêm trọng. Chính bởi vậy, đây là điều cần tính đến đối với mọi nền kinh tế.
Trong bối cảnh quốc tế như vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức mà biến động giá cả thị trường thời gian gần đây là một bằng chứng. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra cũng đang có những phản ứng tích cực. Tuy nhiên, cần có một sự nghiên cứu, dự báo kịp thời, sát thực tế để có những điều chỉnh thích hợp, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của những biến động bên ngoài, giúp người dân thêm vững tâm vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế../.