(ĐCSVN) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), khai mạc chiều 5/9 tại Cung Constantine, ở St. Petersburg, thủ đô phương Bắc của Liên bang Nga, dường như đã bị “chệch hướng” bởi cuộc nội chiến đang tiếp diễn nghiêm trọng ở Syria.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, diễn ra ngày 5/9 tại St.Petersburg (Nga) (Ảnh: Reuters) |
Diễn ra trong hai ngày 5 và 6/9, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 – nhóm các nền kinh tế chiếm tới 2/3 dân số và 90% sản lượng kinh tế toàn cầu là sự kiện kinh tế quan trọng và được trông đợi nhất trong năm. Hội nghị là nơi quy tụ các nguyên thủ, Bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương từ 19 quốc gia và liên minh châu Âu cùng một số quốc gia khách mời, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Italia Enrico Letta…
Hội nghị Thượng đỉnh G-20 năm nay diễn ra tại St. Petersburg dưới sự chủ trì của tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ đề chính của Hội nghị G-20 lần này vẫn là các vấn đề kinh tế thế giới mà cụ thể là về chương trình nới lỏng tiền tệ của các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Mục tiêu chính của nhóm G-20 hiện nay là thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, trong bối cảnh sự bất ổn vẫn tiếp diễn trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và sự mất cân bằng toàn cầu kéo dài. Dựa vào kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng G-20 hồi tháng 7 vừa qua, dư luận kỳ vọng, các nhà lãnh đạo G-20 sẽ sớm thông qua việc duy trì điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi để tạo việc làm, khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tập trung nỗ lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, chống lại hoạt động manh mún trên thị trường lao động cũng như hạn chế mức độ bất bình đẳng về mặt xã hội.
Rõ ràng Hội nghị Thượng đỉnh G-20 là cơ hội “hiếm hoi và phù hợp” để các nền kinh tế lớn cùng ngồi lại với nhau tìm giải pháp cho các vấn đề quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng dường như các cường quốc trên thế giới đang tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới cuộc nội chiến Syria.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm G-20, Tổng thống Nga Putin nêu rõ: “Nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta hiện nay là đưa nền kinh tế toàn cầu quay trở lại con đường phát triển cân bằng và bền vững…Cho đến nay, nhiệm vụ này vẫn chưa được hoàn tất bởi những rủi ro mang tính hệ thống, điều kiện cho một cuộc khủng hoảng “cấp tính” tái phát, thực tế lại đang kéo dài”.
Bên cạnh vấn đề về kinh tế, ông Putin không thể không nhắc tới một chủ đề được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian trở lại đây về cuộc nội chiến Syria. Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong các nỗ lực quốc tế nhằm phản đối các hành vi can thiệp quân sự vào Syria khi tuyên bố “một cuộc tấn công quân sự Syria không có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ chẳng khác nào một hành vi gây hấn”. Bên cạnh đó, ông Putin tiếp tục lên án Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vì đã “phát tán đi những thông tin sai sự thật về tình hình bên trong đất nước Syria”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới tại thành phố St. Petesburg của Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 với một tâm trạng đang chịu nhiều áp lực trong vấn đề Syria và quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức căng thẳng. Phát biểu trước báo giới tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 4/9, ông Obama không che dấu “sự thất vọng” trước phản ứng mạnh mẽ của Moscow về chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, đồng thời cho rằng, quan hệ giữa hai cường quốc hiện đã bị “dồn vào chân tường”.
Phát biểu trên kênh truyền hình “nước Nga ngày nay”, phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, quan hệ Nga – Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và cần được “cài đặt lại lần 2”. Về phía ông Peskov cho biết, hiện chưa có lịch trình diễn ra các cuộc gặp song phương giữa ông Obama và ông Putin bên lề Hội nghị G20, song rất có thể, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành một số cuộc “đối thoại không chính thức”.
Trong buổi họp báo tại St. Petersburg, ngày 5/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso đều nhất trí kêu gọi “một giải pháp” chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Ông Barroso nói: “Tình hình hiện nay tại Syria tiếp tục gây quan ngại trong cộng đồng thế giới…Liên minh châu Âu cho rằng, những nỗ lực đối với tình hình Syria hiện nay cần hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này”.
Về phía Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu, ngày 5/9 cũng cảnh báo việc Mỹ đơn phương can thiệp quân sự vào Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt do giá dầu tăng vọt. Ông ước tính, giá dầu cứ tăng 10 USD/thùng sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 0,25%.
Trong bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Giáo hoàng Francis ngày 5/9 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới "từ bỏ theo đuổi giải pháp quân sự vô ích" ở Syria. Bức thư của Giáo hoàng Francis có đoạn viết: "Tốt hơn là hãy tiếp tục cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán giữa các bên bằng sự can đảm và quyết tâm, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế."
Phát biểu trước các lãnh đạo tham gia Hội nghị G-20, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tại Syria cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, đồng thời kêu gọi chấm dứt mọi hành động cung cấp vũ khí cho bất kỳ phe phái nào tại Syria. Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc bác bỏ các hành động can thiệp quân sự vào Syria mà không có sự ủy quyền của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục xúc tiến Hội nghị quốc tế Geneva-2 về Syria.
Trong khi đó, một nguồn tin Liên hợp quốc, ngày 5/9 cho biết, Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập (AL) về Syria Lakhdar Brahimi sẽ bay tới St.Petersburg để tham gia vào các cuộc thảo luận của lãnh đạo nhóm G-20 về tình hình Syria.
Dự kiến trong ngày 6/9 sẽ diễn ra các cuộc gặp của Tổng thống Nga Putin với đại diện cộng đồng doanh nghiệp và công đoàn G-20, tiếp theo là phiên họp thứ hai của lãnh đạo các nước G-20 để thảo luận về các vấn đề đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm mới. Tuy nhiên, nội dung này sẽ được triển khai đến đâu và liệu cuộc khủng hoảng Syria có tiếp tục chi phối ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Câu trả lời chỉ có thể được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Putin có cuộc gặp gỡ báo chí và gặp gỡ bên lề với lãnh đạo nhiều nước và các tổ chức quốc tế sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G-20 kết thúc./.