Nước Mỹ 2011- Đối nội mờ nhạt, đối ngoại lên ngôi
Thứ hai, 26/12/2011 15:02 (GMT+7)
Thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc để nhìn nhận lại những điều đã làm được và chưa làm được trong 365 ngày qua. Với nước Mỹ, nếu như năm 2011 đánh dấu những điểm nhấn lớn trong chính sách đối ngoại thì đây lại là một năm hầu như không có chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đối nội của chính quyền Barắc Ôbama (Barack Obama).
Nội tại rắc rối
Vấn đề nổi cộm nhất của nước Mỹ là kinh tế. Trong năm qua, bất chấp những nỗ lực của chính quyền, nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn trong quá trình phục hồi mong manh. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao (xấp xỉ 9%), tăng trưởng kinh tế vừa phải (khoảng 2% trong quý III), nợ công ngất ngưởng (15.000 tỷ USD), buộc Quốc hội phải nâng mức trần nợ, ngân sách ngày càng bị thâm thủng (khoảng 1.299 tỷ USD trong tài khóa 2011 kết thúc vào tháng 9) khiến chính phủ không ít phen phải đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì thiếu kinh phí.
Năm 2011, lần đầu tiên Mỹ bị Standard and Poor's (S&P) hạ mức tín dụng. Lý do S&P đưa ra là nền kinh tế hàng đầu thế giới đang bị thâm hụt ngân sách khổng lồ, trong khi tiến trình ra quyết sách lại không đủ mạnh. S&P cảnh báo sẽ lại hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ trong hai năm tới nếu Nhà Trắng không có giải pháp hữu hiệu cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Thất vọng trước một nền kinh tế trì trệ là nguyên nhân khiến phong trào "Chiếm Phố Uôn" lan rộng tại nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Những người biểu tình cho rằng Phố Uôn là nơi điển hình của sự bất công xã hội và "đại diện cho 99% người dân Mỹ không thể tiếp tục tha thứ cho sự tham lam và vô trách nhiệm của 1% đang độc chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ".
Trong khi đó, trên chính trường, các chính khách của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chia rẽ trong các quyết sách liên quan tới đường hướng phát triển của đất nước. Mâu thuẫn giữa Cộng hòa và Dân chủ đã trở thành vấn đề mang tính "thâm căn cố đế". Năm nay, sự đối đầu lên tới đỉnh điểm sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ khi đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Ôbama để “mất” Hạ viện về tay đảng Cộng hòa, đồng thời cũng mất luôn ưu thế đa số vượt trội tại Thượng viện. Từ đây mở ra câu chuyện về sự mâu thuẫn, đối đầu, những cuộc tranh luận nảy lửa tại nghị trường, xoay quanh các vấn đề liên quan đến chính sách, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của chính quyền trong con mắt người dân.
Đối ngoại nhiều điểm nhấn
Thay vì một bức tranh trong nước khá ảm đạm, nước Mỹ vẫn được nhìn nhận bởi những thành tựu đạt được trên lĩnh vực đối ngoại.
Trước tiên là việc lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Ôxama Bin Lađen (Osama Bin Laden), tạo bước đệm cho các kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Irắc và Ápganixtan, chấm dứt hai cuộc chiến dai dẳng "hao người tốn của", làm suy giảm nhiều sức mạnh chính trị và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ. Hơn 6.300 lính Mỹ đã thiệt mạng, gần 40.000 lính bị thương nặng. Theo ước tính của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ, hai cuộc chiến đã tiêu tốn 1.300 tỷ USD và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Ngày càng có nhiều nghị sĩ coi hai cuộc chiến này là gánh nặng đối với sức mạnh và địa vị quốc tế của Mỹ, cùng với đó là tâm lý chống chiến tranh của dân chúng bắt đầu gia tăng. Rút quân là điều không thể tránh khỏi. Ngày 22/6, Tổng thống Ôbama tuyên bố 10.000 lính Mỹ sẽ rời Ápganixtan vào cuối năm 2011 và 23.000 lính khác cũng sẽ rút vào tháng 9/2012. Ngày 21/10, Nhà Trắng khẳng định việc rút quân khỏi Irắc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 9 năm. Tuy nhiên, những rắc rối tại hai quốc gia này sẽ vẫn còn tiếp tục. Irắc hiện là một nước yếu, sự thống nhất và ổn định của quốc gia này rất mong manh. Mỹ đã không thể thực hiện được mục tiêu biến Irắc thành một nền dân chủ ổn định và ủng hộ phương Tây. Vấn đề tại Ápganixtan thậm chí còn tồi tệ hơn. Sau 10 năm chiến đấu, Oasinhtơn thấy có quá ít lợi ích lâu dài tại đây. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Ápganixtan có thể trở lại với bản chất ương bướng trước đây của nước này. Bátđa và Cabun chắc chắn sẽ vẫn làm Oasinhtơn phải đau đầu.
Điểm nhấn thứ hai trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trong năm qua là học thuyết chiến tranh của Tổng thống Ôbama, theo đó, thay vì luôn trên tuyến đầu như trước, Oasinhtơn đã chọn cho mình vị thế thứ hai trong cuộc chiến của phương Tây tại Libi. Nói rộng ra là trong cả làn sóng bạo loạn ở Trung Đông và Bắc Phi mà giới quan sát gọi với cái tên mỹ miều "Mùa Xuân Arập". Đây thực sự là một bước chuyển lớn khi nước Mỹ trong quá khứ thường tự nhận về mình trọng trách "bảo hộ" an ninh thế giới, thúc đẩy dân chủ tại các nước mà phương Tây cho là thiếu dân chủ - nhân quyền và cần tới làn gió của cải cách. Sự e ngại của giới chức Nhà Trắng không phải không có lý do. Đó là bài học nhãn tiền về cuộc chiến dai dẳng ở Irắc, Ápganixtan và những khó khăn nội tại của nước Mỹ. Nước Mỹ không nên can dự quá sâu vào một cuộc chiến nữa trong thế giới Hồi giáo. Khôn ngoan lúc này là can dự vừa đủ để không phải đúng mũi chịu sào mà vẫn không bị mất phần trong miếng bánh lợi ích.
Sau rốt, việc Mỹ chuyển dần trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương được giới phân tích nhìn nhận là một sự điều chỉnh mang tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Chính sách trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ phản ánh một thực tế đang thay đổi về mặt kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, lẽ đương nhiên Mỹ không muốn bỏ qua "bàn tiệc lớn" này. Điều dễ hiểu là đằng sau nỗ lực trở lại châu Á - Thái Bình Dương là sự quan ngại của Mỹ về sự tăng trưởng nhanh chóng và tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Khép lại một năm cũ, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung chào đón một năm mới với những niềm hy vọng mới. Năm 2012, Oasinhtơn chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức mới và cũ, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Sự kiện nổi bật trong đời sống chính trị của nước Mỹ sẽ là cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm. Trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi về kinh tế và chiến lược toàn cầu, dù ai trở thành ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng cũng cần phải có những điều chỉnh thích hợp về chính sách mới có thể giải quyết được những khó khăn trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại./.