(ĐCSVN) – Cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục của đương kim Thủ tướng V. Putin, Chiến thắng này không bất ngờ đối với người được dự báo trở thành ông chủ của Điện Kremly trong 6 năm tới. Cánh cửa quyền lực lại một lần nữa mở ra với nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho người đã có công lớn làm thay đổi nước Nga thời hậu Xô-viết.
|
Ông Putin trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng (ảnh AFP) |
Tranh cử và chiến thắng
Năm 2012, lần thứ ba ông Vladimir Putin tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống. Tuy vậy, khác với những lần trước, cuộc tranh đua lần này không hề dễ dàng đối với ông. Các cuộc bầu cử năm 1999 và 2004 có đặc điểm quan trọng: Ngay từ đầu, ông V. Putin là ứng cử viên không có đối thủ và đã giành chiến thắng tương đối dễ dàng nhờ các giải pháp mạnh. Năm 1999, ông để lại dấu ấn bằng quyết định bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya; năm 2004, quyết định xử lý Tập đoàn dầu khí Yukos và quốc hữu hóa tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh này, các tầng lớp cử tri đã đoàn kết lại xung quanh ông Putin. Tuy nhiên, theo giới phân tích, năm 2011, ông không thông qua những quyết định quan trọng tầm cỡ lớn, tạo tiếng vang hoặc có tính “xoay chuyển” tình thế. Người ta cho rằng, ông vẫn có thể giành chiến thắng nhưng, con đường đến thắng lợi sẽ phức tạp hơn nhiều.
Trong hai nhiệm kỳ trước của mình, Putin luôn được giới truyền thông khen ngợi vì đã phục hồi sức mạnh của một quốc gia sau những năm cầm quyền của Yeltsin. Trong 8 năm cầm quyền từ năm 2000-2008, nền kinh tế đã ra khỏi cơn khủng hoảng với GDP tăng gấp sáu lần. Ông Putin đã thành công trong việc làm hồi phục nền kinh tế vốn đang rất trì trệ của Nga. Những tiến bộ của nền kinh tế Nga trong hai nhiệm kỳ Putin cầm quyền thực sự gây ấn tượng. GDP đã tăng khoảng 70%. Tốc độ tăng trưởng GDP mỗi năm 6,5%; nợ nước ngoài giảm đáng kể; dự trữ ngoại hối gia tăng; tình trạng thất thoát vốn tài chính chấm dứt; mức sống người dân được cải thiện; công nghiệp tăng trưởng 75% và đầu tư tăng 125%; qua đó, giúp Nga giành lại vị thế là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chương trình tranh cử của ông Putin không khác biệt nhiều so với "Chương trình Nhân dân" về phát triển đất nước đã được các ứng cử viên của Mặt trận Nhân dân toàn Nga lấy làm đề cương hành động, trong cuộc bầu cử vào Viện Duma Quốc gia hồi tháng Mười Hai năm 2011. Sự trùng hợp trong hai chương trình, bao gồm phần đề cập tới chính sách kinh tế - xã hội và đối ngoại. “Chương trình Putin” cụ thể hóa các đề xuất thuộc lĩnh vực đời sống, đang được dư luận và công chúng Nga quan tâm.
"Chương trình Nhân dân", đã được chuẩn bị trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của 1,5 triệu người gửi đến, còn “Chương trình Putin” do đích thân ông Vladimir Putin chuẩn bị cho việc tranh cử Tổng thống lần này. Chương trình thể hiện thế giới quan của ông với tư cách một cá nhân và chính trị gia. Tất nhiên, khi soạn thảo chương trình này, ông Putin có thảo luận với ban tham mưu vận động tranh cử của mình. “Chương trình Putin” liên quan đến 4 lĩnh vực chủ yếu bao gồm : Cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia; thực hiện chính sách đối ngoại độc lập đã được cụ thể hóa qua các bài đăng trên những tờ báo lớn của nước Nga.
Tờ “Báo Nga” đăng bài “Trở thành một đất nước hùng mạnh là đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia Nga” của ông Putin, có đoạn cảnh báo rằng: “Nga không được cám dỗ ai đó bằng sự yếu kém của mình," và trong mọi trường hợp không bao giờ "từ bỏ việc củng cố tiềm năng kiềm chế chiến lược” của mình. Ông lưu ý rằng, an ninh quốc gia Nga chỉ có thể được đảm bảo khi mà đất nước thực sự hùng mạnh. Ông nói: “Chính phủ đã thông qua và đang thực hiện chương trình chưa từng có phát triển các lực lượng vũ trang Nga và hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Trong thập kỷ tới sẽ phân bổ khoảng 23 nghìn tỷ rúp từ ngân sách cho mục đích này. Thủ tướng Nga nêu các nhiệm vụ chủ yếu về khôi phục Hải quân "đại dương", trước hết là ở biển Bắc và Viễn Đông. Đề cập đến việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga sẽ có những phản ứng kỹ thuật quân sự hiệu quả và tương xứng.
Đề cập đến những vấn đề xã hội, trong bài “Chương trình xã hội” đăng trên tờ Sự thật Komsomol, ông Putin đã trình bày quan điểm của ông về chính sách xã hội ở Nga, đưa ra những giải pháp có tính khả thi cao nhằm tăng dân số Nga tới năm 2050 lên 154 triệu người. Ông nhấn mạnh: “Nga là một nhà nước xã hội và có trách nhiệm duy trì chất lượng cao về đảm bảo xã hội với những mục tiêu được phân bổ tới hơn một nửa chi phí ngân sách”. Ông Vladimir Putin cũng đã chia sẻ chương trình, kế hoạch của ông cho tương lai nước Nga với các cử tri tiềm năng. Những bài báo của ông trong chiến dịch vận động bầu cử đã khơi dậy những cuộc thảo luận sôi nổi trong cộng đồng, từ giới nghiên cứu chính trị, nhà báo, nhà kinh tế đến mọi tầng lớp cư dân. Chuyên gia Viện Nghiên cứu nhân văn và chính trị Nga - Vladimir Slatino - nhận xét, “Những bài viết đó, nhất là những bài liên quan đến cải cách kinh tế và bài đề cập tới cải cách hệ thống chính trị, trong đó, ông Putin bày tỏ thái độ sẵn sàng tái thiết hệ thống hiện hành. Đó là điều đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp trung lưu”.
Phát biểu với các đại diện hàng đầu của giới kinh doanh tại Đại hội Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga, ông Vladimir Putin đã đề xuất khép lại chủ đề tư hữu hóa không lành mạnh và mời giới doanh nhân cùng tham gia giải quyết vấn đề này. Ông Putin nhấn mạnh, “một trong những cơ chế sẽ thực hiện có thể là khoản đóng góp một lần, đền bù cho siêu lợi nhuận từ việc tư hữu hóa những năm 1990.” Ngoài ra, ông còn đề xuất các bước cụ thể để cải thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống nhà nước.
Trong một bài viết khác với tựa đề "Nước Nga và vấn đề dân tộc” đăng trên tờ “Độc lập”, đề cập đến vấn đề hết sức nhạy cảm đối với mọi nền chính trị, ông Putin đã khẳng định: “Hòa hợp dân tộc là một trong những điều kiện chính cho sự tồn tại của nước Nga. Bởi vậy, ý tưởng về một nước Nga đơn dân tộc là trái với lịch sử phát triển của Nga”. Ông Vladimir Putin viết: “Vấn đề dân tộc gay gắt là một trong những thách thức chính mà hầu như tất cả các nước hiện nay đều phải đối mặt. Đối với nước Nga, vấn đề này là đặc biệt nghiêm trọng vì những kinh nghiệm lịch sử và do thực tế có nhiều lực lượng chính trị đang cố gắng lợi dụng ý tưởng dân tộc chủ nghĩa để trục lợi”. Ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng, nhân dân Nga và văn hóa Nga là "cốt lõi để liên kết thành một nền văn minh độc đáo của Nga." Trong bối cảnh đó, giáo dục có vai trò rất lớn với tư cách là nhân tố điều tiết mối quan hệ giữa các dân tộc.
Hưởng ứng những bài báo là những cuộc diễu hành rầm rộ của những người ủng hộ ông Putin. Họ đã diễu hành trên đường dọc theo bờ sông Moscow, rồi tập trung tại sân vận động Olympic “Luzhniki”, số lượng lên đến hơn 130 nghìn người. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Putin nhấn mạnh : “Việc chúng ta tập họp vào ngày hôm nay là một sự kiện có tính biểu tượng, ngày 23 tháng 2 là Ngày hội của những người bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta chính là những người bảo vệ quê hương của mình. Hôm nay, chúng ta đến đây để nói rằng: “Chúng ta yêu nước Nga”. Và có không phải là hàng chục nghìn mà hàng chục triệu người dân Nga cũng chia sẻ quan điểm này với chúng ta. Tất cả chúng ta đều sẵn sàng làm việc cùng nhau vì lợi ích của Tổ quốc vĩ đại của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng không chỉ làm việc mà còn bảo vệ nước Nga”.
Phát biểu tại cuộc gặp với các quân nhân, ông Putin nhắc lại quan điểm rằng, các thế lực từ bên ngoài không được can thiệp vào quá trình chính trị nội bộ nước Nga. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai can thiệp vào công việc của chúng ta, không cho phép bất cứ ai áp đặt ý chí của họ vào chúng ta, bởi vì chúng ta có ý chí của mình. Điều đó luôn luôn giúp chúng ta trong mọi thời đại. Chúng ta là những người chiến thắng, đó là trong gen của chúng ta, mã gen của chúng ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta sẽ giành chiến thắng. Chúng ta cần phải giành chiến thắng và giải quyết nhiều vấn đề: Đó là sự bất công, hối lộ, các quan chức thô lỗ, nạn nghèo đói và bất bình đẳng. Nhưng, tôi mơ ước rằng, tất cả mọi người ở nước ta, cả quan chức cao cấp cả công dân bình thường đều sống chính trực và theo lương tâm. Điều đó sẽ làm cho đất nước chúng ta trở thành mạnh mẽ hơn”.
Bài “Nước Nga trong một thế giới đang thay đổi” được công bố vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Nga đã khẳng định lại các định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Ông cảnh báo các đối tác phương Tây nên chú ý đến lập trường của Matxcơva. Quan hệ đối tác với các thành viên BRICS là định hướng ưu tiên của Nga. Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi mới bắt đầu thích nghi với nhau. Song, sau khi BRICS mở rộng hoạt động một cách nghiêm túc thì sẽ tác động khá mạnh đến nền kinh tế và chính trị trên thế giới.
Về mối quan hệ với một thành viên BRICS - Trung Quốc, ông Putin viết rằng, Nga cần đến một nước Trung Quốc thịnh vượng và ổn định. Ông tin tưởng rằng, Trung Quốc cũng cần đến một nước Nga hùng mạnh và thành công. “Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và đang trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất. Sự phát triển của Trung Quốc là thực tiễn cuộc sống mà chúng ta không thể thay đổi... Trung Quốc là nước hùng mạnh, chúng ta nên hợp tác với quốc gia này, sử dụng vốn đầu tư, những kinh nghiệm và tiềm năng của nước này một cách thông minh”. Ngay từ trước bầu cử, ông Putin đã không ít lần cho rằng Nga, với quan hệ chính trị tương đối tích cực, cần phải đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng và nhu cầu lớn từ Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng với các kế hoạch phát triển vùng Siberia và Viễn Đông Nga giàu tài nguyên nhưng thưa thớt dân cư.
Ông Putin thắng cử bởi ông là ứng cử viên thích hợp nhất cho vị trí người đứng đầu nước Nga. Tất nhiên, cử tri Nga đã chăm chú dõi theo những hoạt động của ông Putin trước đấy, ở những chức vụ nhà nước cấp cao. Nhưng điều quan trọng là ông Putin đã thể hiện rõ mình với phẩm chất của một chiến sĩ chống khủng bố, ủng hộ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cho sự tiến hóa không cần đến các "cuộc cách mạng màu", phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu, chủ trương cải thiện đời sống nhân dân, vì nền an ninh của quốc gia.
Thắng lợi của ông Putin lần này khẳng định một thực tế: Đa số người Nga muốn có ổn định. Đa số người Nga muốn duy trì thành quả của 12 năm có V. Putin như người cầm lái ở ngôi vị số một hay số hai của bộ máy quyền lực cao nhất ở Nga. Đa số người Nga vẫn gửi gắm niềm hy vọng vào nhà lãnh đạo từng đưa nước Nga ra khỏi những năm đình trệ, vào sự quyết đoán của một chính khách có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm.
|
Những người ủng hộ ông Putin hân hoan mừng thắng lợi (ảnh AFP) |
Bạn bè tin tưởng, đối tác hoan nghênh
Ngày 5/3, ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga tuyên bố kết quả bầu cử, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chúc mừng. Trong điện chúc mừng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Ngài Putin trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, để không ngừng thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng củng cố và phát triển.
Trong cuộc họp báo nhân sự kiện ông V. Putin được cử tri Nga lựa chọn bầu làm Tổng thống trong nhiệm kỳ 6 năm tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: Việt Nam chúc mừng Liên bang Nga đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống và chúc mừng thắng lợi của Ngài V.Putin. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Ngài Tổng thống V.Putin, nhân dân Liên bang Nga sẽ tiếp tục thành công trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Liên bang Nga ngày càng phồn vinh, vai trò và vị thế quốc tế của Liên bang Nga ngày càng được nâng cao, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Liên bang Nga, mà Ngài Putin là một trong những người khởi xướng, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của nhân dân hai nước, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước ngày càng bền chặt".
Ngay trong ngày 5/3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chúc mừng Thủ tướng Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra. Trong điện mừng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rằng, người dân Nga đã đạt tiến triển to lớn trong việc tăng cường ổn định và phát triển đất nước trong thế kỷ mới, đồng thời bày tỏ tin tưởng, người Nga sẽ còn đạt được những thành tựu nhiều hứa hẹn hơn nữa trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng một nước Nga hùng mạnh và phồn vinh.
Ngay sau khi các phương tiện truyền thông loan tin ông Putin thắng cử, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã gọi điện thoại chúc mừng ông Putin. Thủ tướng Noda là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chúc mừng thắng lợi của ông Putin. Ông Noda khẳng định sẵn sàng hợp tác với Tổng thống của Nga trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và trên trường quốc tế. Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Osamu Fujimura cũng khẳng định, Nhật Bản mong muốn xây dựng mối quan hệ song phương phù hợp với vị thế đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình dương, củng cố các mối quan hệ với Nga trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Putin, đồng thời coi thắng lợi của nhà lãnh đạo Nga là yếu tố quan trọng để góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Venezuela-Nga.
Cũng trong ngày 5/3, các nước phương Tây thừa nhận chiến thắng thuyết phục của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống .
Tổng Thư ký Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen bày tỏ hy vọng, Nga sẽ đưa ra những quyết định nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với tổ chức này, đặc biệt là vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa, vốn được xem là khá nhạy cảm trong quan hệ giữa hai bên.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng thừa nhận “chiến thắng rõ ràng” của ông Putin. Thông cáo của quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, nêu rõ: EU mong muốn làm việc với Tổng thống và Chính phủ mới của Nga, theo đó hỗ trợ tiến trình hiện đại hoá mà hai bên cùng chia sẻ, bao gồm cả những cải cách về chính trị và kinh tế.
Trong bức điện chúc mừng chiến thắng của ông Putin, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi ông Putin đảm bảo sẵn sàng làm việc với Anh để vượt qua những rào cản trong quan hệ hai nước và xây dựng các mối quan hệ chính trị và thương mại mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày bày tỏ hy vọng, ông Putin đạt được nhiều thành công trong nhiệm kỳ sắp tới, đặc biệt là vượt qua những thách thức mà nước Nga đang gặp phải. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, Đức muốn hợp tác với Tổng thống Nga “trên tinh thần xây dựng và tin tưởng”.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng gửi lời chúc mừng tới ông Putin và hy vọng ông sẽ tiếp tục công cuộc hiện đại hóa nền dân chủ và kinh tế. Theo ông, Pháp và Nga đang duy trì mối quan hệ chặt chẽ vì lợi ích của mỗi nước.
Nhiều nhà lãnh đạo khác ở châu Âu cũng đã gửi điện chúc mừng sự kiện ông Putin được bầu làm Tổng thống Nga. Tổng thống Serbia Boris Tadic đã viết: “Tôi chúc mừng ngài về chiến thắng và tôi muốn nhấn mạnh rằng, hai nước chúng ta nên tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế, thương mại theo cách tốt nhất có thể trong tương lai. Serbia và Nga có mối quan hệ gắn bó hữu nghị trong nhiều thế kỷ nay. Mối quan hệ của chúng ta mang ý nghĩa lịch sử và tinh thần. Chúng ta xây dựng mối quan hệ tương lai dựa trên nền tảng lợi ích chung và lợi ích của nhân dân hai nước”. Tổng thống Serbia cho biết, “ông luôn có mối quan hệ hợp tác tuyệt vời với Tổng thống Putin".
Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan ngoài lời chúc mừng dành cho ông Putin, còn gửi lời mời ông Putin đến thăm Armenia trong thời gian sớm nhất có thể. Điện mừng của ông Sargsyan viết: “Thay mặt nhân dân Armenia và nhân danh cá nhân tôi, tôi chân thành chúc mừng ngài được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga. Chiến thắng ấn tượng của ngài trong cuộc bầu cử vừa qua là một bằng chứng về sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga dành cho chính sách của ngài. Những chính sách đó nhằm vào sự phát triển toàn diện của nước Nga, vào cải cách và hiện đại hóa nước Nga cũng như thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế”. “Armenia và Nga được gắn kết bởi mối quan hệ đồng minh dựa trên tình hữu nghị của hai dân tộc anh em. Mối quan hệ này đã được thử thách qua thời gian” - Tổng thống Sargsyan nói thêm. Ông Sargsyan đã gửi lời mời ông Putin đến thăm Armenia. “Không nghi ngờ gì nữa, chuyến thăm của ngài sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Armenia vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu: “Chiến thắng thuyết phục này của ngài là bằng chứng sinh động về sự đánh giá của nhân dân Nga với hoạt động của ngài cũng như ý định của ngài trong việc xây dựng một nước Nga mạnh hơn và được tôn trọng hơn trên trường quốc tế”. "Tôi tin tưởng rằng, kinh nghiệm dồi dào trong các hoạt động nhà nước của ngài sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Nga-Belarus phát triển không ngừng vì lợi ích của nhân dân hai nước”, ông Lukashenko cho biết.
Dư luận cho rằng, trở lại điện Kremly lần này, tuy phải đương đầu với những thách thức trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của nước Nga cũng như vị thế của Nga trên trường quốc tế, nhưng hình ảnh một Putin mạnh mẽ, tràn đầy sức sống đã in đậm trong tâm trí bao người. Người dân Nga đang trông đợi, ông Putin cũng sẽ đem lại cho nền kinh tế Nga một sức sống mãnh liệt như thế.
Có thể nói, nếu niềm tin của cử tri Nga là bệ phóng để con tàu chinh phục không gian của ông V. Putin bay vào quỹ đạo của thế giới đang vận động và biến đổi, thì niềm tin của bạn bè truyền thống và sự cam kết hợp tác của các đối tác là đôi cánh nâng sức mạnh tiềm tàng của nước Nga trở lại vị trí siêu cường của mình. Tuy nhiên, trên con đường hướng tới tương lai, nước Nga dưới thời "Putin Đệ Tứ" còn phải đối mặt với…
...những thách thức không dễ vượt qua
Ngay sau khi công bố kết quả sơ bộ, những người ủng hộ Vladimir Putin đã tiến hành một cuộc mít tinh lớn trên Quảng trường Manezh tại Moscow đến hơn 100 nghìn người tham gia. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Vladimir Putin nói: “Các bạn thân mến! Trước hết, tôi muốn cảm ơn tất cả công dân Nga đã tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga trong ngày hôm nay, đặc biệt là cảm ơn những người ngày hôm nay đã có mặt ở đây, tại Moscow. Cám ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng tôi ở khắp nơi trong đất nước rộng lớn của chúng ta. Cám ơn tất cả những người đã nói: "Có!" với nước Nga vĩ đại. Có lần tôi đã hỏi các bạn: "Chúng ta sẽ giành chiến thắng chứ?" Chúng ta đã thắng! Chúng ta đã thắng trong cuộc thi đấu công khai và công bằng. Cuộc bầu cử này là phép đo sự trưởng thành chính trị và tính độc lập của nước Nga”.
Bằng những bài nói, bài viết trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ông Putin đã kích hoạt chủ nghĩa yêu nước và tinh thần Nga. Nền chính trị Nga lại có dịp thử thách bản lĩnh chính trị của Vladimir Putin.
Nhưng ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố đã nổ ra những cuộc biểu tình của phe đối lập cáo buộc gian lận trong bầu cử. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là phe đối lập chỉ là một đội quân không chính thức, vì chỉ gồm những đảng không thể kiếm được ghế trong Duma Quốc gia Nga. Các đảng chính trị có ghế trong Nghị viện như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do hay Đảng Nước Nga công bằng đều không có mặt trong dòng người biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Liên đoàn cử tri Nga cũng lên tiếng không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống này vì “không công bằng và gian lận”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, liên đoàn cử tri, chỉ mới được một số nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và các phương tiện truyền thông thành lập trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nên chắc chắn không có đủ độ chính xác để khẳng định như thế
Trở lại điện Kremlin một cách thuyết phục trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chìm ngập khó khăn bởi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và những bất ổn ở Trung Đông, ông Putin đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ.
Trước hết về kinh tế, cho dù nền kinh tế đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ để trở thành một nền kinh tế có ảnh hưởng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán năm 2012, kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là những vấn đề của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Chính sách khai thác dầu mỏ và khí đốt vốn rất thành công trong thời Putin bắt đầu để lộ những nhược điểm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt có thể khiến ngân sách của nước Nga trong năm 2012 gặp khó khăn bởi chính giá dầu lên xuống thất thường.. Năm ngoái, dầu mỏ và khí đốt chiếm gần 50% thu ngân sách và Nga đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Một thách thức khác là vấn nạn tham nhũng vẫn đang hoành hành ở Nga. Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2011 xếp Nga vào nhóm nước có nạn tham nhũng tồi tệ nhất. Những người chỉ trích nói ông Putin đã khởi đầu một chế độ quan liêu, ban nhiều quyền hành không được giám sát cho các quan chức nhà nước để đổi lấy sự trung thành, dẫn đến tình trạng trì trệ chính trị và tham nhũng tăng vọt.
Quan hệ lợi ích ở các khu vực mà Nga đã dày công gây dựng đang bị cái gọi là “cách mạng màu”, “mùa Xuân Ả rập” đe dọa. Những toan tính chiến lược của các đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng đang âm thầm tiến tới biên giới nước Nga; sự trỗi dậy của các thế lực cực đoan…đang đe dọa kiềm chế sự phát triển của nước Nga sau những biến cố chính trị không thể làm công dân số 1 nước Nga không tính đến. Có thể nói, đó là những thách thức tiềm năng buộc nước Nga phải luôn luôn giữ mình ở thế thượng phong mới có thể chế ngự những thách thách đó bằng uy tín quốc tế và nội lực của mình.
Những thách thức khác cũng đòi hỏi ông Putin phải nỗ lực vượt qua. Đó là những lời hứa trong quá trình vận động tranh cử. Về các vấn đề xã hội, ông Putin đã cam kết trước cử tri là sẽ tăng các khoản lương và thưởng cho nhân viên nhà nước và quân đội, nâng chi tiêu từ ngân sách lên mức 4,8 nghìn tỉ rúp (164 tỉ USD) tương đương 5% tổng sản lượng kinh tế, ở thời điểm năm 2008. Về đối ngoại, vấn đề lớn nhất với ông Putin có lẽ là sự khác biệt trong quan điểm với Mỹ và các nước phương Tây về một trật tự thế giới mới. Làn sóng can thiệp vũ trang hoặc đe dọa can thiệp vũ trang của Mỹ và các đồng minh ở nhiều nước vốn là đồng minh truyền thống của Nga cũng như kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ là những thử thách lớn nhất cho ông Putin.
Một thách thức cũng cần phải kể đến là, hiện tại, vị thế của nước Nga đối với các nước lân cận dường như đang bị chi phối bởi ngoại lực. Người ta có cảm giác, dù cố gắng, Nga vẫn chưa tạo dựng được một chính sách hiệu quả trong quan hệ với cộng đồng người Nga ở nước ngoài, đồng thời ảnh hưởng đối với một vài nước láng giềng dường như đang tụt dốc. Ngoài ra, sự nổi lên của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác, một mặt là cơ hội lớn với kinh tế Nga, nhưng cũng đồng thời là thách thức khi sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết./.