Năm 2012 có thể coi là năm nước Nga, dưới sự chèo lái của "bộ đôi quyền lực" Putin -Métvêđép (Putin – Medveded), đã gặt hái được không ít thành công, nhất là trong bối cảnh "cơn bão" khủng hoảng nợ công tiếp tục hoành hành tại nhiều nước châu Âu, tạo ra bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt trong xã hội và kinh tế toàn cầu phục hồi chậm với nguy cơ có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới.
Thành công trước tiên là cuộc hoán đổi vị trí quyền lực diễn ra êm thấm giữa bộ đôi Putin-Métvêđép. Ông Vlađimia Putin (Vladimir Putin), sau 4 năm trên cương vị thủ tướng, đã quay trở lại Điện Cremli bằng chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 4/3. Sự trở lại của chính trị gia lão luyện từng tạo được dấu ấn đậm nét với hai nhiệm kỳ tổng thống (2000 - 2008) khá thành công và việc ông đề cử người tiền nhiệm Đmitơri Métvêđép (Dmitry Medvedev) giữ chức thủ tướng đã phần nào giúp nước Nga duy trì được sự ổn định, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện những chính sách phát triển đất nước được đặt nền móng từ trước.
Trong bối cảnh chính phủ nhiều nước ở châu Âu đang phải gồng mình đối phó với "núi" nợ công không ngừng tăng, trong khi người dân liên tục xuống đường biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" thì những kết quả kinh tế của Nga năm 2012 có thể đánh giá là khá ấn tượng. Nhờ thực thi những chính sách đúng đắn và kịp thời, nền kinh tế Nga đã vượt qua được nhiều thử thách ngay cả khi chính thức bước vào "sân chơi" thương mại toàn cầu, trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga 10 tháng đầu năm tăng 3,7%, thặng dư thương mại đạt 164,6 tỷ USD và cả năm ước đạt 198,2 tỷ USD.
|
"Bộ đôi quyền lực" Putin – Medvedev. (Ảnh: Internet). |
Nga được đánh giá là một trong những nền kinh tế đang phát triển ổn định và thành công nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G-20). Riêng về mức độ ổn định tài chính, Nga giữ vị trí thứ hai, chỉ sau Arập Xêút, theo xếp hạng của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh). So với các nước khác, kinh tế Nga ít bị thiệt hại do khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và tiềm năng thị trường của nước này ngày càng được đánh giá cao nhờ nợ công thấp, dự trữ vàng và ngoại tệ lớn (hơn 527 tỷ USD). Nếu nhìn vào Khu vực đồng ơrô (Eurozone), hiện nợ nước ngoài trung bình là 90% GDP. Tình hình ở Mỹ cũng không khá hơn với số nợ chiếm 80% GDP. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của Nga cũng chỉ ở mức khoảng hơn 5%, thấp kỷ lục từ trước tới nay, trong khi các chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng khá ổn định, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt khoảng 4%. Giới phân tích cho rằng Nga đã tạo dựng được nền tảng tài chính ổn định để đề phòng nguy cơ xuất hiện đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.
Việc chính thức gia nhập WTO sau 18 năm thương lượng cũng có thể coi là một thành công lớn của Nga trong năm 2012 bởi nó sẽ giúp quốc gia này hiện đại hóa nền kinh tế. Về dài hạn, việc gia nhập WTO sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của Nga, tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt sẽ giúp Nga thực hiện mục tiêu lọt vào "Top 5" những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nga cũng sẽ được quyền tham gia hoạch định chính sách thương mại toàn cầu.
Năm 2012, “bộ đôi” Putin-Métvêđép không những duy trì được những chỉ số kinh tế vĩ mô khá ổn định, mà còn nỗ lực thực hiện tốt các cam kết nâng lương, giải quyết chế độ nhà ở,... cũng như nhiều chính sách xã hội được lòng dân khác, ngay cả trong bối cảnh ngân sách thất thu đáng kể do giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Để đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước cũng như tăng lòng tin của người dân đối với chính quyền, trong năm qua, giới lãnh đạo Nga đã đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Ủy ban điều tra tham nhũng của Nga đã thụ lý 20.697 vụ án hình sự liên quan tới tội tham nhũng, nhiều hơn 7.000 vụ so với năm ngoái. Hàng loạt quan chức cấp cao bị cách chức hoặc bị bắt vì tham nhũng, phần nào thể hiện quyết tâm của chính quyền Nga trong việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo các cấp.
Sự quyết liệt trong điều hành đất nước với mục tiêu tối thượng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã làm cho những người vốn phản đối mạnh mẽ ông Putin cũng phải “tâm phục khẩu phục”. Hoạt động của phe đối lập đã suy yếu đáng kể và rất nhiều thành viên quay sang ủng hộ chính quyền. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây, hơn một nửa số người từng tham gia các cuộc biểu tình hồi đầu năm phản đối ông Putin đã hoàn toàn thay đổi lập trường và coi ông là nhân tố đoàn kết quốc gia.
Về đối ngoại, Nga đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia trong không gian hậu Xôviết, thông qua khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh Hải quan, Cộng đồng kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể,... Bên cạnh đó, trong bối cạnh sức mạnh của thế giới đang dần dịch chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mátxcơva cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm nét trong chính sách “hướng Đông” của mình sau khi tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), khu vực chiếm đến 54% GDP toàn cầu và 40% tổng kim ngạch thương mại quốc tế. Quan hệ Nga - Mỹ cũng có chút cải thiện khi Mỹ ủng hộ thiết lập Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) nhằm chấm dứt các lệnh cấm vận từ thời Chiến tranh Lạnh đối với Nga, song lại có dấu hiệu dậy sóng khi Oasinhtơn gia tăng sức ép với Mátxcơva thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số nhân vật bị cho là "vi phạm nhân quyền" liên quan tới cái chết của luật sư người Nga Xécgây Manítxki (Sergei Magnitsky). Vì thế, để Nga và Mỹ thực sự thu hẹp được bất đồng, đòi hỏi hai bên phải có những nỗ lực lớn.
Có thể nói những thành công trên cho thấy nước Nga, bằng nội lực của mình, về cơ bản đã vượt qua được những bất ổn và khó khăn trong năm 2012. Người dân Nga đón Năm mới với hy vọng rằng Chiến lược phát triển toàn diện đất nước mà Tổng thống Putin nêu ra trong thông điệp liên bang lần đầu tiên kể từ khi quay trở lại Điện Cremli sẽ nhanh chóng được đưa vào cuộc sống để sự nghiệp chấn hưng nước Nga tiếp tục gặt hái được nhiều thành công cho dù tình hình kinh tế thế giới trong năm tới được dự báo sẽ vẫn rất ảm đạm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh./.