Nước Nga tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào APEC

Thứ sáu, 07/09/2012 16:42

(ĐCSVN) Ngày 8-9/9, các phiên họp chính thức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Vladivostok của Nga. Đây không chỉ được xem là dịp để các nhà lãnh đạo APEC cùng ngồi lại và chia sẻ những quan điểm về tương lai trong khu vực, mà còn là cơ hội để nước Nga nâng cao vị thế trước tình hình mới.

 

 Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 20 được tổ chức tại thành phố Vladivostok của Nga
từ ngày 2-9/9 (Ảnh: Ria Novosti)


Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và cơn bão nợ công ở châu Âu, gây tác động mạnh đến đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Hội nghị thượng đỉnh ở Vladivostok được giới chuyên gia đón nhận với sự tin tưởng mạnh mẽ là sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng bền vững.

Bốn năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (2008), tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn ở mức khiêm tốn. Thậm chí cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng để lại những “cú sốc” nhất định đối với cả các nước phát triển và mới nổi. Chính vì thế, Hội nghị APEC lần này được xem là một cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách có thể bàn bạc về cách thức khôi phục tăng trưởng và thịnh vượng cho nền kinh tế trong khối nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Hiện nay, nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ cũng đang lao đao do tỷ lệ thất nghiệp ngày càng có xu hướng tăng, thị trường nhà ở ảm đạm. Trong khi đó, tình trạng kinh tế khó khăn tại một khu vực kinh tế hùng mạnh trên thế giới là châu Âu hiện cũng đang lan rộng với tốc độ chóng mặt. Mức độ lan tỏa của cơn bão nợ công tại châu Âu trải dài từ Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha…và hiện một số nền kinh tế lớn khác trong khu vực gồm Đức và Pháp cũng đang chật vật để thoát khỏi những mối đe dọa suy thoái. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok lần này là vạch ra những chiến lược và chính sách cụ thể để khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong bối cảnh bức tranh tổng quan về nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều mảng tối.

Kể từ khi được thành lập năm 1989 cho tới nay, APEC đã có nhiều đóng góp vào việc giảm thiểu những rào cản về thương mại và kinh tế trong phạm vi toàn khu vực. Với quy mô 21 nền kinh tế thành viên với 2,7 tỷ dân sinh sống, song vị trí của APEC lại không hề khiêm tốn khi đại diện cho 53% GDP thực tế và chiếm tới 44% thương mại toàn thế giới.

Với vai trò là chủ tịch luân phiên và nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2012, Nga đã đưa ra đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu cho Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay đó là: Thúc đẩy hội nhập khu vực, hình thành nên một chuỗi cung ứng đáng tin cậy, tăng cường an ninh lương thực và hợp tác để thúc đẩy sáng tạo. Trên thực tế, đây không chỉ là những mối quan tâm chiến lược của Nga mà còn là một mục tiêu chung của các nền kinh tế khác trong APEC.

Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012 là “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”. Tuy đây không phải là một tuyên bố mang tính ràng buộc song lại được xem là kim chỉ nam trong hành động của các nước thành viên để cùng hướng tới việc tăng cường hợp tác trong khu vực.

Một trong những vấn đề gai góc trong Hội nghị APEC 2012 là cân bằng được lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên vốn đang có một khoảng cách lớn về phát triển và nhu cầu. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã kêu gọi APEC cần thúc đẩy tăng trưởng chung và tạo ra những cơ sở bình đẳng cho tất cả các nền kinh tế thành viên.

Đây là lần đầu tiên Nga đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC kể từ sau khi gia nhập vào năm 1998 và đúng vào thời điểm nước này vừa chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều đó sẽ giúp Moscow có thể thảo luận cởi mở hơn về những nguyên tắc thương mại toàn cầu – một vấn đề mà trong nhiều năm qua luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nước thành viên APEC.

Kể từ thời điểm tiếp nhận cương vị chủ tịch luân phiên của APEC ngày 1/1/2012, Nga đã tổ chức hơn 100 sự kiện giữa các nước thành viên, từ các Hội thảo cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp Ủy ban và Nhóm làm việc cho tới các Hội nghị và phiên thảo luận. Cho đến nay, đã có hơn 50 đề xuất và sáng kiến của Nga được hoàn tất hoặc đang có hiệu lực.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thành công khi đưa địa điểm tổ chức hội nghị APEC lần này về thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông, chứ không phải ở Moscow hay Saint Petersburg, cho thấy Kremlin kỳ vọng chất lượng cuộc sống ở các khu vực biên giới phía đông của Nga sẽ được cải thiện và đây cũng được xem là điểm kết nối giữa châu Á-Thái Bình Dương và Nga.

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal Asia trước thềm diễn ra Hội nghị APEC, Tổng thống Nga Vladimir Putin viết: “Nga từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của khu vực châu Á – Thái Bình Dương…Chúng tôi xem khu vực năng động này là một yếu tố quan trọng hàng đầu để tiến tới một tương lai thành công cho nước Nga, cũng như phát triển vùng viễn Đông và khu vực Siberia…Chúng tôi kêu gọi những vòng đối thoại tại Vladivostok tập trung vào tự do dòng chảy thương mại và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dựa trên thực tế mới rằng Nga vừa gia nhập WTO…Một thách thức lớn của Nga và tất cả các nền kinh tế APEC khác là làm sao để duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng ổn định…”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cũng nhận định rằng, ông Putin sẽ thông qua sự kiện đang diễn ra tại Vladivostok để củng cố vị trí của Nga trong khu vực, dựa trên tinh thần bản kế hoạch Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và thỏa thuận tự do thương mại trong khu vực Thái Bình Dương.

Hôm nay (7/9), Tổng thống Nga V. Putin bắt đầu tham gia chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh APEC với bài diễn văn đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương trước khi ông tham gia vào một loạt các buổi gặp gỡ song phương với các nhà lãnh đạo hàng đầu của các nước thành viên APEC.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thông qua một tuyên bố chung trong phiên bế mạc Hội nghị ngày 9/9./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực