Ổn định giá lương thực và sản xuất nông nghiệp thế giới đòi hỏi sự điều phối chính sách giữa các nước

Thứ tư, 04/05/2011 21:39

(ĐCSVN) - Mới đây, Tổng Giám đốc Cơ quan đánh giá độc lập, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Vi-nốt Tô-mát chỉ rõ, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính – kinh tế và vấn đề lương thực là ba thách thức lớn có thể làm cho sự phát triển bền vững của toàn cầu bị “trật bánh”, trong đó thách thức thứ ba có liên quan trực tiếp với giá lương thực gia tăng và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay giá lương thực trên thế giới vẫn tăng mạnh, tuy giá gạo - một trong những loại lương thực chủ yếu tương đối ổn định, nhưng cũng đứng trước áp lực tăng giá.
 

 

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Số liệu mới nhất của Viện nghiên cứu lúa nước quốc tế Phi-líp-pin cho thấy, từ giữa năm ngoái đến nay, giá gạo quốc tế chỉ tăng 17%, trong khi giá các loại cây trồng nông nghiệp khác lại tăng 50-150%. Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ giá lương thực không xuất hiện khủng hoảng như năm 2008, một trong những nguyên nhân chính là do mức tăng của giá gạo không lớn, lượng cung ứng có phần gia tăng.

Ba nước Thái Lan, Việt Nam và Mỹ năm ngoái đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (Thái Lan 9 triệu tấn, Việt Nam 6,7 triệu tấn và Mỹ 5,5 triệu tấn). Theo một số nguồn số liệu, xuất khẩu gạo quý I năm nay của Thái Lan và Việt Nam đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xuất khẩu cả năm đều sẽ có phần tăng so với năm ngoái. Theo dự báo, nếu không xuất hiện thời tiết xấu, sản lượng gạo năm nay của các nước Cam-pu-chia, Ấn Độ và Băng-la-đét cũng sẽ có phần tăng. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo có chiều hướng tốt chưa hẳn sẽ làm cho giá gạo ổn định, áp lực tăng giá gạo vẫn đang không ngừng gia tăng. Giá xuất khẩu gạo tấm của Việt Nam tuần trước đã tăng 2,3%, chủ yếu là do giá thành gia tăng và lượng cung ứng trong nước giảm.

Để bảo vệ lợi ích của nông dân nước mình, các nước Thái Lan, Ấn Độ và Băng-la-đét đều đã áp dụng chính sách ổn định giá thu mua cũng như trợ cấp về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp không ngừng gia tăng cũng khiến cho ngân sách các nước đứng trước áp lực lớn. Báo chí Thái Lan đưa tin, Chính phủ nước này đang xem xét áp dụng biện pháp nâng cao năng suất và chất lượng, tức giảm vụ sản xuất từ ba xuống hai vụ, thậm chí tiến hành luân canh, một năm chỉ gieo trồng một vụ lúa nước để giảm nhẹ gánh nặng tài chính. Theo các nhà phân tích, lượng cung ứng gạo của Thái Lan một khi giảm bớt sẽ làm cho giá gạo và các loại lương thực khác gia tăng.

Theo kết quả thăm dò mới đây ở một số nước Châu Á hiện tượng giới trẻ ở nông thôn không muốn làm ruộng cũng khá phổ biến. Có chuyên gia cho biết: "Nông dân ở các nước Châu Á đang già hoá, trong khi giới trẻ đều không muốn làm ruộng. Vấn đề này sẽ cực kỳ nghiêm trọng sau 10 - 15 năm tới".

Gạo là lương thực chủ yếu nhất của các nước đang phát triển trên toàn cầu, đặc biệt là các nước nghèo. Lượng gạo đưa ra giao dịch trên thị trường lương thực toàn cầu hiện nay chưa tới 5% tổng sản lượng của thế giới, hơn thế nữa các nước lớn về sản xuất lúa gạo lại phần lớn đều ở Châu Á. Các nhà phân tích cho rằng, có ổn định được giá gạo thế giới hay không là quyết định ở sự điều phối chính sách giữa các nước này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực