(ĐCSVN) – Tình hình bất ổn tại Syria tiếp tục được hâm nóng và trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận sau vụ thảm sát kinh hoàng tại làng Houla hồi cuối tuần trước, khiến hơn 100 thường dân thiệt mạng. Tương lai của Syria vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, khi mà quốc gia này vẫn chìm trong các cuộc giao tranh và những mâu thuẫn, tranh cãi kéo dài giữa các phe phái.
|
Tương lai Syria vẫn còn nhiều bất ổn (Ảnh: AFP) |
Cách đây không lâu, ngày 4/5, một phát ngôn viên của Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập (AL) Kofi Annan khẳng định, tiến trình hòa bình tại Syria đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó cho tới nay, các cuộc đối thoại hòa bình giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy tại Syria vẫn chưa được khởi động và các vụ bạo lực, tình trạng vi phạm bản kế hoạch hòa bình ngày càng có xu hướng leo thang. Cả phía quân đội và phe nổi dậy Syria đều cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực. Trước bối cảnh trên, nhiều nhà quan sát đã bắt đầu lo ngại về kịch bản rằng, những kế hoạch của ông Annan nhằm đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài suốt 15 tháng qua tại Syria sẽ bị “phá hủy” trước khi chính thức phát huy hiệu lực.
Theo nhận định của giới phân tích, hiện bản kế hoạch hòa bình sáu điểm do ông Annan đề xuất được xem là một phương án tối ưu và duy nhất để có thể mang lại một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc đã mở ra “một cơ hội hòa giải dân tộc” cho người dân Syria. Chính vì thế, cả lực lượng chính phủ và phe đối lập tại quốc gia này cần tôn trọng lệnh ngừng bắn, cũng như tỏ rõ thiện chí về chính trị để cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà cả lực lượng nổi dậy và phe chính phủ Syria vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng chưa được giải quyết, thì cả hai sẽ rất khó để có thể biến những lời kêu gọi của ông Annan thành một thỏa thuận ngừng bắn khả thi và sau đó là một giải pháp chính trị cụ thể cho tình hình Syria vì những lý do sau:
Thứ nhất, mục tiêu của phe nổi dậy và chính phủ Syria về mặt cơ bản là không thể thoả hiệp và điều đó đã đẩy cả hai lực lượng này lâm vào một cuộc đối đầu mang tính chất sống còn. Tổng thống Bashar al-Assad đã nhiều lần khẳng định quyết tâm sẽ không bao giờ dễ dàng từ bỏ quyền lực. Trên thực tế, ông Assad hiện vẫn đang nắm giữ quyền lực về mặt quân sự tại Syria và sẽ không tỏ ra thỏa hiệp và không lùi bước trước các nỗ lực lật đổ của phe nổi dậy.
Trong khi đó, phe nổi dậy tại Syria, cho dù thực tế cho thấy, họ không đủ khả năng và sức mạnh quân sự để lật đổ ông Assad, song lực lượng này vẫn nhiều lần từ chối thỏa hiệp và vẫn tiếp tục theo đuổi các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, cả lực lượng nổi dậy và chính quyền Damascus đều đang áp dụng chiến thuật kép trước những diễn biến hiện nay tại Syria. Một mặt, họ tuyên bố sẵn sàng chấp nhận tham gia đàm phán (theo như lời kêu gọi được nêu lên trong bản kế hoạch của ông Annan), mặt khác, họ vẫn tích cực chuẩn bị và sẵn sàng lực lượng cho các cuộc đụng độ vào bất kỳ lúc nào. Xét về mặt lý thuyết, phe đối lập tại Syria đã chấp thuận chương trình hòa giải của ông Annan. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ tỏ ra “thỏa mãn” trước những điều khoản được nêu lên trong bản kế hoạch này, bởi nó không đề cập tới một vấn đề cơ bản là kêu gọi ông Assad từ chức. Chính vì thế, mặc dù đã được chấp thuận, song bản kế hoạch hòa bình của ông Annan chưa bao giờ được thực hiện một cách trọn vẹn. Cho tới nay, các lực lượng tại Syria vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán. Phe nổi dậy tuyên bố họ sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu lật đổ ông Assad. Trong khi đó, Tổng thống tại vị của Syria tuyên bố không bao giờ từ bỏ quyền lực và vòng tròn bạo lực luẩn quẩn tại quốc gia này vẫn đang tiếp diễn.
Xem ra, những nỗ lực nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Syria của bản thân ông Annan và cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Thứ ba, bản kế hoạch hòa bình của ông Annan không đề cập tới những điều kiện cơ bản để phe nổi dậy và lực lượng chính phủ Syria tiến hành đàm phán. Trong khi những thành viên của phe nổi dậy hiện đang đóng tại Syria đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng khởi động đàm phán với chính phủ mà không đi kèm theo các điều kiện tiên quyết, thì những thành viên khác (của phe nổi dậy) tại nước ngoài lại không cùng chia sẻ quan điểm này. Chính bởi vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một đại diện phù hợp nào từ phe nổi dậy nhận trách nhiệm đối thoại với chính phủ.
Trong khi đó, những bất đồng về lợi ích cũng được xem là một cản trở lớn để lực lượng nổi dậy và chính phủ Syria ngồi vào bản đối thoại. Trong khi chính quyền Damascus quyết tâm duy trì quyền lực và thực hiện tiến trình cải cách thì phe nổi dậy lại bác bỏ các nỗ lực này và muốn hướng tình hình Syria đi theo mô hình của Libya để có thể trở thành lực lượng lãnh đạo tại Syria.
Thứ tư, sau nhiều nỗ lực bất thành nhằm lật đổ chính quyền ông Assad, phương Tây và một số nước Ả rập đã quay sang để hỗ trợ phe nổi dậy tại Syria. Một mặt, các nước này bày tỏ thái độ ủng hộ bản kế hoạch hòa bình của ông Annan, song mặt khác, họ lại hỗ trợ phe nổi dậy tại Syria dưới hình thức “viện trợ các thiết bị phi quân sự”. Các nước này thừa hiểu rằng, bản kế hoạch hòa bình của ông Annan sẽ không thể trở thành hiện thực và tình hình tại Syria vẫn sẽ tiếp tục bất ổn nếu chừng nào các cuộc đụng độ giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ vẫn được “tiếp thêm lửa”. Điều đó cho thấy, phương Tây vẫn chưa từ bỏ ý định để lật đổ ông Assad. Ngày 27/4, Mỹ khuyến cáo, nếu như Syria thất bại trong việc hoàn tất bản kế hoạch hòa bình của ông Annan thì chính quyền Washington sẽ một lần nữa, đưa vấn đề Syria ra thảo luận trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thậm chí ngày 30/5, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice lại cảnh báo kịch bản xấu nhất rằng, nếu kế hoạch hòa bình của ông Annan thất bại thì tình trạng bạo lực tại Syria sẽ leo thang và lan ra toàn khu vực. Chính vì thế, nếu Hội đồng Bảo an không kịp thời gia tăng sức ép lên Syria, Mỹ và đồng minh có thể cân nhắc "hành động" được ủy quyền từ bên ngoài Liên hợp quốc. Trong khi đó, một nước đồng minh của Mỹ là Anh cũng vừa tuyên bố, chính quyền London sẽ tăng cường viện trợ cho phe nổi dậy nếu như chính phủ Syria không tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận ngừng bắn. Xét về mối tương quan lực lượng hiện nay cho thấy, không có sự ủng hộ hay can thiệp quân sự từ phía bên ngoài, phe nổi dậy tại Syria sẽ không thể có đủ sức mạnh để lật đổ chính quyền của ông Assad.
Hiện nay, không phải tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều ủng hộ phương án can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, quan điểm “mang tính bảo vệ” của một số nước, điển hình là Nga và Trung Quốc sẽ chỉ phát huy tác dụng trong một chừng mực nhất định và không thể trở thành yếu tố quyết định để giải quyết vấn đề nan giải tại quốc gia này. Bởi trước hết, đây là vấn đề của người dân Syria và cần người dân Syria quyết định. Chừng nào, phe nổi dậy và lực lượng tại Syria còn chưa tìm được tiếng nói chung vì các mục tiêu hòa giải dân tộc và chừng nào, phương Tây còn chưa từ bỏ những toan tính của mình thì chừng đó, tương lai của Syria vẫn còn bất ổn và những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế xem ra cũng chỉ là “muối bỏ bể”./.