(ĐCSVN) – Là một trong những quốc gia kém phát triển ở khu vực châu Á, Pakistan lại phải hứng chịu nhiều điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và những bất ổn về tình hình an ninh. Các thảm họa tự nhiên liên tiếp hoành hành, bạo lực đẫm máu gia tăng... đã khiến cuộc sống của người dân đất nước này phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Nỗi ám ảnh từ những cuộc tấn công đẫm máu
Bom nổ và rất nhiều người chết, bị thương là những điều mà nhiều người dân Pakistan chứng kiến. Khó để có một thống kê đầy đủ về số thương vong sau những vụ tấn công bằng bom này trong thời gian qua. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh, sự sợ hãi thì luôn hiện hữu trong tâm trí người dân.
|
Hiện trường vụ đánh bom tại thành phố Peshawar (Pakistan) ngày 29/9. (Ảnh: Xinhua) |
Mới đây, ngày 29/9, truyền thông Pakistan cho biết, có ít nhất 43 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi một quả bom phát nổ trong một khu chợ ở thành phố Peshawar. Trong số những người thiệt mạng, có 6 trẻ em và 2 phụ nữ, thêm vào đó còn có 18 thành viên của một gia đình – họ cùng tham gia một lễ cưới.
Vụ đánh bom đẫm máu xảy ra vào khoảng 10 giờ 50 phút tại Qissa Khawani Bazar, một trong những khu chợ bận rộn nhất ở Peshawar, nằm gần một đồn cảnh sát. Bom đã được cài sẵn trong một chiếc xe ô tô đỗ ở khu chợ. Ước tính có khoảng 200 – 225 kg thuốc nổ đã được sử dụng trong vụ việc nói trên.
Vụ đánh bom đã làm cháy các cửa hàng trong khu chợ và phá hủy 3 khu vực họp chợ ngoài trời. Nhiều phương tiện như: xe kéo, xe máy ở lân cận đó cũng bị phá hỏng. Vụ nổ ngày 29/9 là vụ tấn công khủng bố thứ ba tại thành phố này trong tuần qua.
Trước đó, vào ngày 22/9, một vụ đánh bom kép đã tấn công nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Peshawar, làm 80 người thiệt mạng, gây ra một cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Ngày 27/9, một chiếc xe buýt chở các nhân viên chính quyền địa phương đã phát nổ bởi một quả bom được đặt bên trong xe làm ít nhất 19 người thiệt mạng.
Một vài vụ việc trên đây chỉ là những lát cắt về bối cảnh bạo lực và những bất ổn về an ninh mà quốc gia Nam Á này đang phải trải qua. Đó sẽ luôn là nỗi ám ảnh mong sớm được giải tỏa của hàng triệu người dân Pakistan.
Động đất gây nhiều thiệt hại
Một tuần sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter kèm theo nhiều dư chấn ở tỉnh Balochistan, tây nam Pakistan, số người thiệt mạng đã lên tới 476 người và 425 người khác bị thương. Đây là số liệu mới nhất tính đến hết ngày 30/9.
|
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngày 24/9 đã làm ít nhất 476 người dân Pakistan thiệt mạng. (Ảnh: NBC news) |
Trong một buổi họp báo ngày 30/9, Thiếu tướng Asim Saleem Bajwa cho biết, trận động đất hôm 24/9 đã phá hủy 20.000 ngôi nhà và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 100.000 người dân ở tỉnh Balochistan.
Trên 2000 binh sỹ của quân đội, trong đó bao gồm cả đội ngũ bác sỹ và lính cứu thương đã tham gia vào công tác cứu hộ ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, bất chấp những thách thức về vấn đề an ninh. Thiếu tướng Bajwa cho biết, có 6 cuộc tấn công đã nhằm vào lực lượng binh sỹ khi họ đang thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn tại tỉnh Balochistan. Tuy nhiên, các binh sỹ thuộc lực lượng quân đội Pakistan sẽ vẫn ở lại các khu vực bị ảnh hưởng cho tới khi công tác cứu hộ hoàn tất.
Quân đội Pakistan cũng đã phân phát 5.500 chiếc lều và 207 tấn lương thực tới những người dân bị ảnh hưởng.
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại tỉnh Balochistan và 4 ngày sau đó, một trận động đất khác mạnh 7,2 độ richter cũng tấn công khu vực này vào ngày 28/9.
Trong số các khu vực bị động đất, huyện Awaran nằm ở phía nam của tỉnh Balochistan là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Awaran ở vị trí cách thủ phủ Quetta của tỉnh Balochistan khoảng 645 km, với dân số khoảng 300.000 người. Đây là một trong những quận kém phát triển nhất ở Pakistan – nơi mà hệ thống chăm sóc y tế, thuốc men và các cơ sở vật chất khác đều rất thiếu thốn. Theo Cơ quan Quản lý thảm họa tỉnh Balochistan, có đến 95% nhà cửa tại quận Awaran đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa Quốc gia Pakistan, sau khi trận động đất có cường độ 7,7 độ richter xảy ra vào chiều 24/9, đã xuất hiện thêm 5 dư chấn, một trong số đó mạnh tới 5,9 độ richter. Các rung chấn lớn và dư chấn kéo dài từ 20 đến 40 phút cũng đã làm rung chuyển tỉnh Sindh và Punjab, gây hoang mang cho người dân, song không gây thiệt hại về người hay tài sản tại đây.
Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã bày tỏ nỗi đau buồn trước thảm họa tự nhiên này và đã chỉ đạo chính quyền địa phương cung cấp các điều kiện tốt nhất có thể cho người dân bị ảnh hưởng.
Trận động đất ngày 24/9 mạnh đến nỗi đã làm đáy biển trồi lên và tạo ra một hòn đảo nhỏ cách bờ biển Gwadar của Pakistan ở Biển Arập 600 mét. Theo thông tin đăng tải trên Reuters, những hình ảnh trên truyền hình cho thấy, phần địa hình núi đá nổi lên trên mặt nước biển và rất nhiều người dân đã ngỡ ngàng đứng xem hiện tượng hiếm có này. Tuy nhiên, theo nhận định "hòn đảo" mới trồi lên này là một cấu trúc địa lý không ổn định, nó có thể mất đi nếu có những chuyển động của vỏ trái đất.
Pakistan nằm trong một trong những khu vực phải chịu nhiều động đất nhất thế giới. Vì vậy, nước này phải hứng chịu rất nhiều trận động đất nghiêm trọng. Trận động đất tồi tệ gần đây nhất là năm 2005 với cường độ 7,6 độ richter làm hơn 100.000 người thiệt mạng và 138.000 người bị thương.
Lũ lụt hoành hành
Công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trong tháng 8 vừa qua tại Pakistan vẫn còn nhiều việc phải làm. Mưa lớn gây ra lũ lụt kéo dài trong suốt 3 tuần trên khắp đất nước Pakistan khiến hàng trăm người thương vong và khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề.
|
Mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người dân Pakistan trong mùa mưa năm nay. (Ảnh: Washington Post) |
Tính đến nay, mưa lũ đã làm khoảng 21.000 ngôi nhà bị hư hại, hàng triệu mẫu đất nông nghiệp bị ngập trong nước lũ.
Theo các số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan (NDMA), lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 207 người dân nước này, làm 1.122 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng vì lũ lụt, có 71 trường hợp được báo cáo ở Punjab, 24 trường hợp ở Khyber Pakhtunkhwa, 47 trường hợp ở Sindh, 18 trường hợp ở Balochistan, 15 trường hợp ở khu vực bộ lạc FATA và 32 trường hợp ở Azad Kashmir.
Trong vòng 3 năm trở lại đây Pakistan đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2010, Pakistan bị một trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử càn quét khiến 1.800 người thiệt mạng và 21 triệu người khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Mùa mưa ở Pakistan thường bắt đầu từ tháng 6 và sẽ kết thúc vào tuần đầu tiên của tháng 9. Trong suốt giai đoạn này, cả nước thường có mưa lớn gây lũ lụt tại những khu vực khác nhau. Năm 2010, Pakistan đã ghi nhận đợt lũ lụt lịch sử. Lũ lụt đã làm ngập 20% diện tích đất trên khắp cả nước, cướp đi sinh mạng của 1.540 người và làm 2.088 người khác bị thương. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, có 557.226 ngôi nhà đã bị phá hủy, trên 6 triệu người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Có thể nói, những thách thức liên tiếp trong thời gian qua đã khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Pakistan gặp không ít khó khăn. Sự chung tay giúp sức của cộng đồng quốc tế cùng với những nỗ lực của chính phủ Pakistan là điều cần thiết để giúp người dân quốc gia Nam Á này vượt qua khó khăn./.