Pa-ki-xtan lại chặn đường tiếp lương của NATO

Thứ hai, 28/11/2011 16:56

Chính quyền Pa-ki-xtan ngày 26-11, đã phong tỏa con đường tiếp tế hậu cần có tính sống còn cho các lực lượng NATO đang chiến đấu ở Áp-ga-ni-xtan. Đây được coi là hành động trả đũa của Pa-ki-xtan sau khi các trực thăng NATO vi phạm không phận và tấn công một chốt kiểm soát quân sự của Pa-ki-xtan, làm ít nhất 28 binh sĩ Pa-ki-xtan thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Mối quan hệ giữa Pa-ki-xtan và NATO vốn vẫn không mấy thuận thảo, nay càng tồi tệ hơn bao giờ hết.

Giới chức tình báo Pa-ki-xtan cho biết, rạng sáng 26-11 các trực thăng của NATO từ Áp-ga-ni-xtan đã thâm nhập vào khu vực Bai-dai của bộ tộc Mô-man ở phía Đông Bắc Pa-ki-xtan, nơi các binh sĩ Pa-ki-xtan đang chiến đấu chống lại lực lượng Ta-li-ban. Các trực thăng của NATO đã xả súng bừa bãi vào chốt kiểm soát quân sự của Pa-ki-xtan tại khu vực trên trong khi không hề bị khiêu khích. Con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng do công tác tìm kiếm bị hạn chế vì địa hình khu vực hiểm trở.

Đoàn xe vận tải của NATO bị Pa-ki-xtan chặn lại. Ảnh: AFP


Chính phủ Pa-ki-xtan coi hành động trên của NATO là vi phạm trắng trợn chủ quyền của I-xla-ma-bát. Pa-ki-xtan đã gửi kháng nghị với “những ngôn từ mạnh mẽ nhất” đến NATO và Mỹ về vụ việc. Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan thông báo: “Thủ tướng Y.Gi-la-ni (Y.Gilani) cực lực lên án vụ tấn công trạm kiểm soát Pa-ki-xtan của NATO/ISAF”. Theo truyền hình nhà nước Pa-ki-xtan, ông Gi-la-ni đã cắt ngắn chuyến thăm thị trấn quê hương và trở về I-xla-ma-bát tham dự cuộc họp xử lý khủng hoảng với Tổng thống Da-đa-ri (Zardari) và Tổng tham mưu trưởng quân đội Kay-a-ni (Kayani).

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất của NATO vào Pa-ki-xtan. Vụ việc là một đòn giáng mạnh vào các mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Pa-ki-xtan và các lực lượng do Mỹ dẫn đầu chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan, đồng thời có nguy cơ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Pa-ki-xtan, vốn đã xấu đi trầm trọng từ khi các biệt kích Mỹ thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen (Bin Laden) trong lãnh thổ Pa-ki-xtan hồi tháng 5.

Chính quyền Pa-ki-xtan đã phong tỏa đường tiếp tế hậu cần hết sức quan trọng cho binh sĩ NATO đang chiến đấu ở Áp-ga-ni-xtan. Theo báo chí địa phương, I-xla-ma-bát đã quyết định đóng cửa con đường phía bắc kéo dài từ khu vực Khi-bơ đến đồn biên phòng Toóc-kham. Đó là con đường thuận tiện nhất trong số hai con đường cung cấp hậu cần cho quân NATO ở Áp-ga-ni-xtan đi qua lãnh thổ Pa-ki-xtan. Hơn 70% hàng hóa được gửi cho quân NATO ở Áp-ga-ni-xtan đi qua Pa-ki-xtan. Ông Mu-ta-hia Hút-xen (Mutahir Hussain), một quan chức cấp cao tại khu vực bộ tộc Khi-bơ của Pa-ki-xtan cho biết: "Chúng tôi đã chặn đường cung cấp hậu cần cho NATO sau khi nhận được chỉ đạo từ chính phủ trung ương. Các xe tải chở hàng hóa sẽ phải quay trở lại thành phố Pê-sa-oa". Ước tính khoảng 40 xe tải và xe bồn chở nhiên liệu đã buộc phải từ cửa khẩu Giam-rút quay trở lại vì lệnh phong tỏa con đường này.

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay trực thăng của NATO tấn công binh lính Pa-ki-xtan. Ngày 30-9, trực thăng NATO cũng đã từng không kích vào một đồn biên phòng của Pa-ki-xtan, làm hai người chết và 4 người khác bị thương. Ngoài ra, NATO cũng nhiều lần giết nhầm các dân thường Pa-ki-xtan. Tháng 10 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pa-ki-xtan Kay-a-ni đã cảnh báo Mỹ và NATO nên suy nghĩ "10 lần" trước khi đưa ra các hành động đơn phương tại khu vực gần biên giới với Áp-ga-ni-xtan của Pa-ki-xtan. Phản ứng về vụ tấn công mới nhất, ông Ma-xút Ca-xơ (Masood Kasur), tỉnh trưởng tỉnh Khi-bơ cho biết: "Đây là một cuộc tấn công vào chủ quyền lãnh thổ Pa-ki-xtan. Những cuộc tấn công như thế không thể được dung thứ thêm một lần nào nữa. Chính phủ sẽ đưa vấn đề này lên cấp cao nhất và nó sẽ được điều tra đầy đủ”.

Một người phát ngôn của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO đứng đầu (ISAF) tại Ca-bun thừa nhận, vụ tấn công trên là "một sự cố" và đang thu thập thêm thông tin. Chỉ huy ISAF, Tướng Giôn A-len (John Allen) đã cam kết điều tra thấu đáo vụ việc và gửi lời chia buồn về cái chết của những binh sĩ Pa-ki-xtan. Vụ việc xảy ra sau hơn một năm khi trực thăng Mỹ đã bắn chết hai lính Pa-ki-xtan ở gần biên giới Áp-ga-ni-xtan vì phi công tưởng nhầm họ là quân nổi dậy. Pa-ki-xtan đã phản ứng lại điều này bằng cách đóng cửa đường biên giới Toóc-kham trong 10 ngày cho tới khi Mỹ đưa ra lời xin lỗi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực