(ĐCSVN) - Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 37 năm 2003, lần đầu tiên, In-đô nê-xi-a đã đưa ra ý tưởng “cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN” (ASC). Tiếp đó (11.2004), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Viêng - chăn (Lào) đã thông qua Cương lĩnh hành động của Cộng đồng an ninh ASEAN. Năm 2009, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 đã thông qua “Kế hoạch xây dựng ASC”.
Từ đó, mục tiêu phát triển và quy định cụ thể của ASC là đến năm 2015, khối này được thành lập và cần phải thực hiện 3 mục tiêu sau: Một là, xây dựng một khối thống nhất lấy cơ chế pháp lý làm nền tảng. Hai là, thành lập một khu vực đoàn kết, hòa bình, ổn định và dựa vào nhau, gánh vác trách nhiệm chung về vấn đề an ninh phức tạp của khu vực. Ba là, thành lập một khu vực linh hoạt, mở cửa, tăng cường liên kết với thế giới. Trong quá trình này, việc xây dựng ASC sẽ đứng trước rất nhiều vấn đề và thách thức, vì thế nó sẽ được phát triển theo một phương thức đặc biệt.
Thứ nhất, việc xây dựng ASC đòi hỏi dễ trước khó sau, tuần tự từng bước dần dần xây dựng một khung an ninh đa tầng. “Hiến chương ASEAN” quy định mục tiêu chủ yếu của ASC là giữ vững hòa bình và ổn định khu vực cũng như tình hình chính trị của các nước. Do các nước ASEAN đứng trước mối đe dọa tình hình an ninh khác nhau, nhân tố bất ổn định mà các nước đang phải đối mặt cũng khác nhau, chiến lược an ninh và trọng điểm phòng thủ an ninh cũng như nhận thức đối với tình hình an ninh khu vực của các nước vì thế cũng khác nhau. Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn, việc xây dựng ASC sẽ rất khó thực hiện, chỉ có thể thực hiện được mục tiêu an ninh khác nhau theo mức độ từ thấp đến cao trong các giai đoạn khác nhau.
Thứ hai, hợp tác an ninh và quân sự là nội dung quan trọng của kế hoạch xây dựng ASC, nhưng phương thức phát triển ASC không thể là liên minh quân sự, bởi vì: (1) Sức ảnh hưởng chính trị, thực lực kinh tế và khả năng quân sự của các thành viên ASEAN không đủ để xây dựng liên minh. (2) Trước khi xây dựng liên minh, giữa các nước vẫn chưa có sự hiểu biết và tin cậy đầy đủ, cơ chế hợp tác an ninh kiểu mới này có thể sẽ dừng lại ở mức độ đối thoại, hiệp thương trong khoảng thời gian tương đối dài, khó có thể đạt được tiến triển mang tính thực chất. (3) Quan niệm hợp tác an ninh đa phương và một loạt văn kiện, tuyên ngôn của ASEAN đã quyết định thuộc tính phi liên minh quân sự của các nước này. (4) Trong các hành động và quy định, khác với hợp tác an ninh đa phương châu Âu là nhấn mạnh tự vệ tập thể và cơ chế hóa, ASC nhấn mạnh nhiều đến trật tự quyết sách lấy hợp tác an ninh và hiệp thương, nhận thức chung làm đặc trưng. Điều này cũng đã quyết định trong khoảng thời gian tương đối dài, ASC không có điều kiện cơ bản của liên minh quân sự.
Thứ ba, lấy lĩnh vực an ninh phi truyền thống như: Kinh tế, văn hóa hội và bảo vệ môi trường làm trọng điểm, tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh. Về mục tiêu hợp tác, ASEAN đã chuyển từ “an ninh truyền thống” sang “an ninh phi truyền thống” và dần hình thành nhận thức chung. Khu vực Đông Nam Á đứng trước mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, nó có đặc điểm như tính tiềm ẩn không xác định và xuyên quốc gia. Việc dựa vào thực lực của một nước rất khó có thể khống chế và xóa bỏ mối đe dọa này. Các nước ASEAN cần phải triển khai hợp tác đa phương, cùng nhau đối phó với khủng hoảng và thách thức. Các nước ASEAN tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống sẽ thúc đẩy sự hình thành nhận thức chung trong Cộng đồng.
ASEAN đã xây dựng một loạt cơ chế hợp tác an ninh trong vấn đề an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như: Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tiến công tội phạm xuyên quốc gia... Tháng 1.2007, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12, 10 nước ASEAN đã ký “Công ước chống khủng bố ASEAN”, đây là văn kiện đầu tiên có hiệu lực pháp lý trong lĩnh vực an ninh kể từ khi ASEAN thành lập đến nay. Công ước này quy định những biện pháp cụ thể trong chống khủng bố và cơ chế thực hiện chống khủng bố chung của ASEAN. Điều đáng chú ý là mấy năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng của ASEAN cũng đã giành được những tiến triển tích cực. Ngày 6.5.2006, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần đầu tiên được tổ chức ở Cu-a-la Lăm-pơ, được coi là một trong những cơ chế chủ yếu của ASC.
Hiện nay, kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Hai nhân tố được cho là ảnh hưởng chủ yếu đến tiến trình xây dựng ASC là Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng không thể xem nhẹ vai trò của các nước: Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a. Dưới sự chỉ đạo của chiến lược “cân bằng nước lớn” của ASEAN, việc xây dựng ASC sẽ dần được thúc đẩy tiến lên.