(ĐCSVN) - Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, dường như sự cứng rắn của Iran trong việc bảo vệ chương trình hạt nhân “vì mục đích hoà bình” của họ sẽ biến quan hệ vốn đã căng thẳng trong khu vực thành một cuộc xung đột sâu rộng.
|
Eo biển Hormuz - Con bài của Iran trong cuộc đối đầu với phương Tây (Ảnh IT) |
Ngày 15/1, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - ông Mohammad Ali Khatib cảnh báo, các nước láng giềng Arab không nên tăng sản lượng dầu thô để thay thế Iran trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) ban hành một lệnh cấm vận. Đại diện của Iran tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Ali Khatibi khẳng định, nếu các nước Arab “bật đèn xanh” trong việc muốn thay thế dầu của Iran thì những nước này có thể là nguyên nhân chính gây ra những hậu quả đáng tiếc trong khu vực, trong đó có eo biển Hormuz.
Tuyên bố này của Iran đưa ra khi Liên minh châu Âu đang cân nhắc một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Iran. Nếu lệnh trừng phạt này được thực hiện đầy đủ, nhiều nước sẽ không thể mua dầu của Iran. Trong khi các nước châu Âu đang do dự trong việc thực hiện các lệnh cấm vận dầu thô của Iran vì lo ngại giá dầu tăng cao, thì Mỹ lại đang mở cuộc vận động các nước phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Iran ủng hộ lệnh cấm vận. Trong bối cảnh “dầu đang sôi, lửa sắp bén” thì lãnh đạo một số nước châu Á mua dầu của Iran đã bắt đầu chuyến thăm các nước Trung Đông để đảm bảo nguồn cung đầy đủ của mình từ các nước Arab. Căng thẳng tại vùng Vịnh cũng khiến giá dầu tăng cao bất thường trong những tuần gần đây. Iran hiện đang là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ ngày. Vì vậy, không khó hiểu khi Iran cảnh báo về hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu các nước láng giềng Arab vùng Vịnh tăng sản lượng dầu để thay thế dầu thô của Iran.
Quan điểm cứng rắn và quyết tâm đẩy mạnh chương trình hạt nhân của Iran được các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả như là nguyên nhân chính làm sâu sắc thêm cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây, có thể dẫn đến một “cuộc chiến Trung Đông” mới. Tuy nhiên, một sự thật ít được quan tâm là chính các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đưa ra trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Iran, làm giá cả của những mặt hàng nhập khẩu chính đều tăng vọt và đồng nội tệ rian sụt giảm. Thêm vào đó, các cuộc biểu tình bạo lực và làn sóng “Mùa xuân Ảrập” đã xảy ra ở một loạt nước Trung Đông trong thời gian vừa qua đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến không khí chính trị ở Iran. Điều này khiến Iran không thể không phản ứng để bảo vệ lợi ích của mình. Đây cũng chính là lý do tại sao sau một loạt biện pháp đáp trả, Iran giờ đây lại buộc phải đưa ra lời cảnh báo đối với các nước Arab nếu như các nước này ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với dầu mỏ Iran bằng cách tăng sản lượng sản xuất dầu để thay thế dầu của Iran.
Ngày 15/1, đại diện của Iran tại Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Ali Khatibi cho biết, nếu như các nước Arab vùng Vịnh có bất kỳ động thái nào làm ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Iran - nước này sẽ coi đó là những hành động không thân thiện. Ông Khatibi cũng cảnh báo, các nước Arab không nên nghĩ tới chuyện hợp tác với phương Tây và Mỹ, bởi nếu các nước Arab “bật đèn xanh” cho việc thay thế dầu của Iran, các nước này sẽ trở thành “thủ phạm chính” gây ra những bất ổn trong khu vực, trong đó bao gồm cả những vấn đề tại eo biển Hormuz.
Chính sách thiên vị của một số quốc gia đối với chương trình hạt nhân cũng được coi là nguyên nhân đẩy căng thẳng ở khu vực Trung Đông kéo dài dai dẳng và trở thành chất xúc tác của nhiều cuộc khủng hoảng. Trong khi Israel - nước bị cho là đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông không hề bị bất kỳ một nghị quyết nào của Liên hợp quốc ngăn cản, thậm chí còn được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn, thì Iran lại hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt và lên án. Israel còn lên tiếng khẳng định, các dự án hạt nhân của Iran là mối đe dọa chết người mà Israel thậm chí sẽ sử dụng đến cả vũ lực để ngăn chặn nếu như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây không làm cho Iran suy nghĩ lại. Israel cũng kêu gọi thế giới cần thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và nó cần phải được tăng cường hơn nữa.
Trước bối cảnh ngày càng bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt và thiếu sự ủng hộ từ các nước, các giáo sĩ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn của Iran đã đáp trả Mỹ và phương Tây bằng cách đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormus - tuyến đường vận chuyển dầu huyết mạch không chỉ của Iran mà còn của cả khu vực Trung Đông. Hơn 70% lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua huyết mạch quan trọng này.
Trước đe dọa của Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố “sẽ không dung thứ” cho bất kỳ nỗ lực nào gây gián đoạn việc vận chuyển qua eo biển này. Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, thế giới có thể sẽ “cùng hành động” để ngăn chặn ý định của Iran trong việc đóng cửa tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở khu vực Trung Đông và đưa ra nhận định: “Việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ liên quan đến lợi ích của cả thế giới. Vì thế, tôi tin rằng, nếu có bất cứ đe dọa nào liên quan đến việc phong tỏa tuyến đường quan trọng này thì thế giới sẽ cùng nhau hành động để bảo đảm tuyến đường biển huyết mạch này phải luôn được lưu thông”.
Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, Iran không thể thách thức hạm đội của đối phương. Tuy nhiên, các mối đe dọa từ hai phía khiến cho người ta không thể không nghĩ tới khả năng bùng phát một cuộc xung đột sâu rộng ở khu vực Trung Đông. Lo ngại một “cuộc chiến Trung Đông” mới có thể xảy ra, ngày 16/1, tại Abu Dhabi, các ngoại trưởng Iraq và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã kêu gọi tránh giải pháp quân sự với Iran, đồng thời, nhấn mạnh việc đóng cửa Eo biển Hormuz sẽ tác động tiêu cực tới hai nước này. Phát biểu trong buổi họp báo chung, cả hai vị ngoại trưởng đều “không nhất trí leo thang căng thẳng, không đồng ý giải quyết bằng vũ lực quân sự, nhưng đồng ý tiến hành đối thoại và giảm nhẹ căng thẳng”; cho rằng ”gia tăng căng thẳng không có lợi cho khu vực cũng như không có lợi cho sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới”. Đối với Ỉaq – quốc gia vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy bạo lực – thì việc đóng cửa Eo biển Hormuz là một “thảm họa”, bởi có đến 90% sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iraq đi qua eo biển này.
Những căng thẳng giữa Iran với các nước phương Tây và Mỹ liệu có biến thành một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông? Các nước có quyền lợi liên quan ở khu vực sẽ phản ứng như thế nào khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Iran được thực hiện? Nền kinh tế thế giới vốn chưa qua cơn khủng hoảng sẽ thế nào khi Iran đóng cửa Eo biển Hormuz? Thế giới sẽ ra sao khi "một cuộc chiến Trung Đông" mới xảy ra? ... Những câu hỏi đó vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Thế nhưng, đằng sau những câu hỏi đó, người ta đã thấy rất rõ hình bóng của một cuộc giành giật lợi ích và ảnh hưởng giữa các nền kinh tế lớn tại địa bàn nhiều dầu mỏ, khí đốt nhưng lại ít ổn định này./.