Phía sau cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo

Thứ năm, 20/09/2012 16:04

(ĐCSVN) - Cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo đã bốc cao ngùn ngụt trong tuần qua, khi bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”, do một người Mỹ sản xuất, bị cho là phỉ báng Nhà tiên tri Muhammad, được lan truyền trên internet.

 

 Biểu tình, đốt cờ Mỹ tại Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ)


Phía sau “cơn thịnh nộ” này có thể thấy, nguy cơ chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ hơn; nước Mỹ giờ đây cũng trở thành nạn nhân của các cuộc bạo động kiểu “Mùa xuân A rập”; và, “xung đột giữa các nền văn minh” ngày càng khốc liệt, khi các quốc gia chỉ chú trọng mua sắm vũ khí hơn là tìm cách hiểu biết lẫn nhau.

“Sự ngây thơ của người Hồi giáo” với việc mô tả đạo Hồi như một "căn bệnh ung thư" và có cảnh nói về mối quan hệ của Đấng tiên tri Muhammad với phụ nữ, đã làm dấy lên các vụ bạo lực và làn sóng chống Mỹ của người Hồi giáo trên khắp thế giới. Các cuộc biểu tình, bạo loạn như một phiên bản của “Mùa xuân A rập” đã diễn ra khắp nơi, từ Libya đến Ai Cập, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Australia…Chỉ có điều, “mùa xuân” lần này không còn ấm áp, mà đã trở nên bỏng rát với nước Mỹ, khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường với các biểu ngữ ngùn ngụt căm phẫn: "Người Mỹ phải đền tội", "Tiêu diệt kẻ thù của đạo Hồi", "Chúng ta không chấp nhận phỉ báng Nhà tiên tri Muhammad" ...

Điều đáng lo ngại và suy nghĩ, đó là xung đột văn hóa đã dẫn đến đổ máu thảm khốc. Sau vụ tấn công đẫm máu vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghadi, miền Đông Libya, hôm 11/9, giết chết bốn quan chức Mỹ, trong đó có cả Đại sứ Hoa kỳ tại Libya, máu đã tiếp tục đổ ở nhiều nơi trong mấy ngày qua. Hàng trăm người chết và bị thương; nhiều đại sứ Mỹ bị tấn công.

Lo ngại hơn, cùng với làn sóng chống Mỹ dâng cao, các tổ chức khủng bố ở nhiều nước Hồi giáo đang có nguy cơ hoạt động mạnh mẽ trở lại. Báo chí Mỹ cho biết, tổ chức khủng bố Al-Qaida đang muốn nhân vụ “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” để “mượn gió bẻ măng”. Chi nhánh Al-Qaida tại Yemen vừa kêu gọi bạo động thêm chống lại các tòa đại sứ Hoa Kỳ. Trong khi đó, Al-Qaida tại bán đảo A rập cho biết “muốn lửa bùng cháy tại các tòa đại sứ Mỹ trên toàn thế giới A rập”.

“Cơn giận dữ” kể trên của người Hồi giáo, còn cho thấy một vấn đề lớn nữa là kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, những mâu thuẫn giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo có xu hướng tăng, song hai bên đã không cố gắng để thu hẹp sự khác biệt và hiểu nhau hơn, ít nhất là trong vấn đề văn hóa. Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu thế giới Hồi giáo sôi sục hận thù vì tôn giáo của họ bị phỉ báng. Hồi tháng 9/2005, một tờ nhật báo lớn của Đan Mạch in 12 bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad, cũng đã dẫn tới những cuộc biểu tình bạo động kéo dài hàng tháng của người theo đạo Hồi. Tháng 2 năm nay, các cuộc biểu tình lớn cũng đã diễn ra tại Afghanistan để phản đối vụ các binh sĩ Mỹ đốt Kinh Koran…

Thực trạng đáng buồn nêu trên chính là một phần biểu hiện của “Sự xung đột giữa các nền văn minh” mà gần 20 năm trước, nhà nghiên cứu chính trị học nổi tiếng của Mỹ S.Huntington, đã đề cập trong một bài báo cùng tên và các cuốn sách: "Chúng ta là ai? Những thách thức đối với bản sắc của Mỹ" (2004); "Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái thiết lập trật tự thế giới" (1996)…Theo đó, nhận thức chưa đầy đủ của phương Tây về đạo Hồi; sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc…là nguồn gốc gây ra xung đột. S.Huntington cũng đã chỉ ra những lối thoát để giảm bớt xung đột, đổ máu, trong đó có việc khuyên chính phủ rút quân khỏi Iraq. Ông đồng thời phản đối ý kiến cho rằng, các giá trị Mỹ là mang tính phổ quát, và nên được “xuất khẩu” tới các nước khác thông qua “dân chủ”…

Làn sóng chống Mỹ sau vụ “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” kể trên cho thấy, mâu thuẫn giữa phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo, đang ngày càng quyết liệt. Ngay cả những xung đột văn hóa tưởng như nhỏ bé, cũng có thể châm ngòi cho bạo loạn, đổ máu, trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) vừa cảnh báo, các quốc gia vẫn đang chú trọng sắm vũ khí hơn là đối thoại; hằng năm thế giới chi mua sắm vũ khí để phục vụ chiến tranh nhiều hơn hai lần số tiền LHQ chi cho các hoạt động thúc đẩy, vãn hồi hòa bình, phát triển con người.

Bởi vậy, cách tốt nhất để ngăn chặn “Sự xung đột giữa các nền văn minh” hiện nay, giảm những mất mát, đau thương do sự thiếu hiểu biết lẫn nhau gây ra, là “xây dựng niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc, các tôn giáo”, như lời kêu gọi mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra trong Diễn đàn Văn hóa hòa bình của LHQ, hôm 14/9.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực