Ngày 25-10 (giờ Hà Nội), Xy-ri đã triệu hồi Đại sứ nước này I. Mu-xta-pha (Imad Moustapha) tại Mỹ về nước. Động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ cùng ngày cũng đã rút Đại sứ Rô-bớt Pho (Robert Ford) của mình tại Xy-ri. Vụ trả đũa ngoại giao khiến quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Đa-mát trở nên căng thẳng hơn lúc nào hết.
|
Đại sứ Mỹ tại Xy-ri Rô-bớt Pho trong buổi trình quốc thư tới Tổng thống Át-xát tháng 1-2011. Ảnh: Roi-tơ. |
“Rút” vì quan ngại an ninh
Nữ phát ngôn viên Sứ quán Xy-ri tại Mỹ R. Su-rơ-ba-gi (Roua Shurbaji) cho biết, Đại sứ I. Mu-xta-pha đã được triệu hồi và ông này đã rời Oa-sinh-tơn về Xy-ri để làm việc với các nhà lãnh đạo nước này.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mác Tô-nơ (Mark Toner) thông báo Đại sứ Rô-bớt Pho cũng đã về nước cuối tuần qua. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Oa-sinh-tơn rút Đại sứ nước này khỏi Xy-ri sau khi xuất hiện những lời đe dọa đối với sự an toàn của ông tại nước này.
Ông Rô-bớt Pho được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Xy-ri kể từ đầu năm nay. Ngay khi mới “chân ướt chân ráo” tới Đa-mát nhưng ông Rô-bớt Pho đã làm nhiều chuyện khiến giới chức Xy-ri giận dữ, nhất là khi ông thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà hoạt động liên quan đến cuộc biểu tình chống lại sự nắm quyền của Tổng thống B. An Át-xát. Những người ủng hộ Tổng thống An Át-xát chỉ trích ông Pho kích động làn sóng bạo lực chống chính phủ ở Xy-ri. Thậm chí, họ còn ném trứng và cà chua vào Đại sứ Mỹ khi ông và một số đồng nghiệp đến thăm một nhân vật đối lập ở Xy-ri. Ông sau đó bị mắc kẹt trong thời gian ngắn tại văn phòng của mình do bị những người biểu tình ủng hộ ông Át-xát “bủa vây”. Việc gần đây xuất hiện những lời đe dọa đối với sự an toàn của ông Pho nên Oa-sinh-tơn đành phải rút ông về nước.
Khó có thể là “Li-bi thứ hai”
Việc Oa-sinh-tơn và Đa-mát rút Đại sứ về nước để “trả đũa” nhau diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Xy-ri vẫn đang trong tình trạng bất ổn. Xung đột giữa lực lượng phe đối lập và những người ủng hộ Tổng thống Át-xát đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế.
Liệu Mỹ và phương Tây có biến Xy-ri trở thành “Li-bi thứ hai” như đã từng làm ở Li-bi hay không, nhất là sau cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ M. Ca-đa-phi? Giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do để giải thích giả thiết trên khó có thể xảy ra. Thứ nhất, mặc dù Xy-ri là mối lo ngại của I-xra-en và Mỹ, nhưng hai nước vẫn muốn Tổng thống Át-xát tiếp tục lãnh đạo Xy-ri. Từ lâu, gia đình ông Át-xát đã tạo được uy tín rất lớn về tôn giáo và được coi là những người thuộc giới ôn hòa trong xã hội, trong khi đó lực lượng chống ông Át-xát lại là những người theo đường lối cứng rắn.
Thứ hai, bất cứ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài vào Xy-ri cũng sẽ gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực và có thể nhấn chìm các nước láng giềng như A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba-ranh, I-rắc...
Thứ ba, phe đối lập tại Li-bi nhanh chóng được tổ chức và trang bị các loại vũ khí thích hợp, lại được NATO viện trợ quân sự và liên tiếp tấn công bằng không quân chống chế độ Ca-đa-phi, trong khi đó giới lãnh đạo biểu tình tại Xy-ri thường mâu thuẫn với nhau về phương thức đấu tranh chống chính quyền.
Ngoài ra, Li-bi là nước sản xuất dầu mỏ nhiều hơn Xy-ri. Rõ ràng, Xy-ri có triển vọng kinh tế ít quan trọng hơn Li-bi. Vì vậy, lý do mà Mỹ và phương Tây quan tâm đến Xy-ri chủ yếu là động cơ chính trị chứ không phải kinh tế như Li-bi…
Ngày 24-10, Oa-sinh-tơn một lần nữa nhấn mạnh quan điểm chưa xem xét có nên sử dụng vũ lực tại Xy-ri hay không. “Mỹ tôn trọng quan điểm của các lực lượng Xy-ri là đối thoại theo hướng hòa bình, phản đối bạo lực và bất kỳ hình thức can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là can thiệp quân sự vào Xy-ri”, người phát ngôn Nhà Trắng V. Nu-lân (Victoria Nuland) khẳng định. Thái độ lưỡng lự trong việc sử dụng biện pháp quân sự của Mỹ và phương Tây ở Xy-ri cho thấy, họ có thể để ông Át-xát tiếp tục nắm quyền, bất chấp mọi sức ép đòi nhanh chóng áp dụng giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.