Phong trào “Chiếm phố Wall”- Đâu là lời giải?

Thứ hai, 07/11/2011 16:33

(ĐCSVN) - Phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” đã bước sang tháng thứ 2, đang lan ra nhiều thành phố ở Mỹ và trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Phong trào này đã được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi sự bùng phát của nó tại một trong những trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Cái nôi của các cuộc khủng hoảng

Theo giới phân tích quốc tế, nguyên nhân trực tiếp là do quan điểm của Chính phủ Mỹ về việc điều hành nền kinh tế vĩ mô. Nước Mỹ đã khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Phố Wall lại là cái nôi của nhiều cuộc khủng khoảng kinh tế, vì các cuộc khủng hoảng đều bắt đầu từ sự sụp đổ của các đại gia tài chính tại đây.

 

 Phong trào "Chiếm phố Wall" lan sang Thụy Điển (Ảnh: AFP)

Để khắc phục cuộc khủng hoảng, kích thích nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, Chính phủ Mỹ đã 3 lần đưa ra các gói kích thích kinh tế, với hàng ngàn tỷ USD, nhưng các giải pháp phần lớn đều nhằm cứu các đại gia tài chính, các ngân hàng lớn bằng việc mua lại nợ xấu, hỗ trợ lãi suất, chấp nhận lạm phát ở mức cao… với hy vọng phục hồi nhanh nền kinh tế.

Tuy nhiên, các giải pháp này đã không thành công. Các gói kích thích kinh tế không mấy hiệu quả. Đồng USD tiếp tục mất giá. Giá cả leo thang. Đời sống đại đa số nhân dân bị giảm sút. Chỉ số niềm tin suy giảm nghiêm trọng.

Nhìn vào những định chế tài chính hiện nay của nước Mỹ, được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế “thắt lưng buộc bụng” sang những người thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo khó.

Lỗ hổng lớn nhất của chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ là không tính toán đầy đủ đến an sinh xã hội, đến đời sống của các tầng lớp dân cư, nhất là dân nghèo và giới trung lưu. Có thể nói, chính sách kinh tế “nhất bên trọng, nhất bên khinh” là nguyên nhân trực tiếp khiến cuộc biểu tình đã diễn ra tại đây, nơi được coi là thiên đường của tự do.

Đỉnh điểm của sự bất công

Ngay sau khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên chiếm giữ phố Wall, Tổng thống Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với người giàu, nhằm đảm bảo những triệu phú cũng sẽ đóng một mức thuế tối thiểu bằng với tầng lớp trung lưu, hay còn gọi là thuế “Buffett”.

Theo các nhà nghiên cứu và đa số công chúng Mỹ đều cho rằng, để giảm được khoảng cách giàu nghèo này, trên thực tế, việc tăng thuế thu nhập của giới nhà giàu Mỹ là chưa đủ.

Sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Người ta đã thống kê được rằng: Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ chiếm khoảng 21% thu nhập quốc dân (GDP), nhưng lại sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia.

Thống kê trên phạm vi toàn cầu còn cho thấy, khoảng hơn 200 công ty khổng lồ xuyên quốc gia ở Mỹ và Tây Âu đang chiếm giữ 30% GDP của thế giới… Vì thế, người biểu tình cho rằng, chính quyền Mỹ cần áp thuế đánh trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu.

Tuy nhiên, người dân Mỹ là những người rất có trách nhiệm với đất nước. Họ khẳng định rằng: "Chúng tôi không phải là những kẻ vô chính phủ. Chúng tôi không phải là những kẻ côn đồ...”, “Chúng tôi phản đối tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội”. Và họ cũng nhấn mạnh: "Đây không phải là một cuộc biểu tình chống lại cảnh sát New York. Đây là một cuộc biểu tình của 99% chống lại quyền lực bất cân bằng của 1%".

Mặt trái của chủ nghĩa tự do mới

Ngay sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới nổ ra, tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/09/2008, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di, Chủ tịch luân phiên của EU đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, đồng thời “tái xây dựng một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”.

Như vậy, ngay từ cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, các nhà lãnh đạo các nước tư bản phương Tây cũng nhận ra lỗ hổng lớn trong phương thức quản lý nhà nước theo học thuyết “chủ nghĩa tự do mới”. Chủ nghĩa này, cũng đã từng đưa lại những thành tựu to lớn cho chủ nghĩa tư bản hiện đại, đến mức nhiều người đã ngộ nhận rằng, học thuyết chủ nghĩa tự do mới sẽ mang lại sự vĩnh hằng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhưng thực tế, nó đã không khắc phục được quy luật khủng hoảng chu kỳ, mà còn làm sâu sắc và trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng; biến khủng hoảng quốc gia Mỹ thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Lỗ hổng lớn về quản lý nhà nước của Mỹ và các nước phương Tây là nằm trong lỗ hổng hệ thống thuộc về học thuyết chủ nghĩa tự do mới, nên hậu quả của nó không chỉ thể hiện ở kinh tế mà còn ở cả kinh tế - xã hội. Cuộc biểu tình đang lan ra ở Mỹ và các nước trên thế giới đã minh chứng cho điều đó.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Phong trào “Chiếm phố Wall” là hồi chuông cảnh tỉnh lãnh đạo các nước rằng, chính sách kinh tế phải gắn với an sinh xã hội, phát triển kinh tế phải gắn với công bằng xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội quá mức sẽ đưa lại hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc tăng thuế suất đối với những người giàu như Tổng thống Obama đã làm mới đây chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc, theo họ, phải đánh thuế vào tài sản của những người giàu và quan trọng hơn vẫn là phải có chính sách để đưa lại sự công bằng cho toàn xã hội.

Có ý kiến cho rằng, phong trào "Chiếm phố Wall" được khởi xướng theo cảm hứng từ phong trào "Những người phẫn nộ" tại Tây Ban Nha diễn ra hồi giữa năm 2011, nhưng lần này nó bùng phát từ trung tâm tài chính của thế giới tư bản Mỹ và lan ra toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn những nhận định khác.

Theo giáo sư Patrick Bolton của Columbia Business School, cuộc biểu tình “Chiếm phố Wall” không mang cảm hứng của các cuộc biểu tình như ở Ai Cập và phong trào 15-M ở Tây Ban Nha. Ông hy vọng rằng, cuộc biểu tình này sẽ không kéo dài và không tác động đến hệ thống hiện hành.

Còn ông Jean Cohen - giáo sư chính trị học và ông John Dinges - giáo sư khoa báo chí của Đại học Columbia lại dự báo, phong trào biểu tình ở Mỹ sẽ tác động lâu dài tới các nhà làm luật Mỹ và cuối cùng, buộc họ phải có những bước đi đúng.

Theo nhiều nhà phân tích, các cuộc biểu tình hiện nay khó có thể biến thành bạo loạn đường phố hoặc lật đổ chính quyền, song đây là lời cảnh báo toàn diện và sâu sắc về sự thất vọng và bất mãn của đa số người dân, nhất là người nghèo và giới trung lưu đối với chính sách của các chính phủ đương nhiệm.

Phong trào "Chiếm phố Wall" đang thể hiện sự biến đổi về chất so với các phong trào biểu tình trước đó, bởi không chỉ giới hạn trong việc yêu cầu chống tăng học phí, tạo công ăn việc làm, đánh thuế người giàu nhiều hơn; mà đã muốn ngân hàng chấm dứt việc tịch thu nhà vì chủ không còn khả năng trả nợ, rút quân Mỹ ở nước ngoài về nước, chuyển ngân sách chiến tranh cho giáo dục, cải thiện dân sinh… Phong trào còn được sự hưởng ứng của các nhà khoa học, các chính trị gia và các giới chức ở Mỹ và các nước.

Vì thế, "Chúng tôi là 99%", “trong khi 1% là thủ phạm gây ra khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng 99% lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do họ gây ra”. Đó là lời buộc tội đanh thép của phong trào “Chiếm phố Wall” đang vang lên ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực