(ĐCSVN) – Trong những năm gần đây, vấn đề phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, không chỉ được coi như một khẩu hiệu mà đã dần biến thành việc làm thiết yếu của mỗi cá nhân, giúp nhân loại tự bảo vệ sự sống của chính mình, đảm bảo phát triển bền vững.
|
Phụ nữ là những người đầu tiên tự chuẩn bị cho gia đình ứng phó với thảm họa và khắc phục các hậu quả do thảm họa gây ra (Ảnh: Hải Lê) |
Theo Nghị quyết 44/236 ngày 22/12/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày thứ Tư của tuần thứ hai tháng 10 để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngày này đã được lựa chọn cho Thập kỷ quốc tế về giảm nhẹ thiên tai (1990-1999).
Sau đó, với Nghị quyết 64/200 ngày 21/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Mục đích của ngày này là để nâng cao nhận thức của người dân về cách thức áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu những nguy cơ mà họ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Trong cộng đồng, phụ nữ và trẻ em gái có quyền đóng góp đầy đủ cho sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và có những hành động cụ thể trong các lĩnh vực quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, quản trị, quy hoạch đô thị, sử dụng đất, quy hoạch kinh tế và xã hội - các nhân tố chính liên quan tới nguy cơ xảy ra thảm họa.
Chủ đề của Ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2012 được lựa chọn là: “Phụ nữ và trẻ em gái - những lực lượng quan trọng trong ứng phó với thiên tai” nhằm ghi nhận và đánh giá cao công việc của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái đã cống hiến cho cộng đồng nhằm ứng phó với các thiên tai và rủi ro khí hậu.
Chủ đề của Ngày quốc tế phòng chống thiên tai những năm trước đây:
2011: Huy động trẻ em và thanh niên vào công cuộc giảm thiểu các nguy cơ xảy ra thiên tai
2010: Dự phòng các thảm họa tự nhiên trong thành phố
2009: Các bệnh viện an toàn trước thiên tai
2008: Giảm thiểu nguy cơ xảy ra thiên tai là trách nhiệm của mọi người
2007: Thách thức đối với nền giáo dục toàn cầu
2006: Giảm thiểu thiên tai bắt nguồn từ trường học |
Trong suốt thời gian vừa qua, phần lớn công việc và những thành tựu của phụ nữ vẫn còn ít được ghi nhận. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày quốc tế phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai năm 2012 thu hút sự chú ý của thế giới, kêu gọi thế giới hãy ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ. Trong thông điệp gửi đi nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nêu rõ: “Năm nay, lễ kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai sẽ là một cơ hội để làm nổi bật vai trò của người phụ nữ trong việc giảm thiểu nguy cơ các thảm họa tự nhiên và thông tin về hành động cam kết ở quy mô toàn cầu để đối mặt với chúng”.
Giảm thiểu rủi ro thiên tai là gì?
Chúng ta có thể khẳng định là không có thảm họa "tự nhiên" hay không? Khi một tòa nhà sụp đổ do một trận động đất, chúng ta thấy điều này như là một thảm họa mà chúng ta không thể kiểm soát. Thật vậy, chúng ta không thể ngăn chặn được một trận động đất xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta lại có thể ngăn chặn cơ cấu sụp đổ. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để xem xét các phương pháp xây dựng khác dành cho công trình để chúng có thể chống chịu động đất. Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần phải đặt ra câu hỏi: Trước đây đã từng xảy ra các thảm họa khác tương tự như vậy trong lĩnh vực này hay chưa? Và, nếu đã từng có ít nhất một trường hợp tương tự xảy ra thì biện pháp phòng ngừa hữu hiệu chính là tránh xây dựng các tòa nhà mới.
Ví dụ trên cho thấy, giảm thiểu và rủi ro thiên tai không phải là một việc làm “ngoài khả năng” mà loài người không thể thực hiện được. Thay vào đó, chúng ta cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về những rủi ro mà thiên tai có thể gây ra đối với con người và môi trường, về những thảm họa tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân loại như: Động đất, lũ lụt, bão, lốc xoáy và sạt lở đất... Cần phải tìm cách để giảm thiểu những rủi ro này, để chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những thảm họa này, hay chúng ta có khả năng giảm đến mức thấp nhất hiệu ứng mà nó gây ra đối với dân cư và cơ sở hạ tầng.
Thảm họa là không thể tránh khỏi, song tất cả chúng ta đều có thể làm giảm các nguy cơ xảy ra chúng.
Phụ nữ và trẻ em gái - tác nhân mạnh mẽ dẫn tới sự thay đổi
Thực tế đã cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái là những người có các kiến thức, kỹ năng độc đáo và đặc biệt rất quan trọng cho việc xây dựng và quản lý rủi ro thiên tai.
Phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là rất “giỏi chịu đựng”. Họ là những người đầu tiên chuẩn bị cho gia đình mình ứng phó với một thảm họa và cũng là những người đầu tiên khắc phục các hậu quả do thảm họa gây ra. Phụ nữ và trẻ em gái là những người có thể không dễ dàng được nhận ra song họ hoàn toàn không phải là những người thụ động. Ngược lại, họ chính là những đối tác có giá trị trong quá trình giảm thiểu rủi ro. Họ cần được tham gia vào quá trình phát triển bền vững để xác định tương lai của chính bản thân họ, cho gia đình và cộng đồng của họ.
Chính vì vậy, ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, việc lạm dụng tình dục và khai thác sức lao động của họ, đó chính là giảm một cách hiệu quả những rủi ro mà họ phải đối mặt trong thời gian xảy ra thảm họa. Nam giới cũng cần thực hiện trách nhiệm, tham gia vào nỗ lực này nhằm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ trở thành những nhân tố rõ rệt hơn nữa trong quá trình phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
|
Trẻ em gái - một nhân tố quan trọng trong công cuộc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (Ảnh: Hải Lê) |
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: “Trên toàn thế giới, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều sáng kiến trong gia đình và cộng đồng để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra”. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc đã dẫn ra một loạt các ví dụ về thực tế vai trò của phụ nữ trong công cuộc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: “Tại Altiplano của Bolivia, phụ nữ bản địa, những người canh tác nông nghiệp truyền thống, đã được học để nắm bắt các dữ liệu về khí hậu, giúp giảm đáng kể các thiệt hại về mùa màng do mưa đá, sương giá và lũ lụt gây ra. Tại Việt Nam, những ngôi làng nâng cao nhận thức về công tác phòng chống thiên tai thông qua các câu chuyện về tấm gương có thật của phụ nữ địa phương được thể hiện trên phương tiện nghe nhìn. Tại Nhật Bản, thảm họa sóng thần và động đất đã tấn công khu vực Tohoku, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các nguồn thu nhập mới, đặc biệt là đối với các bà mẹ đơn thân...”.
“Những sáng kiến này cho thấy rằng, thực sự có ích khi cộng đồng dành sự quan tâm, khuyến khích để phụ nữ đóng một vai trò hàng đầu trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai”, ông Ban Ki-moon kết luận.
Phụ nữ và trẻ em gái đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các rủi ro thiên tai
Phụ nữ và trẻ em gái cần được trao quyền để đóng góp đầy đủ cho sự phát triển bền vững thông qua việc giảm rủi ro thiên tai, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, quản trị, lập kế hoạch, quy hoạch đô thị, sử dụng đất và quy hoạch kinh tế - xã hội – các yếu tố chính liên quan tới những nguy cơ xảy ra thiên tai.
Sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là đặc biệt có giá trị, giúp “hồi sinh” các cộng đồng, khu vực bị ảnh hưởng và giảm đáng kể tác động của thiên tai. Phụ nữ cần luôn được tham gia vào quá trình hoạch định, phát triển và thực hiện chính sách.
Phụ nữ và trẻ em gái, chiếm 52% dân số thế giới, hiện là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Chính vì vậy, điều quan trọng là họ thực sự đã tích lũy được kinh nghiệm, thu nhận được kiến thức và kỹ năng chuyên môn để góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp vào việc thiết lập và tiến hành các chiến lược, quy trình giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng, các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các hộ gia đình sẽ được tiến hành dễ dàng và hiệu quả hơn nếu phụ nữ tham gia và quá trình xây dựng, phát triển các biện pháp này từ đầu đến khi kết thúc. Ngạn ngữ châu Phi đã có câu rằng: Nếu bạn giáo dục một người đàn ông tức là bạn giáo dục được một cá nhân, nhưng nếu bạn giáo dục một người phụ nữ thì nghĩa là bạn đã giáo dục được một gia đình.
Phụ nữ và trẻ em gái chính là những tác nhân quan trọng dẫn tới sự thay đổi, bởi vì họ là những nhà hoạt động, nhà lập pháp, nhân viên xã hội, các nhà lãnh đạo cộng đồng, các giáo viên và đặc biệt, họ chính là các bà mẹ.
Đúng như lời của ông Desmond Tutu, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 1984 nhấn mạnh: Nếu chúng ta muốn nhìn thấy một sự phát triển thực sự trên thế giới, những khoản đầu tư tốt nhất chính là những khoản đầu tư chúng ta làm dành cho phụ nữ./.