"Phức tạp và nhạy cảm" trên bán đảo Triều Tiên

Thứ ba, 12/03/2013 21:03

(ĐCSVN)Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được đẩy lên một nấc thang căng thẳng mới sau khi CHDCND Triều Tiên, ngày 11/3, tuyên bố cắt đường dây nóng quân sự và hủy bỏ thỏa thuận đình chiến 1950-1953 với Hàn Quốc để đáp trả các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ - Hàn. Diễn biến này đòi hỏi một sự “tính toán phù hợp” từ tất cả các bên có liên quan bởi bất kỳ một nước đi sai lầm nào cũng sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và vượt khỏi tầm kiểm soát.

 Quân đội Nhân dân Triều Tiên tham gia một cuộc diễn tập quân sự (Ảnh: AFP)

Hãng tin Christian Science Monitor, ngày 11/3, dẫn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: Cuộc gọi thường kỳ vào buổi sáng cùng ngày từ hệ thống đường dây liên lạc nóng giữa hai miền Triều Tiên đã không thể thực hiện. Điều đó cho thấy CHDCND Triều Tiên đã thực hiện lời đe dọa ngừng cơ chế liên hệ quân sự với Hàn Quốc như đã tuyên bố trước đó.

Cũng trong ngày 11/3, CHDCND Triều Tiên đã một lần nữa nhắc lại lời cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận đình chiến 1953 giữa hai miền Triều Tiên. Đây được xem là những động thái mới nhất của chính quyền Bình Nhưỡng nhằm đáp trả các kế hoạch tập trận chung giữa liên quân Hàn - Mỹ vốn được CHDCND Triều Tiên cáo buộc là “đe dọa tới sự sống còn” của Bình Nhưỡng.

Bất chấp những lập luận trên của CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định: Các cuộc tập trận dài ngày của lực lượng liên quân Mỹ - Hàn chỉ đơn thuần mang tính chất phòng thủ và nâng cao khả năng sẵn sàng của quân đội Hàn Quốc trong bối cảnh Mỹ sẽ chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch thời chiến cho phía Hàn Quốc vào năm 2015.

Hai cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” (từ ngày 11-25/3) và "Đại bàng non” (diễn ra từ 1/3 đến 30/4) được lực lượng liên quân Mỹ - Hàn huy động một lực lượng quân đội hùng hậu lên tới hàng chục nghìn binh sĩ. Bên cạnh đó, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở “giai đoạn nhạy cảm” sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bản nghị quyết 2094 nhằm siết chặt diện trừng phạt CHDCND Triều Tiên liên quan tới vụ thử hạt nhân hôm 12/2 và động thái trên đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Bình Nhưỡng. Tờ Rodong Sinmun ngày 10/3 cho biết: Quân đội Triều Tiên đã sẵn sàng để bước vào một cuộc chiến tranh toàn diện cuối cùng và đang chờ “mệnh lệnh từ cấp cao nhất để biến đồn lũy của kẻ thù thành biển lửa”.

Đưa ra nhận định trước những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, ông Bong Young-shik – một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul cho biết: CHDCND Triều Tiên đã từng nhiều lần cảnh báo hủy bỏ thỏa thuận đình chiến 1953. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những lời lẽ này của CHDCND Triều Tiên chỉ nghiêng về “sự cảnh báo” chứ ít có cơ may trở thành hiện thực. “Trong quá khứ, CHDCND Triều Tiên đã từng cắt đứt đường dây liên lạc nóng với Hàn Quốc. Tuy nhiên sau đó, đường dây này lại được nối lại. Điều đó cho thấy CHDCND Triều Tiên không thể mãi mãi từ chối đối thoại với Hàn Quốc… Đây chỉ là hành động nhằm gây sức ép lên Mỹ và Hàn Quốc” - ông Bong nói.

Ngày 11/3, hãng thông tấn NHK dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Martin Nesirky khẳng định: Thỏa thuận đình chiến 1953 giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục có hiệu lực. Ông Nesirky nhấn mạnh: Những điều khoản được nêu lên trong thỏa thuận đình chiến không cho phép các bên đơn phương rút khỏi văn kiện quan trọng này. Qua đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi CHDCND Triều Tiên tôn trọng những điều khoản trong thỏa thuận đình chiến vốn đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thừa nhận.

Đưa ra phản ứng trước những lời tuyên bố của Bình Nhưỡng, ông Kim Yong-hyun – một quan chức quân sự của Hàn Quốc tuyên bố: “Nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn, đe dọa tới mạng sống và sự an toàn của các công dân Hàn Quốc, thì những hành động này sẽ vấp phải sự trừng phạt mạnh mẽ và quyết đoán của quân đội Hàn Quốc ngay từ lúc khởi đầu”.

Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, ông Tom Donilon, ngày 11/3 tuyên bố: Chính quyền Washington sẽ không bao giờ đầu hàng trước những lời đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng. Quan chức an ninh trên khẳng định: Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh và các đối tác để siết chặt diện trừng phạt nhằm chống lại CHDCND Triều Tiên liên quan tới các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.

Trước bối cảnh trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), ngày 11/3 đã kêu gọi tất cả các bên tham gia vòng đàm phán sáu bên cần tỏ ra kiềm chế trước diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/3, bà Hoa Xuân Oánh nhận định: Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đang hết sức “phức tạp và nhạy cảm”. Việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á đóng vai trò quan trọng và phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng thế giới. Chính bởi vậy, Trung Quốc kêu gọi các nước tham gia đàm phán sáu bên, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cần tỏ ra “kiềm chế”, tránh đưa ra bất kỳ hành động nào khiến tình hình tiếp tục leo thang. Bà Hoa Xuân Oánh tiếp tục khẳng định lập trường của Bắc Kinh cho rằng, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cần được giải quyết căn bản thông qua cơ chế đàm phán sáu bên. Đây cũng được xem là con đường duy nhất có thể hiện thực hóa mục tiêu giúp ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong dài hạn.

Trong vòng nhiều năm qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trải qua nhiều diễn biến thăng trầm. Những diễn biến này cứ lặp đi lặp lại, trở thành một căn bệnh “kinh niên” mà chưa có phương thuốc chữa trị nhanh chóng, hiệu quả. Và cứ thế, bán đảo Triều Tiên tiếp tục trở thành một khu vực “nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới” cùng với việc các bên có liên quan liên tiếp đưa ra nhiều lời cảnh báo, đe dọa mà không có một thái độ hợp tác thiện chí. Có lẽ, nguyên nhân cơ bản của cuộc “khủng hoảng lâu dài này” chính là “một mối hận thù thâm căn cố đế” giữa một bên đã cạn kiệt lòng tin là CHDCND Triều Tiên và một bên liên tiếp thất bại trong việc đưa ra các chính sách hòa giải là Mỹ. Đây chính là yếu tố khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên lâm vào “vòng tròn luẩn quẩn của sự hiểu lầm và thù oán”.

Mỹ và các nước đồng minh liên tiếp siết chặt các biện pháp trừng phạt và xem đây là một cách thức cụ thể để giải quyết “cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây có lẽ đã đủ để cho Mỹ và các nước đồng minh phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả của “cách tiếp cận thiên về trừng phạt” đối với CHDCND Triều Tiên.

Trong bối cảnh tiến trình khôi phục hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang có nguy cơ đi chệch hướng, các bên cần tiếp tục nỗ lực để tháo bỏ mọi nghi ngờ, thái độ thù địch, cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mọi vấn đề. Những hành động khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Chính vì thế, tất cả các bên có liên quan, gồm cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên cần phải có “một cái đầu lạnh”, tránh “đổ thêm dầu vào lửa” và đẩy tình hình vốn đã rất mong manh trên bán đảo Triều Tiên vào trạng thái “mất kiểm soát”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực