Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đang tiếp tục gây sức ép buộc chính quyền Iran đình chỉ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Cùng với đó, chuyến thanh sát Iran của phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhằm làm sáng tỏ những vấn đề gây tranh cãi trong chương trình hạt nhân của nước này đã kết thúc sau ba ngày mà không đạt được bất cứ đột phá thực chất nào.
Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết, đoàn thanh sát viên của IAEA không tới thị sát cơ sở hạt nhân nào của nước này, mà chỉ đến để đàm phán với các quan chức Iran.
|
Nhà máy hạt nhân của Iran ở ngoại ô thành phố Isfahan (Ảnh: Internet) |
Nội dung của các cuộc thảo luận và những người tham gia cũng không được tiết lộ. Thế nhưng, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran lại đưa tin, Iran và phái đoàn thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), do trưởng thanh sát viên Herman Nackaerts dẫn đầu, đã kết thúc ba ngày đàm phán "tích cực và mang tính xây dựng". Hai bên đã lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo, song không cho biết chi tiết.
Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ cũng đã ngày thứ hai liên tiếp đề xuất siết chặt trừng phạt Iran nhằm gia tăng sức ép buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này ngừng chương trình hạt nhân.
Đề xuất này do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ông Howard Berman và thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Robert Menendez, kêu gọi trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng và lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran.
Đề xuất Berman- Menendez kêu gọi trừng phạt các tổ chức tài chính không phải của Mỹ tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính của Tập đoàn Dầu lửa quốc gia Iran (NIOC) hoặc Công ty Vận tải dầu quốc gia Iran (NITC) nếu Chính phủ Mỹ phát hiện hai công ty này liên quan đến lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Tuy nhiên, văn bản này đề nghị rằng các trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng nếu tổng thống xác định rằng có đủ nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm liên quan từ các nước khác ngoài Iran.
Về vấn đề này, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ David Petraues cho rằng, sự sụt giảm nguồn cung dầu của Iran có thể được bù đắp bằng việc tăng sản lượng dầu thô của Arabia Saudi.
Theo ông, Chính phủ Iran bắt đầu cảm nhận được tác động của các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt là sự mất giá đồng tiền của Iran: “Thực tế là đồng nội tệ của Iran đã mất giá đáng kể thời gian gần đây. Chúng ta đã chứng kiến các đợt rút vốn ồ ạt khỏi ngân hàng trong những tuần gần đây, khi người dân Iran tìm cách thay thế đồng nội tệ và đầu tư vào bất kỳ đồng tiền nào giúp giữ giá trị tài sản của họ tốt hơn”.
Đức, một trong những thành viên chủ chốt của EU cũng có chung những quan điểm cứng rắn với Mỹ. Phát biểu với báo giới tại Tel Aviv khi đang ở thăm Israel, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói: “Tôi muốn đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, đó là chúng ta không chấp nhận có các loại vũ khí hạt nhân trong tay Chính phủ Iran. Đây không chỉ là một vấn đề an ninh đối với Israel, đối với an ninh khu vực, mà đây còn là một vấn đề đối với cộng đồng quốc tế”.
Tuy nhiên, cũng không ít những ý kiến quan ngại rằng, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran chưa hẳn là giải pháp tối ưu giúp giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này, mà còn có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho nhiều nền kinh tế đơn lẻ cũng như kinh tế chung toàn cầu. Nhật Bản là một trong những thị trường phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Iran.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết, các quan chức cao cấp Nhật Bản và Mỹ sẽ nhóm họp lần thứ hai tại Mỹ trong ngày 1/2 để thảo luận về một số nội dung trong lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Nhưng theo ông Gemba, phía Nhật Bản sẽ một lần nữa yêu cầu Mỹ không áp dụng trừng phạt tài chính chống lại Iran, vốn gây ảnh hưởng tới Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng khả năng Mỹ chấp thuận yêu cầu này là rất thấp.
Trong khi đó, một nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết, ít nhất 24 tàu chở hàng, vận chuyển tổng cộng 480.000 tấn bột mì và các loại ngũ cốc khác, đang phải neo đậu ngoài khơi bờ biển của Iran bởi không thể dỡ hàng do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Lệnh cấm giao dịch tài chính với Iran, đã khiến cho tín dụng thư không còn hiệu lực, làm cho các nhà cung cấp ngũ cốc không thể cập cảng dỡ hàng cho tới khi họ được thanh toán. Hoạt động chuyển tiền qua các ngân hàng gần như là không thể./.