Puea Thai với những thách thức lớn sau bầu cử
Thứ ba, 05/07/2011 10:16 (GMT+7)
Mặc dù giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7, song đảng Puea Thai (Vì nước Thái) ở Thái Lan sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trước mắt là việc thành lập chính phủ mới.
|
Bà Dinhlúc Xinvắt -biểu tượng của Puea Thai - trong thời khắc chiến thẳng (ảnh IT) |
Trong suốt quá trình tranh cử cũng như khi giành chiến thắng, hình ảnh bà Dinhlúc Xinvắt (Yingluck Shinawatra), em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thặcxỉn Xinvắt (Thaksin Shinawatra), dường như đã trở thành biểu tượng của Puea Thai và đang được kỳ vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng. Tuy nhiên, là một doanh nhân trẻ và không nhiều kinh nghiệm chính trường, chắc chắn bà Dinhlúc sẽ đối mặt với vô vàn áp lực từ nhiều phía.
Nhiều chuyên gia tại Thái Lan cho rằng những khó khăn mà bà Dinhlúc phải đương đầu trong chiến dịch tranh cử vừa qua không thấm gì so với những áp lực nếu trở thành thủ tướng. Ngồi lên chiếc "ghế nóng", bà Dinhlúc sẽ phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những chất vấn gay gắt của các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số đảng đối lập khác. Thậm chí, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Dinhlúc là khó tránh khỏi. Đã có ý kiến cho rằng chiếc ghế thủ tướng có thể sẽ được trao cho nhà lãnh đạo hiện nay của Puea Thai là ông Dongdút Vichaiđi (Yongyuth Wichaidit), nếu như ông Thặcxỉn đảm bảo rằng sự lựa chọn đó là "hợp lý và không gây rạn nứt nghiêm trọng trong nội bộ đảng". Ngoài ra, còn hai gương mặt khác là ông Pracha Prômnốc (Pracha Promnok) - người từng được các nghị sĩ Puea Thai ủng hộ trong cuộc đua với Thủ tướng Abixít Vâygiagiva (Abhisit Vejjajiva) hồi cuối năm 2008 và ông Chalơm Dubamrung (Chalerm Yoobamrung) - nhân vật số 3 trong danh sách ứng viên bầu chọn theo hệ thống danh sách đảng.
Tuy nhiên, nếu quyết định một người khác, chứ không phải bà Dinhlúc, vào chiếc ghế thủ tướng, Puea Thai sẽ bị xem là lừa dối, quay lưng lại với chính những người ủng hộ mình và dập tắt hy vọng của người dân về một sự thay đổi tích cực trên chính trường sau 6 năm đầy bất ổn.
Bên cạnh việc bầu chọn tân thủ tướng, Puea Thai cũng đối mặt với một loạt vấn đề đau đầu khác liên quan tới việc lựa chọn thành phần nội các mới, trong đó có việc "cất nhắc" một số thủ lĩnh của phong trào “Áo đỏ”. Trong số các thủ lĩnh “Áo đỏ” lọt vào tầm ngắm có Giatupông Prômphan (Jatuporn Promphan, nghị sỹ quốc hội và hiện đang bị tạm giam), Nathaút Xaicua (Natthawut Saikua) và Vêng Tôgiracan (Weng Tojirakarn, phu quân của quyền Chủ tịch Mặt trận dân chủ chống độc tài). Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm những người từng bị cáo buộc "dính líu đến khủng bố và tội khi quân phạm thượng" có thể sẽ vấp phải sự chống đối, khiến chính phủ mới có nguy cơ rơi vào bất ổn. Ngược lại, nếu không được "trả công thỏa đáng", Puea Thai sẽ làm mếch lòng các nhà lãnh đạo “Áo đỏ” và tạo ra sự căng thẳng không cần thiết.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Puea Thai và giới quân sự cũng được xem như một “quả bom hẹn giờ”, khi mà Puea Thai chưa biết sẽ phải xử lý thế nào vụ 91 người thiệt mạng trong làn sóng biểu tình hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái. Nhiều khả năng Puea Thai sẽ đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Pravít Vôngxuvăn (Prawit Wongsuwan) tiếp tục tại nhiệm. Tư lệnh lục quân Anupông Paochinđa (Anupong Paochinda) cũng được đồn đoán là sẽ được trao chiếc ghế này. Tuy nhiên, cả ông Vôngxuvăn và Paochinđa đều nằm trong số những người bị phe "Áo đỏ" đổ lỗi gây ra cái chết của những người biểu tình và cùng là thân hữu của Tư lệnh lục quân hiện nay Pradút Chan-Ôcha (Prayuth Chan-ocha), người vốn không có nhiều thiện cảm với các chính trị gia của đảng Puea Thai.
Ngoài ra, vấn đề gai góc nhất là việc ân xá cho ông Thặcxỉn. Bà Dinhlúc đã từng nói rằng sẽ để vấn đề trên cho Ủy ban Sự thật và Hòa giải giải quyết sau khi vấp phải sự phản đối của cả đảng Dân chủ và Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD - hay còn gọi là phe “Áo vàng”). Đó là chưa kể tới sự chống đối của giới thượng lưu và một bộ phận tướng lĩnh quân đội, nhất là những người từng góp tay lật đổ ông Thặcxỉn năm 2006.
Khi đảng Puea Thai bắt tay vào tiến trình thương thảo để thành lập chính phủ liên hiệp cũng là lúc bà Dinhlúc và các nhà lãnh đạo đảng này đứng trước sức ép rất lớn về việc làm thế nào để thực hiện những lời hứa hẹn đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.
Trước bầu cử, bà Dinhlúc từng tuyên bố ưu tiên hàng đầu cho việc giảm bớt khó khăn kinh tế cho người dân và theo đuổi chính sách “hòa giải, không trả thù” nhằm giảm xung đột chính trị và chia rẽ xã hội hiện nay. Cũng như trước đây, rất nhiều dân nghèo, đặc biệt là người dân các vùng nông thôn, đang đặt kỳ vọng rất lớn vào "sự đổi thay" mà Puea Thai sẽ mang lại. Tuy nhiên, chính sách dân túy với những cam kết của Puea Thai đưa ra khi tranh cử, nếu thực hiện hết, sẽ không thể vực dậy nền kinh tế đang giảm sút do sản xuất đình trệ. Chẳng hạn, với cam kết tăng lương tối thiểu 30%, lên 300 bạt (khoảng 10 USD/ngày), nhiều doanh nghiệp Thái Lan chắc chắn phải ngừng hoạt động do không có đủ khả năng trả lương cho người lao động. Khi đó tình trạng thất nghiệp, bất ổn xã hội và mâu thuẫn chính trị sẽ lại nổi lên như những hệ lụy khó tránh khỏi.
Khi chính trường Thái Lan vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường và khi người ta không loại trừ khả năng Thái Lan sẽ lại rơi vào rối loạn chính trị, thậm chí bất ổn xã hội, con đường phía trước của đảng Puea Thai chắc chắn sẽ rất nhiều gian nan và thử thách./.