Quan điểm của ông D. Medvedev về cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới

Thứ ba, 21/06/2011 16:52

(ĐCSVN) Trong thời gian gần đây, sự kiện bầu cử Tổng thống Nga vào năm 2012 thu hút sự chú ý của dư luận Nga và quốc tế. Trong khi đó người trong cuộc vẫn bình thản “chưa tới lúc phải đưa ra một tuyên bố gây tiếng vang”.

 

Tổng thống Nga D. Medvedev trả lời phóng vấn của Financial Times (Ảnh FT)


Trong ngày làm việc cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Xanh Pêtécbua, Tổng thống Nga D. Medvedev đã đành cho phóng viên Thời báo Tài chính (Financial Times) cuộc phỏng vấn. Financian Times (FT) là tờ báo về kinh doanh quốc tế ra hàng ngày tại London và 23 thành phố khác nhau trên thế giới. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nga và Kênh 1 Truyền hình Nga đã dành thời lượng đáng kể để đưa tin, không truyền trực tiếp.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, trả lời câu hỏi “Các nhà đầu tư rất quan tâm đến vấn đề ai sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cửTổng thống Nga sắp tới?”, ông Medvedev dẫn ngay “sự kiện nóng” của Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua 2011 lần này là tổng giá trị các Hợp đồng đã ký kết tại đây lên đến 200 tỷ Rúp (khoảng gần 6 tỷ USD) và tin tưởng chắc chắn rằng, việc ai thắng cử năm 2012 cũng không ảnh hưởng đến không khí đầu tư. Tại Xanh Pê-téc-bua, ban đầu câu hỏi này được bàn luận ngoài hành lang Diễn đàn kinh tế, sau đó vang lên to dần trên bục phát biểu và muộn hơn, được nhắc lại trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn của tờ Financial Times. Ông Dmitry Medvedev thừa nhận rằng, ông hiểu thấu nguyên nhân sự băn khoăn của các doanh nhân Nga cũng như nước ngoài.

Ông nói: “Theo tôi, tất cả chúng tôi, từ Tổng thống, Chính phủ cho đến Quốc hội phải làm tất cả những gì phụ thuộc vào mình để những yếu tố có tính chất chưa rõ ràng như vậy không ảnh hưởng tới không khí đầu tư. Đâu là sự khác biệt giữa nền kinh tế hiện đại, phát triển với đang phát triển (nền kinh tế Nga vẫn ở giai đoạn đang phát triển). Sự khác nhau là ở chỗ, những biến động quyền lực, ai được đặt vào vị trí nào, ai thắng cử, ai bị loại cũng đều không tác động nhiều đến không khí đầu tư. Nói cho cùng, việc ai trở thành Thủ tướng Anh? Hay ai sẽ là Tổng thống Mỹ? Đảng Bảo thủ hay Công đảng (ở Anh), hoặc việc quyền lực nghiêng về Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ (ở Mỹ) thì không khí đầu tư, trạng thái ngoại hối của các nước này cũng chỉ giao động ở mức độ không đáng kể”.

Câu hỏi chính trong cuộc phỏng vấn này không có gì đặc biệt và đã được các cơ quan truyền thông đặt ra rất nhiều lần đối với Tổng thống Nga. Đó là kế hoạch sắp tới trong cuộc tranh cử năm 2012 cũng như việc có tồn tại những bất đồng nào đó giữa bộ đôi quyền lực Medvedev – Putin. Mặc dù tìm mọi cách để dẫn ông Medvedev tới câu trả lời giật gân “có” hoặc “không”, các nhà báo Anh vẫn chỉ nhận được câu trả lời ý nhị: chưa tới lúc phải đưa ra một tuyên bố gây tiếng vang.

Trả lời câu hỏi của nhà bình luận chính trị nổi tiếng Nin Barkley “Ngài có cho rằng, có thể cả Ngài và Ngài Vladimir Vladimirovich Putin cùng ra tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ tới ?” Tổng thống Nga nói “Tôi nghĩ rằng, thật khó có thể hình dung ra việc cả hai người cùng tham gia vào cuộc tranh cử năm 2012 bởi một nguyên nhân tối thiểu. Tôi và ông Putin (vừa là đồng nghiệp và bạn hữu của nhau) ở một chừng mực nào đó, lại cùng là đại diện cho một thế lực chính trị. Do vậy, cả hai cùng ra tranh cử có thể tác động tiêu cực tới chính những nhiệm vụ và mục tiêu mà chúng tôi thực hiện trong những năm qua. Bởi vậy, đó không phải là một kịch bản tốt nhất cho đất nước trong tình hình hiện nay”.

Ông Medvedev ghi nhận, “mỗi nhà lãnh đạo ở cương vị Tổng thống đều muốn tiếp tục một nhiệm kỳ mới”. Đó là nhằm hoàn thành những công việc được họ bắt đầu. Tổng thống Nga đương nhiệm cũng có không ít kế hoạch, và chúng đều đòi hỏi nhiều năm tháng lao động bền bỉ.

Ông Medvedev cũng hứa sẽ sớm công bố về việc có ra tranh cử Tổng thống năm 2012 hay không. Tuy nhiên, nguyên thủ Nga thừa nhận rằng, ông mong được thực hiện đến cùng những công việc đã khởi đầu và thay đổi diện mạo quen thuộc của nước Nga. Theo những sửa đổi được thông qua đưa vào Hiến pháp Liên bang Nga, thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống mới của Nga sẽ kéo dài 6 năm. Tổng thống Nga cũng không giấu rằng, ông không phản đối việc mình ở lại điện Crem-li thêm một nhiệm kỳ. Theo lời ông Medvedev, “mỗi nhà lãnh đạo ở cương vị Tổng thống đều đơn giản là muốn tiếp tục một nhiệm kỳ mới”. Còn bản thân ông có đăng ký tranh cử một nhiệm kỳ nữa hay không, thì lại là chuyện khác.

Chủ đề tranh cử và các mối quan hệ trong bộ đôi quyền lực đã trở thành những đề tài chính của cuộc phỏng vấn ông Medvedev mà tờ báo Anh thực hiện. Đúng là giữa Tổng thống và Thủ tướng Nga tồn tại những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về giải pháp cho nhiều vấn đề. Nhưng đó là biểu hiện bình thường, không hề có cơ sở để nói tới bất đồng chính kiến.

Ông Medvedev tiếp tục chia sẻ: “Nếu trở thành Tổng thống nhiệm kỳ hai, như Hiến pháp đất nước cho phép, tất nhiên tôi sẽ làm mọi cách để thực hiện những mục tiêu đã đề ra: hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội, trong đó có hệ thống chính trị. Tôi mong rằng, sau 10 năm nữa Nga sẽ là một đất nước tốt đẹp, nơi sinh sống của những người dân thành đạt và sung túc, một quốc gia hùng mạnh và hiện đại.”.

Như vậy là có thể rút ra được 3 điều khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga D. Medvedev.

Một là, ai thắng cử thì cũng không làm ảnh hưởng đến “khí hậu đầu tư” (chữ dùng của ông Medvedev).

Hai là, ông và ông Putin không cùng ra tranh cử.

Ba là, giữa hai ông không hề có bất đồng chính kiến.

Ông Medvedev chỉ bày tỏ một mong muốn là, “nếu trở thành Tổng thống nhiệm kỳ hai, ông sẽ tìm mọi cách để thực hiện những mục tiêu làm cho nước Nga sẽ là một đất nước tốt đẹp cho những người dân thành đạt và sung túc sinh sống”.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng tâm sự về những yếu tố tiêu cực trong cương vị Tổng thống. Chẳng hạn, trước đây ông có thể cho phép mình tắt máy di động, thư giãn và chơi thể thao. Còn hiện nay, Tổng thống đương nhiệm không có phút nào né tránh công việc và sống trong nhịp độ căng thẳng liên tục.

Nhân cuộc trả lời phỏng vấn này, Tổng thống Nga cũng chúc cho ông Barak Obama sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới. Ông Medvedev đánh giá “Trong việc cải thiện quan hệ Nga -Hoa Kỳ có phần công lao của chính quyền Mỹ hiện nay và của cá nhân Tổng thống Barak Obama. Ông Obama thắng cử sẽ giúp củng cố quan hệ giữa Moscow và Washington. Những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có thể mất động lực dưới thời một chính quyền mới.”

Đề cập đến tình hình quốc tế, Tổng thống Nga D. Medvedev khẳng định, Nga sẽ không ủng hộ việc sử dụng vũ lực chống Xi-ri và khẳng định Nga sẽ dùng quyền phủ quyết của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn cản một Nghị quyết đối với Xy-ri tương tự như Nghị quyết về Ly-bi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực