Quan hệ Anh - Liên minh châu Âu: Một năm nhìn lại

Thứ ba, 29/12/2015 11:08
(ĐCSVN) - Năm 2015 đã xảy ra những biến động trong quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu. Trong đó, câu chuyện ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu đã trở thành đề tài được quan tâm không chỉ ở Anh mà gần đây đã được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu.

Câu chuyện Anh có thể trở thành quốc gia thành viên đầu tiên rời bỏ Liên minh châu Âu bỗng nhiên trở thành vấn đề nghiêm túc sau chiến thắng ngoạn mục của Thủ tướng David Cameron  trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh hồi tháng 5 vừa qua. Thủ tướng David Cameron tái đắc cử thêm 5 năm nữa và vì thế sẽ phải thực hiện cam kết của mình là tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trước năm 2017 về việc London nên “ở lại” hay “ra khỏi” Liên minh châu Âu, trong bối cảnh tâm lý hoài nghi châu Âu đang gia tăng mạnh tại Vương quốc Anh.


Trưng cầu dân ý sẽ quyết định Anh ở lại hay rời Liên minh châu Âu. (Ảnh: baotintuc.vn)

Phần lớn những người muốn Anh rời khỏi  Liên minh châu Âu không hài lòng với cách điều hành của Brussels. Theo họ, tư cách "thành viên Liên minh châu Âu" không mang lại lợi ích gì mà lại tước đi của họ quá nhiều quyền như: quyền thành lập thỏa thuận thương mại với các nước khác, quyền sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, hay quyền kiểm soát biên giới quốc gia. Đặc biệt, nhiều người Anh cảm thấy bức xúc khi nguyên tắc "cho phép tự do đi lại và làm việc giữa các nước thành viên" đã khiến cho công dân từ các nước Liên minh châu Âu khác đổ xô đến Anh sinh sống và tìm việc làm, gây quá tải cho hệ thống trường học, bệnh viện và các dịch vụ công của nước này và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.

Dư luận Anh vẫn còn nhớ, trong diễn văn năm mới 2013, đọc tại thủ đô London, Thủ tướng David Cameron cho biết trước hết ông muốn thương lượng lại những điều kiện về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu trong bối cảnh sự thất vọng của người dân Anh đối với Liên minh châu Âu đã lên đến đỉnh điểm. Sau khi đã thương lượng được, người dân sẽ có tiếng nói quyết định về việc Anh có rút khỏi Liên minh châu Âu hay không. Thủ tướng David Cameron cũng nêu rõ, nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 thì cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành vào cuối năm 2017.

Tuyên bố của Thủ tướng Anh Cameron cho thấy tâm lý "chán nản" của London đối với Liên minh châu Âu. Sự "chán nản" này đã có từ trước đây khi nước Anh luôn bất đồng với Liên minh châu Âu về nhiều vấn đề, đặc biệt là ngân sách. Nếu nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, Anh sẽ tiết kiệm được khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do việc không phải đóng góp vào ngân sách của Liên minh, thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu.

Tuy nhiên, Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ xấu đi. Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của Liên minh châu Âu. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế. 

Phe phản đối Liên minh châu Âu cũng tin rằng kinh tế Anh sẽ không yếu đi bởi đơn giản là nhiều nền kinh tế lớn, đơn cử như Nhật Bản, không nằm trong Liên minh châu Âu. Na Uy và Thụy Sĩ không phải là thành viên Liên minh châu Âu nhưng kim ngạch xuất khẩu tính trên đầu người của hai nước này vào Liên minh châu Âu còn cao hơn của Anh. Đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Anh hiện không phải là một nước thành viên Liên minh châu Âu mà là Mỹ. Anh cũng đang mở rộng thị trường ra hướng Đông với những bạn hàng tiềm năng dồi dào mới như Trung Quốc, Ấn Độ hay khu vực Đông Nam Á...

Bên cạnh đó, một vấn đề nổi cộm khác trong quan hệ Anh - Liên minh châu Âu chính là nhập cư. Anh đã thất bại trong việc giảm lượng nhập cư ròng xuống con số "hàng chục nghìn" do không thể ngăn cản công dân các nước thành viên Liên minh châu Âu đến Anh tìm việc làm và cư trú. Bất chấp việc London đưa ra đề nghị như thế nào liên quan đến việc sửa đổi điều khoản này thì câu trả lời của Liên minh châu Âu chỉ có một. Đó là cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên là một trong 3 nguyên tắc cốt lõi của Hiệp ước châu Âu Schengen và nó không thể thay đổi.

Tuy nhiên, phe ủng hộ Liên minh châu Âu lại cho rằng sẽ là "thảm họa" nếu Anh rời khỏi liên minh này bởi những mất mát khó mà đo đếm hết được về kinh tế cũng như vai trò và ảnh hưởng toàn cầu. Đó là chưa kể Scotland với lý do ủng hộ Liên minh châu Âu có thể đòi trưng cầu ý dân một lần nữa để tách khỏi Vương quốc Anh để gia nhập Liên minh châu Âu. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Anh David Cameron quyết định đưa ra một bản kiến nghị cải cách Liên minh châu Âu gồm 4 điểm và tuyên bố rằng nếu Liên minh châu Âu nhất trí với những cải cách đó, ông sẽ dốc sức vận động để người Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu.

Bốn đề xuất cải cách Liên minh châu Âu do Chính phủ Anh đệ trình bao gồm: Bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu; mở rộng quyền hạn cho Quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu (EP) và thắt chặt luật nhập cư bằng cách xóa bỏ trợ cấp xã hội cho người nhập cư châu Âu trong 4 năm đầu cư trú tại Anh, cấm người lao động châu Âu chuyển tiền trợ cấp ra nước ngoài. Anh muốn đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác Liên minh châu Âu dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu nữa hay không.

Tuy nhiên, những yêu cầu này của Anh đã và đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của không ít nước thành viên Liên minh châu Âu. Pháp cùng một số nước (gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary) đã nhấn mạnh rằng, họ đang cân nhắc đề xuất của Anh song sẽ không ủng hộ bất cứ giải pháp nào giới hạn hoặc có thành kiến liên quan đến sự dịch chuyển một số các giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu.

Trong đó, bất đồng lớn nhất tại các cuộc đàm phán giữa London và các nước thành viên Liên minh châu Âu là yêu cầu giảm phúc lợi đối với người di cư, vốn được nhà lãnh đạo “xứ sương mù” xem là biện pháp nhằm ngăn chặn người nhập cư từ các quốc gia Liên minh châu Âu vào Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, những đề xuất này có thể làm ảnh hưởng tới các "quyền tự do cơ bản trong thị trường nội bộ Liên minh châu Âu" và thậm chí là "phân biệt đối xử trực tiếp giữa các công dân Liên minh châu Âu". Bất kỳ sự hạn chế nào đối với việc tiếp cận phúc lợi xã hội của công dân Liên minh châu Âu di cư trong vòng 4 năm đầu tiên và việc ngăn cản họ xin phúc lợi xã hội cho con cái với lý do đang sinh sống ở nước ngoài là sự phân biệt đối xử và do đó vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu.

Theo một số nhà phân tích, với Liên minh châu Âu, việc nước Anh “ra đi” sẽ là một cú sốc lớn trong bối cảnh liên minh này đang cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết cả về mặt tinh thần, trí tuệ và sức mạnh vật chất để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư và cải thiện đà phục hồi kinh tế khu vực vốn đang còn mong manh. Thiếu Anh, các mối đe đọa và thách thức này càng trở nên khó khăn hơn bội phần. Một số nước thành viên Liên minh châu Âu ở Trung và Đông Âu thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ người dân của họ đang được hưởng lợi khi có thể tự do tới Anh tìm việc làm với thu nhập tốt, trong khi kinh tế ở chính nước họ đang èo uột. Nếu Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu, không chỉ các khoản phúc lợi bị cắt bỏ mà cửa vào Anh làm việc tự do cũng không còn nữa.

Trước những tác động tiêu cực mà Liên minh châu Âu sẽ phải hứng chịu nếu Anh rời khỏi liên minh này, tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bày tỏ thiện chí với những yêu cầu của London. Thay vì khăng khăng rằng các nguyên tắc tự do cốt lõi của Hiệp định Liên minh châu Âu là "bất khả xâm phạm", các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ thiện chí với những yêu cầu của London nhằm giữ chân Anh với một giải pháp "thỏa đáng và cùng có lợi cho các bên". Đó là việc thảo luận về vấn đề trên sẽ được tiếp tục tiến hành tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào tháng 2-2016. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, Liên minh châu Âu sẵn sàng nhượng bộ với Anh nhưng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cơ bản của châu Âu, bao gồm cả việc không phân biệt và tự do đi lại.

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa London và Washington cũng như trong chính sách đối ngoại giữa 2 nước. Chủ tịch Ủy ban các vấn đề Liên minh châu Âu của Quốc hội Đức khẳng định nếu nước Anh rời Liên minh châu Âu sẽ là thảm họa cho nền kinh tế của khối. Chủ tịch hội đồng Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy thì cảnh báo nếu Anh rời Liên minh châu Âu có thể đẩy liên minh gồm 27 thành viên này đi đến chỗ sụp đổ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius, coi kế hoạch trưng cầu dân ý của Anh là ý tưởng nguy hiểm. 

Là nước gia nhập Liên minh châu khá muộn (chính thức từ năm 1973), vẫn nằm ngoài khu vực tiền tệ chung châu Âu gồm 17 nước thành viên, nay chính phủ Anh lại đưa ra kế hoạch trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên minh châu Âu, cho thấy quan hệ giữa 2 bên không khăng khít. Tương lai của quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu đang bị bao trùm bởi lớp sương mù do chính các bên trong cuộc tạo ra./.

                                                                                                                                                                                                Tôn Nữ

Có thể nói mặc dù cuộc đàm phán Anh-Liên minh châu Âu chưa có bất cứ kết quả cụ thể nào, nhưng thiện chí mà hai bên thể hiện sau nhiều tháng tranh cãi là cơ sở để hy vọng hai bên đạt được một thỏa thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối vào tháng 2-2016. Các nhà phân tích hy vọng, năm 2016 sẽ là "năm đạt được điều gì đó thực sự quan trọng và căn bản để thay đổi mối quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu, đồng thời cũng giải tỏa các mối quan ngại của người Anh về tư cách thành viên Liên minh châu Âu".
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực