(ĐCSVN) – Nhân chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Liên bang Nga (từ ngày 23 đến 26 tháng 11 năm 2014), điểm lại các dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga, có thể thấy sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước là một tất yếu lịch sử.
|
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nga V. Putin (năm 2013). (Ảnh: TTXVN) |
Tháng 6 năm 1923, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, trên hành trình tìm đường cứu nước đã đặt chân đến nước Nga. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc cảm nhận một cách sâu sắc nhất sự ấm áp của “Tình hữu ái vô sản”. Cũng tại đây, Người đã tiếp thu những kiến thức cơ bản để xây dựng lý luận giải phóng dân tộc, giành lại quyền tự chủ, tự quyết cho Tổ quốc mình. Những bài học kinh nghiệm về giành, giữ và xây dựng chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, những thành tựu vang dội của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới không chỉ là tiền đề lý luận cho công cuộc xây dựng con đường cách mạng ở Việt Nam mà còn là niềm tin tất thắng vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở đất nước việt Nam xa xôi, lúc đó vẫn còn chìm trong đêm dài nô lệ.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt hòn đá tảng đầu tiên trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Liên bang Nga.
Ôn lại lịch sử và nguồn cội của mối quan hệ này để khẳng định một điều rằng, dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp theo một quy luật: những người bạn chung thuỷ luôn luôn kề vai sát cánh bên nhau trong từng giai đoạn phát triển.
Năm 1950, Việt Nam và Liên Xô (trong đó có Liên bang Nga) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga tuyên bố độc lập, kế thừa vị trí của Liên Xô trong quan hệ quốc tế. Từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga đã trải qua những thời kỳ thăng trầm.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế nói chung, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga nói riêng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định chủ trương tiếp tục duy trì, khôi phục mối quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ). Năm 1992, Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) đã khẳng định quan điểm đúng đắn này, tạo cơ sở cho việc xác lập mối quan hệ với Nga. Việc trao đổi đoàn cấp cao của hai bên đã trực tiếp thúc đẩy quan hệ hợp tác, tạo động lực cho mối quan hệ tốt đẹp sau này.
Sau khi chính sách thân phương Tây bộc lộ những giới hạn không thể vượt qua, chính giới Nga đã đòi hỏi những nhà lãnh đạo phải điều chỉnh để tạo sự cân bằng trong chính sách đối ngoại vì lợi ích quốc gia. Chính sách hướng sang châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam được Nga chú trọng. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã trở thành nhân tố khiến Liên bang Nga từng bước coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Qua các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, Việt Nam và Liên bang Nga đã từng bước thiết lập cơ sở vững chắc cho mối quan hệ, phục vụ nhu cầu phát triển của mỗi nước.
Tháng 6/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là chuyến thăm có tính chất lịch sử vì nó mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới. Hiệp ước đã mở đường cho việc tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước. Ngay trong năm đầu thực hiện Hiệp ước (1994), kim ngạch trao đổi thương mại song phương tăng gấp 2 lần so với năm 1992, đạt 378,9 triệu USD. Việc trao đổi đoàn, tham kiến các vấn đề quốc tế, phối hợp thực hiện các dự án, ủng hộ các quan điểm, sáng kiến của nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế diễn ra theo đúng các điều khoản đã ký kết và phù hợp với thông lệ, các điều ước quốc tế. Liên bang Nga coi trọng vai trò Việt Nam trongviệc thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Các lĩnh vực hợp tác khác như quốc phòng – an ninh; khoa học – kỹ thuật; giáo dục – đào tạo…được tăng cường và thu được những kết quả khả quan.
Lịch sử quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga ghi những dấu ấn mạnh mẽ nhất là từ năm 2001 trở lại đây. Đây là thời kỳ có nhiều chuyển biến quan trọng, tạo ra bước phát triển đột phá trong quan hệ hai nước. Hầu như hàng năm đều có các đoàn cấp cao của hai nước sang thăm lẫn nhau.
Bắt đầu từ năm 2008, hai nước đã thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật thường niên; họp đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ... Thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Trong lĩnh vực hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đến năm 2012 Nga đã nâng chỉ tiêu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam từ ngân sách lên 400 suất và 70 suất dành riêng đào tạo chuyên gia hạt nhân. Hiện, Việt Nam có gần 6000 sinh viên đang du học tại Nga, trong số đó có gần 2000 sinh viên được nhận học bổng từ ngân sách. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt – Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.
Liên bang Nga hiện đang có 92 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 2,05 tỷ USD, đứng thứ 18 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm gần đây cũng tăng nhanh. Từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD, hiện Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, tiếp đó là ngân hàng, thương mại... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội – Mátxcơva. Hai bên đã thành lập Tổ công tác cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt – Nga, đã xác định 17 dự án ưu tiên, sẽ góp phần quan trọng tăng cường quan hệ đầu tư hiện nay giữa hai nước.
Hợp tác năng lượng cũng được thúc đẩy. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai bên cũng đạt thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các nhà máy điện ở Việt Nam. Dự án trọng điểm sắp tới là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận với sự tham gia của Nga. Nga tiếp tục giúp Việt Nam phát triển năng lượng điện, hiện đại hóa các cơ sở nông nghiệp, nghiên cứu khả năng thành lập một liên doanh để sản xuất các thiết bị điện.
Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Nga đang được triển khai xứng tầm đối tác chiến lược. Nga chuyển giao tàu hộ tống 2 tên lửa Gepard 3.9 cho Việt Nam (trị giá 350 triệu USD), tàu ngầm lớp Kilo; hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển. Ngoài hải quân, không quân Việt Nam cũng đang được hiện đại hóa sâu rộng với các hợp đồng mua máy bay và hệ thống phòng không mới từ Nga. Việt Nam và Nga cũng đang xúc tiến các hoạt động để ký kết hợp đồng nâng cấp các hệ thống phòng không được Liên Xô chuyển giao.
Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Liên bang Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Medvedev, hai bên đã khẳng định quyết tâm triển khai các thỏa thuận cấp cao về việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước và tăng cường phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam và Liên bang Nga đã tìm được tiếng nói chung – hợp tác mở rộng trên cơ sở hai bên cùng có lợi và quan điểm gần gũi về những khía cạnh chủ chốt của các vấn đề quốc tế.
Tháng 11 năm 2013, lần thứ ba, Tổng thống Nga V. Putin thăm Việt Nam. Chuyến thăm đã tạo ra một xung lực mới, mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, được dư luận Việt Nam, Nga và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng.
Nhìn lại quá trình phát triển mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga, có thể thấy đó là một quá trình phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển của thế giới hiện nay./.