Quan hệ I-ran - phương Tây: "Căng như dây đàn"

Thứ hai, 05/12/2011 14:10

Quan hệ căng thẳng giữa I-ran và phương Tây đang ngày một nóng bỏng sau vụ tấn công của nhóm người biểu tình I-ran quá khích vào sứ quán Anh ở Tê-hê-ran vừa qua. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi hai bên tung ra những “đòn” trả đũa nhau. Chưa hết, một loạt nước phương Tây khác như: Đức, Pháp, Hà Lan cũng không thể ngồi im và đã cho triệu hồi đại sứ của mình tại I-ran để tham vấn.

Đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cảnh báo sẽ sớm đưa ra quyết định đối với vấn đề I-ran. Ông cáo buộc chính phủ I-ran đã không thực hiện trách nhiệm quốc tế khi để xảy ra sự cố sứ quán Anh tại Tê-hê-ran bị tấn công. Ngoài ra, phát ngôn viên Nhà Trắng Giay Ca-ni (Jay Carney) cũng khẳng định: “Mỹ sẽ thành lập một liên minh quốc tế chưa từng có để gây sức ép lớn lên I-ran và nhấn mạnh Mỹ và Nga cũng đạt được sự nhất trí về vấn đề này”.

Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát thăm một cơ sở hạt nhân của I-ran. Ảnh: Philebersole

Mặc dù Bộ Ngoại giao I-ran đã lên án hành động của những người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Anh và coi đó là hành vi không thể chấp nhận, nhưng phương Tây vẫn cáo buộc hành động này đã được nhà nước Hồi giáo “bật đèn xanh”. Cáo buộc này chẳng khác nào phát đi một tín hiệu “đối đầu và cảnh cáo” đối với Nhà nước Hồi giáo vốn từ lâu đã là “cái gai” trong mắt của các nước phương Tây.

Phản ứng cứng rắn của các nước phương Tây đối với I-ran khiến người ta lo ngại về nguy cơ đối đầu quân sự giữa Tê-hê-ran và phương Tây vốn được cảnh báo từ lâu đang tiến gần hơn tới hiện thực. Và cuộc xung đột ngoại giao giữa Luân Đôn và Tê-hê-ran được lo ngại sẽ là “mồi lửa châm ngòi” làm bùng phát một cuộc chiến lớn hơn mang tính chiến lược giữa phương Tây và Tê-hê-ran liên quan tới chương trình hạt nhân của I-ran.

Và thực tế, tại phương Tây thời gian qua đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về các biện pháp tăng cường phong tỏa kinh tế và các hành động quân sự trực tiếp nhằm vào I-ran. Và thường thì các ý kiến có vẻ nghiêng về giải pháp quân sự nhiều hơn. Cùng với đó là một cuộc chiến ngầm chống Tê-hê-ran đã được tiến hành và gia tăng trông thấy. Cụ thể là một số cơ sở quân sự của I-ran gần đây đã xảy ra các vụ nổ “bí ẩn” được cho là do bị đánh bom, các vụ thủ tiêu một số nhà khoa học I-ran và nhiều nhất là các cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào các mạng máy tính của I-ran.

Nhưng cũng chưa nghiêm trọng tới mức buộc người ta phải nghĩ tới khả năng phương Tây tấn công quân sự I-ran sẽ sớm diễn ra. Một phần cũng bởi những phân tích và quan ngại về những nguy cơ khôn lường nếu việc này diễn ra của chính những quan chức quân sự hàng đầu của phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) mới đây nhắc lại quan điểm của ông rằng tấn công I-ran có thể làm phương hại đến kinh tế châu Âu và Mỹ, gây nguy hiểm cho lính Mỹ và tạo ra vòng xoáy bạo lực khó có thể dự đoán được. Ông cho rằng, cùng lắm cuộc tấn công quân sự cũng chỉ có thể làm trì hoãn chương trình hạt nhân của I-ran một hoặc hai năm. Điều đó phụ thuộc vào khả năng nhắm trúng các mục tiêu tấn công. Trong khi đó, ông Pa-nét-ta thừa nhận, quân đội Mỹ không thể đảm bảo bắn trúng các mục tiêu liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran.

Vì vậy, xem ra cuộc xung đột ngoại giao mới giữa phương Tây và Tê-hê-ran này chưa là “giọt nước làm tràn ly” mà sẽ tạo một cái cớ mới để phương Tây gia tăng sức ép lên buộc I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân bị nghi ngại. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhóm họp để bàn về lệnh trừng phạt mới nhằm vào I-ran. Pháp và Anh đã công khai kêu gọi hành động nhằm ngăn cản việc xuất khẩu dầu của I-ran và hoạt động của ngân hàng trung ương I-ran. Động thái này được cho là đang tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế I-ran buộc Nhà nước Hồi giáo phải nhượng bộ. Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng có thể được Quốc hội Mỹ thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng.

Từ trước tới nay, Tê-hê-ran vẫn luôn thách thức mọi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này và kiên quyết lập trường theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình. Vả lại, Nhà nước Hồi giáo cũng không phải là một đối thủ “dễ chơi” khi nước này nắm chắc trong tay “vũ khí dầu lửa”. Quốc gia này vẫn đe dọa khả năng đáp trả bằng cách đóng cửa eo biển Hoóc-mút, nơi có đến 40% sản lượng dầu của vùng Vịnh Ba Tư được vận chuyển qua trước khi bán ra thị trường thế giới. Và việc cấm I-ran xuất khẩu dầu sẽ làm giảm lượng cung khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường thế giới. Từ đó giá dầu sẽ bị đẩy lên cao, càng góp phần khiến cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang “oằn mình” chống chọi suy thoái, trở nên tồi tệ hơn.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực