Quan hệ Liên minh châu Âu - Nga: Sự cải thiện rất khó đoán định

Thứ ba, 31/05/2016 20:38
(ĐCSVN) – Trong phiên thảo luận về các mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga diễn ra tại Brussels (Bỉ), ngày 30/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch tới Nga để gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladmir Putin vào tháng 6/2016.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ thăm Nga vào tháng 6 tới. (Ảnh: Reuters)

Trái với những gì mà người ta kỳ vọng về một bước đi mang tính bước ngoặt hay giúp phá băng trong quan hệ giữa Nga và EU, chuyến thăm Nga sắp tới của ông Juncker chỉ được đánh giá là sẽ mang lại những bước tiến khiêm tốn trong mối quan hệ giữa Moscow và EU – vốn đang bị kéo căng do những bất đồng liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hiện các nhà ngoại giao EU đang tranh luận về khả năng sẽ tiếp tục gia hạn thêm sáu tháng đối với các lệnh trừng phạt năng lượng, tài chính và quốc phòng mà liên minh này áp đặt chống lại Nga trước những cáo buộc về vai trò của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine – vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà ngoại giao cho rằng, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các đại diện EU và Nga trong vòng 2 năm qua (sau thời điểm Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea) đã phát đi tín hiệu cho thấy EU sẽ đưa ra một cách tiếp cận “mềm mỏng hơn” đối với Nga trong nửa cuối năm 2016.

Trong khi một số nhà lãnh đạo EU, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng đến Nga vào tháng 5/2015 thì đây là lần đầu tiên ông Juncker tới thăm Nga với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất của EU kể từ sau khi căng thẳng giữa hai bên bùng phát sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014. Mới tuần trước, Tổng thống Nga Putin cũng có chuyến công du tới Athen (Hy Lạp).

Chuyến đi của ông Juncker diễn ra vào thời điểm đang xuất hiện những chia rẽ giữa 28 nước thành viên EU xung quanh vấn đề trừng phạt Nga. Có ý kiến cho rằng, EU cần duy trì các lệnh trừng phạt cho tới khi Nga tuân thủ đầy đủ bản kế hoạch hòa bình Minsk tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, cũng có một số nước gồm Hungary và Hy Lạp lại đặt câu hỏi về tính cần thiết của việc duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga – vốn đang để lại những thiệt hại nặng nề đối với cả hai phía.

Trước bối cảnh trên, hai nước thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Litva và Latvia đã tỏ rõ quan điểm thận trọng về kế hoạch thăm Nga của ông Juncker. Thậm chí Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics còn cho rằng, ông Juncker cần tránh “tạo nên một ấn tượng rằng quan hệ giữa Nga và EU sẽ lại diễn ra bình thường, như thể các sự kiện trong năm 2014 chưa từng xảy ra”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cũng phát biểu trên tờ POLITICO rằng: “Các cuộc gặp gỡ chỉ để gặp gỡ sẽ không mang lại giá trị gia tăng nào cho các mối quan hệ giữa Nga và EU”.

Chuyến thăm Nga của ông Juncker: Một tín hiệu về thiện chí đối thoại từ EU tới Moscow?

Trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyến thăm Nga sắp tới của ông Juncker, phát ngôn viên của EC, ông Margaritis Schinas cho rằng, nhân sự kiện sắp diễn ra vào tháng 6 tới, ông Juncker sẽ truyền đạt tới nhà lãnh đạo nước chủ nhà về lập trường của liên minh này liên quan tới trạng thái hiện nay trong quan hệ Nga - EU.

Ống Schinas tiếp tục tái khẳng định chính sách trừng phạt của EU nhằm vào Moscow, đồng thời lưu ý thêm rằng chuyến thăm của ông Juncker tới Nga dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 tới “không có liên quan gì” tới vấn đề trên. Dự kiến, trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 28-29/6 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định về khả năng có tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hay không.

“Thời gian áp đặt trừng phạt rõ ràng phụ thuộc vào mức độ Nga tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine” – ông Schinas nói. Lập trường này không khác biệt so với tuyên bố đã được các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều lần đưa ra rằng EU sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga với điều kiện Moscow tuân thủ các thỏa thuận hòa bình tại miền Đông Ukraine - vốn vẫn còn chưa được tôn trọng một cách triệt để.

Trong lời phát biểu ngày 30/5, ông Schinas đã để ngỏ khả năng Chủ tịch EC và Tổng thống Nga sẽ gặp gỡ bên lề Diễn đàn kinh tế diễn ra tại thành phố St Petersburg vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, phát ngôn viên này từ chối tiết lộ về khả năng liệu có diễn ra một cuộc gặp gỡ trực tiếp và riêng rẽ giữa ông Juncker và ông Putin hay không.

Về phía Điện Kremlin cũng ra tuyên bố hoan nghênh chuyến thăm vào tháng 6 tới của ông Juncker, song cho rằng sự kiện này sẽ “ít có khả năng” mang lại bước đột phá trong quan hệ giữa Nga và EU. Tuy nhiên, tuyên bố trên cho rằng chuyến thăm này sẽ “mở ra một cơ hội tốt” để khởi đầu cho những nỗ lực thu hẹp bất đồng trong quan hệ giữa EU và Moscow.

Phát ngôn viên Điệm Kremlin Dmitry Peskov không quá lạc quan
 về chuyến thăm Nga sắp tới của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. (Ảnh: Ria Novosti)

Phát biểu trước phóng viên ngày 30/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tôi không quá lạc quan về chuyến thăm của ông Juncker hay tìm kiếm một bước đột phá trong quan hệ chỉ thông qua một bước đi riêng rẽ từ phía EU”. Theo lập luận của ông Peskov, việc vượt qua những “hậu quả tiêu cực” do các lệnh trừng phạt của EU mang lại và việc liên minh này đã từ chối thỏa hiệp ở nhiều cấp độ với Nga không phải là một điều có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, phát ngôn viên trên cho rằng tín hiệu tích cực nhất trong chuyến thăm của ông Juncker là nhằm thể hiện rõ sự sẵn sàng cũng như mong muốn của EU trong việc nối lại đàm phán với Nga để tìm kiếm thỏa hiệp chung về các vấn đề bất đồng giữa hai bên.

Trong một tuyên bố cách đây ít lâu, ông Juncker - người từng giữ vị trí Thủ tướng Luxembourg đã từng kêu gọi thiết lập một mối quan hệ “thiết thực” giữa Nga và EU. Tháng 11/2015, ông Juncker đã từng viết thư tới ông Putin, trong đó nêu đề xuất hình thành các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn giữa EU và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga dẫn đầu.

Chuyến thăm của ông Juncker tới Nga diễn ra chỉ ít lâu sau khi Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù nhân - một sự kiện vốn được các nhà chính trị phương Tây hoan nghênh, xem đây là một tín hiệu đáng mừng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Kiev, đồng thời hướng tới một tương lai thực thi đầy đủ các thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraine.

Trong một nhận định được đưa ra ngày 30/5, một nhà ngoại giao EU cho biết, diễn biến trên sẽ phần nào giúp “xoa dịu” trạng thái căng thẳng giữa Nga và EU. Tuy nhiên, 28 nước trong khối EU vẫn tiếp tục để ngỏ khả năng kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế nhằm chống lại Nga trong vòng sáu tháng tới, tính từ tháng 7/2016.

Đầu tháng 5/2016, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho rằng, hiện các nước EU vẫn chưa thể đưa ra cách tiếp cận rõ ràng với Nga trong nửa cuối năm 2016. Dự kiến, bà Mogherini sẽ đưa ra một “chiến lược toàn cầu” mới của EU vào tháng 6/2016. Hiện nội dung của chiến lược này vẫn chưa được tiết lộ, song một quan chức (giấu tên) của EU cho biết, tài liệu này sẽ coi Nga là một “thách thức chiến lược”, song vẫn tiếp tục kêu gọi hợp tác “có chừng mực” với Nga trong một số lĩnh vực mà hai bên cùng chia sẻ lợi ích chung.

Quan hệ giữa Nga và EU đã trở nên băng giá sau sự kiện Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Trong hai năm qua, quan hệ giữa Nga và EU đã trải qua nhiều biến động song chủ yếu là phụ thuộc vào những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.  Thậm chí ngay cả khi kịch bản giải quyết cuộc khủng hoảng này diễn ra theo chiều hướng thuận lợi thì quan hệ Nga - EU, vốn đã bị sứt mẻ, sẽ khó có thể trở lại trạng thái tốt đẹp ban đầu. Tuy nhiên, những tín hiệu phá băng trong quan hệ giữa Nga và EU lại đóng vai trò quan trọng bởi hai bên đều đóng một vai trò ràng buộc trong giải quyết những vấn đề quốc tế lớn. Chưa kể tới Nga là một nước tham gia tích cực vào Nhóm bộ tứ Normandie (với các bên còn lại là Pháp, Đức và Ukraine) để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Chính vì thế, chuyến thăm Nga sắp tới của ông Juncker, dù vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, song vẫn mang một ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ giữa Nga và EU. Cơ hội này có được nắm bắt để mở đầu cho một giai đoạn tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa Nga và EU còn là điều phụ thuộc vào thiện chí và cách đón nhận của các bên có liên quan./.

Thu Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực