(ĐCSVN) - Lâu nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan được giới quan sát miêu tả là như “răng với môi”. Nhưng mối quan hệ này trở nên căng thẳng và có dấu hiệu rạn nứt sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố O. bin Laden ngay trên đất Pakistan.
|
Người dân Pakistan phẫn nộ trước việc Mỹ vi phạm chủ quyền đất nước (Ảnh: Internet) |
Đỉnh điểm của mối bất đồng này là Quốc hội Pakistan lên án cuộc đột kích của Mỹ tìm và tiêu diệt O.bin Laden, kêu gọi xem xét lại các mối quan hệ với Washington và cảnh báo rằng Pakistan có thể cắt đường cung cấp cho lực lượng Mỹ ở Afganistan nếu có thêm các cuộc tiến công tương tự. Các nghị sĩ Quốc hội yêu cầu Chính phủ Pakistan nên xem xét lại mối quan hệ với Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia; đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc tiến công của quân đội Mỹ bằng máy bay không người lái vào Pakistan. Trong một nghị quyết, Quốc hội Pakistan kêu gọi hoạt động không kích hiện nay của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan là “không thể chấp nhận được”. Quốc hội Pakistan cũng tuyên bố việc thành lập một Ủy ban độc lập để điều tra cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt bin Laden.
Trước khi có sự lên án của Quốc hội Pakistan, trong những ngày trước đó, dư luận Pakistan bày tỏ sự phẫn nộ trước sự tiến công nói trên và gọi đây là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Pakistan. Những chính khách, những nhà dân tộc chủ nghĩa của Pakistan coi đây như là một sự sỉ nhục của một quốc gia, một dân tộc có chủ quyền. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp bất thường, thảo luận về vụ đột kích của Mỹ trên đất Pakistan và ra tuyên bố rằng, Pakistan quyết định giảm tối đa sức mạnh Mỹ đối với nước Nam Á này.
Không phải chỉ dư luận trong nước mà nhiều chính khách của một số tổ chức trên thế giới cũng bày tỏ sự bất bình, sự nghi ngờ về tính pháp lý của việc Mỹ tiêu diệt bin Laden. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền yêu cầu phía Mỹ tiết lộ toàn bộ sự việc nhằm xác định tính hợp pháp của chiến dịch truy quét nhân vật đứng đầu tổ chức khủng bố al Queda – bin Laden. Cao ủy Liên hợp quốc nhấn mạnh, các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố cần tuân thủ luật pháp quốc tế và cho rằng luật quốc tế không cho phép các hành động tra tấn cũng như hành quyết mà không xét xử.
Ngay cả trong nước Mỹ, dù ủng hộ việc trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới bị tiêu diệt nhưng dư luận cũng tỏ nghi ngờ về tính pháp lý của hành động “giết người không được vũ trang” này của Mỹ. Giáo sư X. Partner thuộc Đại học Michigan cho rằng nếu coi bin Laden là nghi phạm giết người hàng loạt thì lính Mỹ càng không thể giết ông ta, trừ khi chứng minh được bin Laden là mối đe dọa trực tiếp ngay tức thì với họ. Theo nhà nghiên cứu D.Seford (Mỹ), bin Laden bị Toà án liên bang Mỹ khởi tố năm 1998 vì âm mưu tiến công nước Mỹ và như vậy, Mỹ không có quyền xử tử một người đang trong giai đoạn khởi tố mà phải giữ để đưa ra xét xử tại tòa. Nếu lính Mỹ nhận mật lệnh phải giết bin Laden thì lệnh này vi phạm luật Mỹ.
Tại Châu Âu, nhiều tờ báo lớn dẫn các ý kiến của giới chuyên gia cáo buộc Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế vì giết bin Laden không có vũ khí và cho rằng trùm khủng bố này lẽ ra cần được xét xử tại một toà án. Tờ báo “Người bảo vệ” (Anh) cho rằng cuộc tiến công tiêu diệt bin Laden không theo quy trình pháp luật: Nhiều luật sư Anh cáo buộc Mỹ đã không “nỗ lực bắt giữ” bin Laden và trùm khủng bố này phải bị bắt và xét xử tại Tòa án quốc tế La Haye với một bồi thẩm đoàn quốc tế gồm cả luật sư, người Hồi giáo... Các tờ báo của Đức cũng khẳng định, việc giết người ngẫu nhiên là không được phép theo các thỏa thuận luật pháp quốc tế và hành động tiêu diệt bin Laden của Mỹ, rõ ràng mang động cơ chính trị. Hơn nữa nếu có thông tin cho thấy bin Laden không còn nắm giữ vai trò điều hành hoạt động của al Queda thì việc giết hại ông ta là bất hợp pháp.
Việc Mỹ tiến hành chiến dịch an ninh tại Pakistan mà không được sự ủy quyền của chính quyền Pakistan cũng gây nhiều tranh cãi. Giới chức trách Pakistan đặt câu hỏi “liệu cuộc tiến công của Mỹ có xâm phạm chủ quyền của Pakistan và vì thế đã vi phạm luật pháp quốc tế? Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Mỹ bị cấm sử dụng vũ lực bên trong Pakistan nếu không được phép của nước này. Giới chuyên gia thì thẳng thừng cáo buộc hành động của Mỹ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của một quốc gia. Thực tế Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Afganistan nhưng không có cách nào chứng tỏ vào thời điểm tiêu diệt, bin Laden đang tổ chức tiến hành khủng bố hoặc xung đột vũ trang tại Pakistan hoặc từ quốc gia này.
Mặc dù dư luận ở Pakistan và nước ngoài ngay cả ở Mỹ cũng dấy lên sự nghi ngờ về tính pháp lý của việc Mỹ tiêu diệt bin Laden tại một địa điểm sát nách thủ đô Pakistan thì những người đứng đầu nước Mỹ thì vẫn hân hoan với chiến tích của mình đồng thời phớt lờ những lời chỉ trích, bỏ qua những yêu cầu của giới lãnh đạo và nhân dân Pakistan. Mới đây, người phát ngôn Nhà trắng, G.Ca – ni thông báo Mỹ không xin lỗi Pakistan về vụ bin Laden, đồng thời chờ đợi Islamabad mở cuộc điều tra về mạng lưới giúp bin Laden ẩn náu tại đây. Mỹ đã cáo buộc Pakistan cung cấp nơi trú ẩn cho bin Laden. Trước đó Thủ tướng Pakistan Gilani bác cáo buộc rằng vụ đột kích vào ngôi nhà của bin Laden ngay gần Islamabad chứng tỏ hoặc đồng lõa với bin Laden; cảnh cáo vụ đột kích là hành vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Pakistan. Ông Gilani cho biết, ông chỉ được thông báo 15 phút sau khi bin Laden bị giết chết.
Mặc dù có những lời qua, tiếng lại giữa hai nước có mối quan hệ như “môi với răng” trong sự căng thẳng hiện nay, nhưng mới đây tại cuộc họp báo ở Thủ đô Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Tonor bác bỏ ý kiến cho rằng, quan hệ hai nước đang trong thời kỳ khủng hoảng. Ông Tonor nhấn mạnh, Tổng thổng Mỹ Obama đã tuyên bố rằng, sự hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố đã đạt được những thành công to lớn và Mỹ mong muốn sự hợp tác đó tiếp tục, ông Tonor khẳng định hợp tác với Pakistan là có lợi cho cả hai bên.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thường viện Mỹ, Thượng nghị sĩ (TN sĩ) J.Kerri . trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Pakistan ngày 16/5/2011, nhấn mạnh: “Pakistan cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và Washington hy vọng chính quyền Islamabad sẽ tôn trong lợi ích của nước láng giềng Afganistan, trở thành một đối tác thật sự của Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố. Về những căng thẳng giữa hai nước sau vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố O.bin Laden, ông J.Kerri cho rằng, còn nhiều vấn đề cần giải quyết và hai bên đang tìm cách xây dựng mối quan hệ này và phải có niềm tin vào nhau hơn.
Từ những dữ liệu trên, cho thấy trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay hai nước Pakistan và Mỹ trước mắt có những vấn đề “ấm ức” chưa bằng lòng với nhau nhưng vì những mối quan hệ, những ràng buộc khiến họ không thể “chia tay” hoặc để thời gian căng thẳng kéo dài. Mỹ còn cần đến Pakistan, Pakistan cũng cần có Mỹ, trong đó có việc mười năm qua Pakistan nhận 18 tỉ USD việc trợ của Mỹ chủ yếu là phục vụ nhu cầu quân sự. Sự rạn nứt và đôi lúc tưởng như khá căng thẳng này như giới quan sát nhận định “Chỉ nóng lên như đốm lửa tàn mà thôi”.