Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải)
trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 16/12. (Nguồn: AFP/TTXVN) Từ tư duy “đảo chiều”… Theo giới quan sát, những kết quả đạt được trong quan hệ Nga – Nhật vừa qua, đó là tính “đột phá” trong tư duy đối ngoại của hai bên về quan điểm chủ đạo giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị.
Đối với Nhật Bản, trước đây luôn nhấn mạnh sự gắn kết giữa kinh tế và chính trị, nhưng có phần coi trọng chính trị hơn, còn LB Nga lại thiên về giải quyết đồng thời mối quan hệ chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, “tư duy mới” về quan hệ Nga – Nhật của Thủ tướng S. Abe đưa ra lần này là đặt hợp tác kinh tế lên vị trí hàng đầu, đồng thời, đẩy nhanh quan hệ chính trị đối với Nga để thúc đẩy quan hệ song phương.
Về phía Nga, ngay từ tháng 3/2012, Tổng thống V. Putin đã tuyên bố với báo giới rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản khiến quan hệ Nhật - Nga đã có những tín hiệu tích cực, thực chất và có những cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Trong cuộc gặp tại TP. Nagato, tỉnh Yamaguchi ngày 15/12 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin nói: “Nhờ thiện chí của Thủ tướng S. Abe, quan hệ hai nước đã có những tiến triển”. Vì thế, “Chương mới” trong quan hệ Nga - Nhật đang được mở ra, tuy vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Đến gia tăng thiện chí…
Để đáp lại thiện chí của Tổng thống Nga, Thủ tướng S. Abe cũng tuyên bố, Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế đối với Nga mà không đợi tới khi tìm được giải pháp chính trị cho tranh chấp quần đảo Kuril, vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Nga - Nhật.
Ông Abe cho rằng, thiện chí của cả hai nước thể hiện ở chỗ cùng nhìn về một hướng, đã tạo thời cơ chín muồi để hai bên cùng nhau bước qua một “thời kỳ đã lỗi thời”, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, với nền tảng là sự hợp tác cùng phát triển, lấy quan hệ kinh tế song phương cùng có lợi để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Điều quan trọng là, lãnh đạo của hai nước đã thống nhất trên nguyên tắc rằng, hai bên cần tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề nhưng có tính đến lợi ích của nhau để cả hai nước đều chấp nhận được, mà không bên nào cảm thấy thắng, hoặc thua và hướng tới ký kết Hiệp ước hoà bình, bắt đầu kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Nhật.
Tổng thống V. Putin tuyên bố: Việc Tokyo và Moscow chưa thể đạt được Hiệp ước chính thức về quần đảo Nam Kuril - Vùng lãnh thổ phương Bắc là “điều lỗi thời” nên cần sớm giải quyết các quan điểm bất đồng, dù đây là một “việc khó khăn”.
Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 3 cuộc gặp hai bên được coi là tiền đề cho chuyến thăm lần này: Ở Sochi hồi tháng 6, ở Vladivostok hồi tháng 9 và ở Peru hồi tháng 11. Trong những lần gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện “cách tiếp cận mới” (không song trùng chính trị với kinh tế), khiến cho hai bên có thể tin tưởng lẫn nhau.
Như vậy, trước khi “phá băng” trong quan hệ hai nước, lãnh đạo cấp cao hai bên đã có sự “phá băng” về tư tưởng, xác định rõ “bức tường” đang ngăn chặn mọi nỗ lực của hai bên. Tokyo đã có bước đi mạnh mẽ trong việc “đổi hướng” và đi tìm giải pháp thực tế, coi hợp tác kinh tế thực chất là nền tảng để xây dựng mối quan hệ song phương vững chắc hơn, qua đó tìm hướng giải quyết những rào cản còn lại.
Và tháo gỡ khó khăn…
Nhật Bản vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ - nước luôn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Nhật để tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Vì là đồng minh “chí cốt”, nên Nhật Bản không thể không phụ thuộc vào Mỹ trong thời kỳ dài kể từ sau thế chiến hai. Vì thế, trong các bước đi, Nhật luôn phải tính đến quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, sau kết quả bầu cử ở Mỹ, với việc ông Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ Nga – Mỹ và Mỹ - Nhật cũng sẽ có sự điều chỉnh, tạo cơ hội cho quan hệ Nga – Nhật có thể tốt đẹp hơn, trước hết là từ quan hệ kinh tế.
Đối với nước láng giềng lớn là Trung Quốc, những năm gần đây cũng đã thể hiện thái độ ủng hộ Nhật - Nga xích lại gần nhau hơn.
Mặt khác, Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngoài ra, cải thiện quan hệ với Nga nằm trong sự điều chỉnh chiến lược chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước đây.
Đối với Nga, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng phù hợp với lợi ích chính trị của Nga, góp phần tạo dựng một trật tự đa cực, trong đó Nga là một cực quan trọng, nhằm hạn chế vai trò áp đảo của Mỹ và nâng cao vị thế cường quốc của mình. Việc hiện thực hóa chính sách ngoại giao đa phương hóa với trọng tâm là củng cố quan hệ với các nước lớn, trong đó có Nhật Bản.
LB Nga ở trung tâm lục địa Á – Âu. Để giữ vai trò ảnh hưởng đối với khu vực và phát triển kinh tế thì Moscow không thể không tăng cường khai thác tiềm năng khu vực này, nên việc khai thác tài nguyên, phát triển khu vực phía Đông còn giúp Nga tiến một bước dài hơn trong nỗ lực tiến vào khu vực kinh tế năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI…
Vì thế, dư luận đang kỳ vọng vào bước “đột phá” lần này của hai nước trong giải quyết vấn đề Nam Kuril/lãnh thổ phương Bắc và hướng tới một Hiệp định hòa bình giữa hai cường quốc Nga - Nhật Bản, góp phần vào sự ổn định an ninh khu vực và thế giới./.