Quan hệ Nga - Trung và Liên minh Âu - Á
Thứ ba, 01/11/2011 23:36 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Với hơn 160 quan chức, doanh nhân tháp tùng, chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Nga Pu-tin đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết 16 hiệp định kinh tế và thương mại trị giá hơn 7 tỷ USD trên các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và khai thác khoáng sản... góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Hai nước mong muốn qua chuyến thăm sẽ thúc đẩy giao dịch thương mại tăng lên gấp đôi, đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020. Trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, các cuộc đàm phán về năng lượng với các kế hoạch cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc là nội dung được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, kết quả về hợp tác kinh tế thương mại không được dư luận quan tâm bằng mục đích thúc đẩy ngoại giao để cân bằng cán cân quyền lực của Nga.
Là hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hai nền kinh tế lớn thuộc khối BRICS nên việc Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển các mục tiêu chiến lược của hai nước mà còn góp phần tích cực vào tạo dựng một thế giới đa cực và thúc đẩy tiến trình dân chủ của trật tự thế giới. Đánh giá về chuyến thăm chính thức của ông Pu-tin, các nhà quan sát quốc tế cho rằng, chuyến thăm này có ý nghĩa biểu tượng chính trị lớn, bởi đây là chuyến công du đầu tiên của ông Pu-tin kể từ khi ông công khai ý định trở lại chiếc ghế Tổng thống Nga vào năm 2012. Theo trang mạng Thời đại châu Á, việc Thủ tướng Pu-tin tới Trung Quốc trong bối cảnh chính sách thân phương Tây của Tổng thống Mét-vê-đép đã bắt đầu rơi vào đình trệ; Mỹ đang triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Tây Ban Nha, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm quan hệ Nga - Mỹ thêm căng thẳng. Mỹ đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, với việc Mỹ đang đưa Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm hóa giải các thiết bị của Trung Quốc thì Trung Quốc cần sự hợp tác chia sẻ từ Nga.
Tờ Le Mans của Pháp nhận định, tham vọng của ông Pu-tin tập trung vào châu Á. Với việc mới đây Thủ tướng Pu-tin đề xuất hình thành một Liên minh Âu-Á thì chuyến thăm này không chỉ nhằm cam kết những ưu tiên đối ngoại của ông với Trung Quốc khi trở thành Tổng thống Nga vào năm tới mà còn nhằm nhiều mục đích khác. Việc ông Pu-tin luôn thể hiện lập trường không tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) bằng mọi giá thì Liên minh Âu-Á là ý tưởng để tạo ra thế cạnh tranh với châu Âu và Mỹ. Để Liên minh Âu-Á hình thành thì vai trò của Trung Quốc phải được ưu tiên đặc biệt và thông điệp đầu tiên mà ông Pu-tin phát đi là Trung Quốc và Nga cần nhau. Trong khi đó các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Pu-tin đang đánh dấu sự trở lại của chính sách ngoại giao ,trong chiến lược địa chính trị mới của Nga là sẽ tập trung vào “hướng Đông nhiều hơn và đối lập với phương Tây nhiều hơn”. Trên lĩnh vực chính trị , Nga và Trung Quốc đã bắt đầu liên kết cùng nhau để đối phó với các vấn đề quốc tế. Việc mới đây cả hai nước cùng nhau phủ quyết Nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Xy-ri được cho là “điểm khởi đầu cho một quá trình cân bằng lực lượng giữa phương Đông và phương Tây”.