(ĐCSVN) - Ngày 22/01/2013, hai quốc gia vốn được xem như trục then chốt của Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Elysée, văn bản chính thức mở ra những liên kết hợp tác ưu tiên giữa Pháp và Đức.
|
Ngày 22/01/2963, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle (hàng đầu, bên phải) và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã ký Hiệp ước Elysée, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Pháp - Đức (Ảnh: AFP) |
Ngày 22/01/1963, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã đặt bút kí Hiệp ước Elysée (Hiệp ước giữa Chính phủ hai nước Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp về hợp tác Đức - Pháp). Đây là nền tảng cho sự hòa giải giữa Đức và Pháp. Hiệp ước hữu nghị này đã định ra những cuộc hội đàm thường xuyên giữa các Bộ trưởng Đức và Pháp, và đã được kiến lập suốt trong các thập kỷ kế tiếp.
Kể từ khi ra đời Hiệp ước này, sự hợp tác giữa hai quốc gia Đức - Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia và phát triển thành động lực của sự hợp nhất châu Âu. Trọng tâm của Hiệp ước này là mối quan hệ giữa nhân dân Đức và Pháp – không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa chính phủ hai nước, mà cả hai xã hội cũng cần gắn kết, góp phần gìn giữ tình hữu nghị Đức - Pháp và hội nhập sâu vào đời sống xã hội của hai nước.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hữu nghị Đức - Pháp đã dần dần phát triển, kết thúc nhiều thập kỷ xung đột tái diễn. Quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai nước vẫn luôn nồng ấm, bất chấp những thay đổi trong chính sách của các nhà lãnh đạo.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Elysée, Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm tới Berlin. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đều đánh giá cao việc ký kết Hiệp ước Elysée giữa Tổng thống Pháp Charle de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer ngày 22/01/1963, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, trở thành động lực phát triển trong Liên minh châu Âu, đặt nền móng cho sự phát triển hòa bình ở châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: Đức và Pháp đều ý thức được trách nhiệm to lớn của mình trong việc cải thiện tình hình EU, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và đưa kinh tế tăng trưởng trở lại. Bà cho biết, cả hai nước sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro. Đó là sự hợp tác sâu hơn giữa hai nước trong chính sách kinh tế với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, tăng trưởng và ổn định tài chính trong khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh sự tương đồng giữa hai nước Pháp và Đức, đồng thời bày tỏ vui mừng trước việc Pháp và Đức có thể phối hợp để đưa khu vực đồng tiền chung châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Cả hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy hoạt động phối hợp kinh tế trong EU, bất chấp khác biệt trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng giữa hai nước.
|
Việc củng cố trục Pháp - Đức là một việc làm không hề đơn giản đối với hai nhà lãnh đạo đương nhiệm (Ảnh: Reuters) |
Với việc ký kết bản Hiệp ước quan trọng này, lãnh đạo hai nước Đức - Pháp không chỉ khép lại một trang lịch sử quá dài và đẫm máu của cuộc xung đột, đấu tranh giữa hai nước châu Âu, mà còn mở các cánh cửa vào một tương lai mới cho nước Pháp, Đức và cho châu Âu.
Thật vậy, không thể phủ nhận rằng, trong suốt những năm vừa qua, hai nước Pháp - Đức thực sự giữ một vai trò hàng đầu trong Liên minh châu Âu và trở thành những nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những thay đổi chính trị diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Pháp, với cuộc bầu cử Tổng thống và chiến thắng của ứng viên Đảng Xã hội Pháp (PS) Francois Hollande, là không thực sự theo đúng như mong muốn của Berlin.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa bà Merkel và ông Nicolas Sarkozy đã trở nên thân thiết khi Đức và Pháp cùng "chung sức" giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Dư luận đã gọi bộ đôi này bằng cái tên "Merkozy" và thậm chí, Thủ tướng Đức còn công khai ủng hộ chiến dịch vận động tranh cử năm 2012 của ông Sarkozy tại Pháp. Bà Merkel đã từng không ít lần chia sẻ những tiếng nói ủng hộ, cũng như những đường hướng tương đồng trong chính sách đối với ứng cử viên đã không thành công trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, mặc dù “không được lòng” nước bạn ngay từ đầu, song ứng viên Đảng Xã hội Francois Hollande cũng đã phần nào làm ấm lại quan hệ giữa Paris với Berlin nhờ vào thỏa thuận giữa hai nước về vấn đề thắt lưng buộc bụng tài chính cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Thêm vào đó, phù hợp với mong muốn của Đức, Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý (TSCG), thường được gọi là "Hiệp ước tài chính châu Âu", cũng đã được Quốc hội Pháp phê chuẩn vào tháng 10/2012 vừa qua theo yêu cầu của Tổng thống và Chính phủ của ông.
Ngoài ra, “điểm hẹn ngoại giao” giữa Đức và Pháp không chỉ dừng lại ở tập trung các quan điểm về việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, mà còn xoay quanh quyết định của Pháp can thiệp quân sự ở Mali cách đây không lâu.
Cho tới thời điểm hiện tại, Berlin vẫn không đưa ra một dấu hiệu cụ thể nào theo quan điểm của Pháp ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến chiếm miền Bắc Mali. Tuy nhiên, một vài ngày sau khi Pháp gửi quân tới các quốc gia Tây Phi, Thủ tướng Merkel đã lưu ý rằng, lực lượng khủng bố tại Mali là "một mối đe dọa đối với châu Âu". Trong một cuộc họp báo cùng với Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara, bà Merkel cho biết: "Đức cho rằng, tình hình trong khu vực là một phần của tình hình an ninh riêng của mình". Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Thomas de Maizière cũng đã quyết định cho mượn hai máy bay C17 để vận tải hàng hóa cho lực lượng quân đội Pháp để giúp họ thực hiện các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của Mali.
Có thể khẳng định rằng, việc củng cố mối quan hệ Pháp - Đức đã, đang và sẽ không hề dễ dàng đối với hai nhà lãnh đạo châu Âu, bà Merkel và ông Hollande. Tuy nhiên, lần tái hợp của họ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước Elysée đã cho thấy những thiện chí của người đứng đầu hai nước. Đúng như báo Le Monde (Pháp) đã viết: “Vào lúc mà người ta cho rằng, quan hệ hai nước hiện đã không còn như trước đây, song lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp ước Elysée sẽ phải cho thấy điều ngược lại”./.