Quan hệ Trung - Mỹ trong 10 năm tới

Thứ tư, 16/03/2011 13:37
Năm 2011 mới bắt đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã long trọng đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Oasinhtơn. Chuyến thăm cấp nhà nước này của ông Hồ Cẩm Đào liên quan tới sự ổn định của nền kinh tế thế giới cũng như của khu vực Đông Á, nên cả Trung Quốc và Mỹ đều rất coi trọng.

Trải qua những trồi sụt của năm 2010, việc chuyển biến theo hướng hòa hoãn và định vị lại quan hệ như vậy đương nhiên đã được các nước trên thế giới, đặc biệt là các bên ở khu vực Đông Á quan tâm chú ý. Lãnh đạo Trung - Mỹ không hẹn mà gặp đều nhấn mạnh tới mong muốn điều phối quan hệ hai nước theo hướng ổn định.

Tất cả những gì nêu trên là một sự xác nhận chân thực về định vị quan hệ Trung - Mỹ. Thứ nhất, Mỹ không coi sự lớn mạnh và thành công của Trung Quốc là mối đe dọa. Thứ hai, Trung Quốc không bài xích mà hơn thế là tiếp tục hy vọng Mỹ nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc - Mỹ đều là nước có tư duy chiến lược, mưu cầu toàn cục cũng như mưu cầu lâu dài. Về mặt tư duy chiến lược, hai nước có một chút khác biệt: Mưu cầu toàn cục của Mỹ cao hơn Trung Quốc nhưng mưu cầu lâu dài của Trung Quốc lại tỏ ra có ưu thế hơn so với Mỹ. Thực lực tổng hợp của Trung Quốc và Mỹ nhất cử nhất động đều có ảnh hưởng tới hiệu quả của sự nghiệp quản trị toàn cầu. Do đó, cách nhìn thế giới, thái độ về công việc quốc tế và sự điều phối lẫn nhau của hai nước là vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc trong tương lai 1 0 năm tới.

Khi bàn về chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói: Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ có 3 nhân tố: một là, sự can dự tích cực và phát huy vai trò chủ đạo của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hai là, nỗ lực xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau với Trung Quốc và ba là, cố gắng hết sức mở rộng hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh, ứng phó với thách thức các loại. Mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới của Trung Quốc cần sự ổn định của quan hệ Trung - Mỹ và trật tự quốc tế được tăng cường.

Trước chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua kiến nghị về việc đề ra Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12. Lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển hùng vĩ hơn cho họ và cũng là cho tập thể lãnh đạo khóa sau. Trung Quốc với vai trò của một thực thể kinh tế mới nổi, tay trái muốn có được sự ủng hộ từ thị trường của các nước phát triển, tay phải lại cần tới sự ủng hộ về tài nguyên của các nước giàu năng lượng. Khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu lần này bùng nổ cũng đã bộc lộ điểm yếu trong kết cấu kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc cần thời gian để tạo ra những đóng góp mới trên con đường sáng tạo chuyến đổi. Nghiên cứu kỹ các mục tiêu phát triển chiến lược của Trung Quốc, người ta có thể nhận ra đây vẫn là một chiến lược phát triển chủ yếu đi theo tuyến hướng nội. Đối với các sự vụ khu vực và quốc tế, do ảnh hưởng của 2 nhân tố là năng lực hạn chế và tư duy ngoại giao truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, Trung Quốc không có sự chuẩn bị về tâm lý để “tiếp quản thiên hạ”. Trung Quốc mới bắt đầu học tập can dự vào sự vụ quốc tế.

Tổng hợp các yếu tố người ta thấy cùng với việc phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, Trung Quốc còn đứng trước cơ hội lịch sử hiếm có. Tích cực tạo ra môi trường có lợi sẽ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc. Mở rộng hợp tác giao lưu với các nước phát triển, trong đó có Mỹ, tăng cường tin tưởng lẫn nhau, nâng cao mức độ hợp tác là cơ sở quan trọng của việc tạo ra môi trường bên ngoài có lợi đối với Trung Quốc.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực